Sản phụ là chị V.T.U (sinh năm 1998, Hà Nội), chị U mang thai ở tuần 36 kèm nhiều bệnh lý phức tạp. Chị U nhập viện khoa Hồi sức tích cực chống độc và giảm đau, BV Phụ Sản Hà Nội trong tình trạng tiền sản giật nặng, béo phì kèm tiểu đường type 2 có điều trị insulin
Được biết, trước khi mang thai, sản phụ nặng 132kg, cân nặng hiện tại là 155kg.
Sau khi tiến hành hội chẩn, với tình trạng tiền sản giật nặng tiến triển xấu, các bác sĩ đã chỉ định mổ chủ động để đảm bảo an toàn cho cả sản phụ và thai nhi.
GS. TS. BS. Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện và ekip phẫu thuật thành công lấy một bé gái 2600g hồng hào, khỏe mạnh.
Theo GS. Ánh, đây là ca mổ khá khó khăn do sản phụ có lớp mỡ dày, nên quá trình gây tê và phẫu thuật cũng gặp khó khăn. Nguy cơ suy hô hấp trong quá trình gây tê của sản phụ là rất cao, vì vậy các bác sĩ phải luôn theo dõi rất sát sao.
Do sản phụ bị tiểu đường thai kỳ, béo phì, có lớp mỡ thành bụng dày nên có nguy cơ nhiễm trùng sau mổ, kèm theo tiền sử tiền sản giật nặng nên sản phụ cần được theo dõi sát nguy cơ sản giật sau mổ. Hiện tại, sản phụ và em bé đang được chăm sóc, theo dõi và điều trị tại khoa Dịch vụ D4.
Đái tháo đường thai kỳ ảnh hưởng thế nào đến mẹ bầu và thai nhi?
Tiểu đường thai kỳ là một trong những căn bệnh nguy hiểm với mẹ bầu và thai nhi. Theo Ths. BSCKII. Trương Minh Phương - Phó trưởng khoa Sản bệnh A4, BV Phụ sản Hà Nội, đái tháo đường thai kỳ là bệnh lý toàn thân vì vậy nó ảnh hưởng đến tất cả các cơ quan trong cơ thể của thai phụ như: tim, gan, thận, hệ cơ xương khớp…
Đối với thai nhi, nếu người mẹ bị rối loạn dung nạp đường huyết sẽ gây ra rất nhiều biến chứng của thai như: nếu như đường huyết cao dẫn đến phát triển thai to, đa ối hoặc thấp quá thì thai nhi chậm phát triển trong buồng tử cung. Đối với những trường hợp đái tháo đường kiểm soát không tốt, thai nhi khi sinh ra hoàn toàn có thể bị những bệnh lý mà những em bé ở thai phụ bình thường không gặp phải như: bị tụt đường huyết, hạ canxi máu, tình trạng rối loạn chuyển hóa hết sức nặng nề…
Giai đoạn 3 tháng đầu:
- Tác động lên quá trình phát triển của phôi, thai gây nên sảy thai tự nhiên, thai lưu, và dị tât bẩm sinh (tỷ lệ 8-13%, cao gấp 2-4 lần so với nhóm không bị tiểu đường).
- Các dị tật thường gặp là tổn thương hệ thần kinh, tim, các mạch máu lớn, hệ xương, thận, tiết niệu.
- Hậu quả đầu tiên là gây thai lưu do không chịu được mức đường huyết tăng cao, dẫn đến em bé tử vong trong bụng mẹ. Thai lưu trong vòng 3-6 tuần cuối của thai kỳ.
- Tăng tỷ lệ suy hô hấp, bệnh màng trong, xẹp phổi do ngăn cản quá trình hoàn thiện của phổi thai nhi
- Tăng trưởng quá mức và thai to, dẫn đến sang chấn thai do đẻ khó
- Đa ối cấp, mạn tính dẫn đến nguy cơ đẻ non
- Thai chậm phát triển trong tử cung
- Thiểu ối - tình trạng nước ối ít hơn bình thường theo tuổi thai
Chính vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, các mẹ bầu cần phải đi khám sớm, đi khám đúng theo các chỉ định của các bác sĩ chuyên gia để kiểm soát và phát hiện sớm nếu có từ đó có những hướng dẫn kịp thời từ chuyên gia.