Trong không khí đón xuân mới thì ăn không thể thiếu, chính vì thế người ta quen gọi “ăn Tết”... Tuy nhiên, với một số người có bệnh mạn tính thì ăn Tết cũng cần đặt lên bàn cân, vì nếu mất cân bằng sẽ là báo động đỏ cho sức khỏe. Trong đó phải kể đến bệnh tăng huyết áp (THA) - căn bệnh chiếm gần một nửa dân số ở người trưởng thành và ngày càng trẻ hóa ở nước ta. Do vậy, trong những ngày Tết, không thể không nhắc đến chế độ ăn để kiểm soát HA hạn chế các biến chứng nguy hiểm.
Protid - Khi nào cần hạn chế?
Người bị THA thường không cần hạn chế protid, nhưng trong trường hợp bệnh THA có kèm tổn thương thận, đặc biệt là khi hàm lượng urê và alhydric trong máu vượt quá mức cho phép thì cần phải giảm bớt lượng protid, để giảm gánh nặng cho thận. Thông thường mỗi người cần khoảng 1g protid/kg thể trọng mỗi ngày. Protid bao gồm 2 loại: protid động vật có trong thịt, cá, trứng, sữa và protid thực vật có trong đậu nành, lạc, vừng... Lượng protid nạp vào cơ thể tốt nhất là một nửa từ động vật và một nửa là từ thực vật. Protid động vật chứa nhiều loại axit amin nên có giá trị dinh dưỡng cao, nếu cơ thể chúng ta thiếu hụt những axit amin cần thiết sẽ dễ sinh bệnh tật.
Đừng lạm dụng mỡ
Ăn quá nhiều mỡ động vật sẽ làm tăng lượng cholesterol và axit béo trong cơ thể, dẫn đến nguy cơ bị THA và xơ vữa động mạch. Vì vậy, để giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, cần giảm mỡ động vật trong thức ăn. Mỡ động vật có hàm lượng chứa cholesterol rất cao nên ăn nhiều mỡ động vật chắc chắn sẽ khiến hàm lượng cholesterol trong máu cao lên, những cholesterol này sẽ bám dính vào vách thành động mạch, khiến động mạch xơ cứng. Những người tuổi cao, hàm lượng cholesterol trong máu cao hay thể trạng quá nặng đều cần giảm bớt lượng mỡ, lượng cholesterol trong máu và giảm cân. Còn trong dầu thực vật thì chứa nhiều axit oleic có tác dụng ức chế cholesterol bám trên thành động mạch nên có thể tăng lượng dầu thực vật thay mỡ động vật trong khẩu phần ăn (tỷ lệ hợp lý giữa lượng mỡ - dầu khoảng 1:1)
Người mắc bệnh THA nên ăn thịt gà bỏ da, lợn nạc, bò, dê nạc thì tốt hơn tôm cua, trứng. Lượng cholestrerol trong nội tạng động vật như lòng, gan, tim, bầu dục... khá cao nên cần chú ý không ăn nhiều. Trong cơ thể có 1/3 lượng cholesterol do cơ thể tự sản sinh ra và 2/3 nạp vào qua ăn uống, vì vậy rất cần thiết giảm bớt cholesterol trong thức ăn.
Năng lượng vừa phải
Những người bị THA kèm theo béo phì hoặc suy giảm khả năng phân giải đường đều nên giảm lượng calo nạp và cơ thể, bằng cách ăn nhiều gạo mỳ xát thô (gạo hẩm), ít ăn gạo xát kỹ (trắng), bớt ăn đường ngọt. Các thức ăn vào sẽ sản sinh nhiệt lượng sau quá trình tiêu hóa, hấp thụ quá nhiều nhiệt lượng rất dễ béo phì, thừa mỡ trong cơ thể sẽ khiến lượng cholesterol tăng cao, tích tụ trong thành mạch, gây nên xơ cứng động mạch. Thể trọng tăng lên cũng khiến huyết áp tăng, thường thì thể trọng càng tăng nhiều thì huyết áp càng cao. Vì vậy cần tiết chế ăn uống, duy trì thể trọng không nên để thừa cân.
Vitamin là bạn tốt
Hoa quả tươi chứa rất nhiều vitamin C giúp chống xơ cứng động mạch. Các loại rau củ cũng chứa nhiều vitamin C nên khi nấu không nên nấu quá chín mà làm mất vitamin C. Trong quýt, chanh có chứa nhiều vitamin P giúp hạ lượng cholesterol trong máu, tăng cường sức đề kháng của thành huyết quản, có tác dụng phòng ngừa xuất huyết não. Còn vitamin E lại tăng cường công năng của thành mạch, giảm lắng đọng máu, giảm thiểu nhu cầu hấp thụ ôxy của cơ thể, nên rất thích hợp với người bệnh THA kèm bệnh về van tim.
Muối là kẻ thù
Ăn quá nhiều muối rất không tốt cho người THA, thí nghiệm cho thấy những thức ăn nhiều muối khiến cho huyết áp tăng cao và ngược lại. Những người bệnh THA được áp dụng chế độ ăn ít muối thì có khoảng 20-60% hạ được huyết áp rõ rệt. Người khỏe mạnh mỗi ngày cần khoảng 5-6g muối, người THA nên giữ ở mức 3-4g muối mỗi ngày. Ngoài muối ra thì cũng cần giảm thiểu các món có nhiều natri... Những người bị suy tim, phù, thũng, THA cấp lại càng cần hạn chế muối. Vì thế, cần tránh ăn nhiều muối hoặc gia vị chứa muối, dưa muối, cà muối, cá muối, thịt muối; chả, giò, xúc xích... Khi chế biến thức ăn, chúng ta nên thêm các gia vị đường, dấm... để bớt nêm muối mà ăn vẫn thấy dễ chịu; hoặc chọn những thực phẩm giàu kali vì kali có tác dụng khống chế hữu hiệu sự hưng phấn của cơ tim, ảnh hưởng tốt đến sức co bóp và năng suất co bóp của tim, tăng cường lượng máu cho thận hoạt động, giúp bài tiết natri và nước, hạ thấp dung lượng huyết tương, kích thích giãn mạch giúp hạ huyết áp... Rau củ quả tươi hàm chứa rất nhiều kali, các thứ quả như quýt, chuối, đu đủ, khoai tây, khoai lang, bầu bí... vì vậy rất tốt cho huyết quản. Rau quả còn giúp đại tiện dễ dàng, vì táo bón sẽ không tốt với người THA.
Ngoài ra, thiếu canxi cũng có ảnh hưởng đến THA. Mỗi ngày uống khoảng 250ml sữa bò hoặc sữa đậu nành sẽ giúp bổ sung lượng canxi thiếu hụt. Các loại rau như rau cải, cần tây, nấm, mộc nhĩ, tảo... cũng có lượng canxi lớn. Người THA nên ăn nhiều đồ biển chứa nhiều iốt như rau câu, sứa biển, tôm tép, tảo biển... để tránh bị xơ cứng động mạch.
Rượu, bia uống thế nào?
Cồn là nhân tố nguy hiểm gây bệnh THA, điều này đã được y học chứng minh rõ ràng. Người THA tốt nhất nên cai rượu, bởi huyết áp sẽ dần tăng lên theo tửu lượng dẫn đến những biến chứng nguy hiểm về tim, thận, não... Người THA nặng thì tuyệt đối không được uống rựợu, còn người THA nhẹ nếu có thói quen uống rượu thì cũng không nên uống quá 50ml rượu mỗi ngày và nên uống rượu vang đỏ hoặc nếu có vui xuân cụng ly chúc tụng thì ngày cũng chỉ nên uống 300ml bia.
Khi bạn bị THA, những thực phẩm nên chọn trong dịp Tết cũng như hằng ngày là ăn nhiều cá hơn thịt, ăn các chế phẩm từ đậu nành, rau quả và ngũ cốc chế biến thô; những loại thức ăn này rất giàu protid, vitamin, nguyên tố vi lượng chất xơ nên có tác dụng giảm mỡ, giảm huyết áp. Ngoài ra có thể chọn một số thực phẩm như tảo biển, rau câu biển, sứa, hải sâm, cần tây, hành tây, củ niễng non, mã thầy, dấm ăn... hạn chế ăn mỡ, đường và muối. Đừng quên tập thể dục hằng ngày và nhớ uống thuốc đúng giờ, đủ lượng.