Giúp người lầm lỡ làm lại cuộc đời

16-06-2018 05:48 | Xã hội
google news

SKĐS - Hàng trăm số phận trong các trại giam cứ ám ảnh tôi. Trong số đó có người trong độ tuổi vị thành niên, người tốt nghiệp đại học, cán bộ. Có hoàn cảnh quanh năm không có thân nhân thăm nom.

Tuy mỗi người một vùng quê, hoàn cảnh với mức án phạt khác nhau, nhưng chung một mục đích cải tạo, hướng đến ngày mai tươi sáng.

Khi đồng tiền làm mờ mắt

Phạm nhân Lê Thị H. (sinh năm 1976), hiện đang cải tạo tại Trại giam Hoàng Tiến (thị xã Chí Linh - Hải Dương) thao thao kể về các con. Con gái của chị mới cưới chồng, con trai vừa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, đang xin làm công ty ở quê nhà huyện Văn Lâm (Hưng Yên) để dành tiền lấy vợ. Niềm mong mỏi sớm được trở về đoàn tụ cùng các con khiến chị tích cực hơn trong mọi công việc được giao ở đội trực sinh (quét dọn vệ sinh trong trại). Nhưng chị cũng bộc bạch rằng, nếu không bị đồng tiền làm mờ mắt thì chị đã chẳng từng sống trong lo lắng, bàng hoàng đến thế. “Chồng tôi mất sớm, tôi ở vậy nuôi hai con. Những tưởng cuộc sống cứ thế bình lặng trôi đi, nhưng nào ngờ chính tôi sa ngã. Năm 2010 tôi phạm tội vận chuyển trái phép chất ma túy và bị kết án 15 năm tù giam. Giá tôi đừng phạm tội thì tôi đã chẳng phải xa hai con, mà lúc nào cũng có thể gặp chúng”, H. chia sẻ.

Các phạm nhân lao động cải tạo tại Trại giam Suối Hai (HN).

Các phạm nhân lao động cải tạo tại Trại giam Suối Hai (HN).

Ở vùng quê của H. còn nghèo, người dân hay lam hay làm. Bản thân H. từ ngày chồng mất chỉ một mực nghĩ cho các con, không đi bước nữa. Thế rồi trong một lần không làm chủ được, chị đã nhận lời chuyển ma túy cho người khác để rồi phải lãnh nhận hậu quả. “Cứ nghĩ đến chuyện mãn hạn tù, ra ngoài đoàn tụ với các con, tôi lại có cháu nội ngoại nữa mà thấy ấm lòng”, H. thốt lên.

Cũng là một người mẹ chịu mức án 15 năm, phạm nhân Nguyễn Thị Kh. mới bị đưa vào cải tạo tại Trại giam Hoàng Tiến đầu tháng 3/2017. Kh. bảo rằng, mình phạm tội mua bán trái phép chất ma túy từ năm 2010, nhưng do hoàn cảnh gia đình khó khăn, chồng là công nhân mỏ, bản thân Kh. lúc gây án cũng vừa mang bầu, nên được tạo điều kiện sinh con, nuôi con rồi mới phải trả án. “Tôi có tội thì phải chịu. Chỉ thương hai đứa con nhỏ, nay yếu mai bệnh, tôi phải nhờ vả ông bà nội trông nom. Giá mà tôi đừng dại dột, ham hố...”, Kh. ân hận.

Không được may mắn như những phạm nhân khác ở Trại giam Hoàng Tiến, Ngô Thị Ng. là phạm nhân duy nhất không có người thân thăm nom. Ng. đặc biệt, không chỉ bởi chị có số phận hẩm hiu nhất mà còn là người mẹ đang tâm bán con cho người khác đưa sang Trung Quốc để làm vợ bé. Năm 2004, chị tiếp tục nghe người khác “đặt hàng” nên đã về Việt Nam lừa mang hai thiếu nữ đi bán. Khi chị đưa hai thiếu nữ 16 tuổi đến Móng Cái (Quảng Ninh) thì bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ và bị kết án 15 năm tù.

Những giọt nước mắt ân hận

Ngồi chia sẻ với tôi, Ngô Thị Ng., tim tôi cứ thắt lại vì chị khóc trong rấm rứt, ân hận bởi đã dại dột bán đứa con gái duy nhất của mình. “Lẽ ra tôi phải cho con gái cuộc sống tốt đẹp. Tôi khổ sở, lận đận nay đây mai đó thì đúng ra phải phải vệ được con. Thế mà... Bây giờ tôi không biết cháu sống chết ra sao. Cháu có hận người mẹ bất hạnh này không. Nhìn mọi người có người thân thăm nuôi động viên an ủi, tôi càng thấm thía nỗi cô đơn tủi cực và càng giận mình. Tôi hận là mình đã từng trải ngoài xã hội nhiều mà còn dại dột. Đồng tiền làm mờ mắt tôi. Cuộc sống khổ cực xui khiến cái chân, cái đầu. Có lúc tôi đã nghĩ đến cái chết, nhưng chết đi thì chẳng còn cơ hội đi tìm con gái nữa”.

Vừa khóc, vừa giãi bày, Phạm Thị Bằng G. (sinh năm 1995) cải tạo tại Trại giam Hoàng Tiến rất ân hận vì hành vi sai trái của mình. G. xuất thân từ vùng quê Nam Sách (Hải Dương), với khuôn mặt hiền lành, xinh xắn, ở tuổi này bình thường sẽ lập gia đình, chăm sóc con cái, hưởng hạnh phúc. “Còn em phải trả án. Em buồn và ân hận lắm, nhưng bây giờ phải sống tốt để vươn lên”, G. nói.

Tâm sự về nguyên do dẫn đến hệ quả của hôm nay, G. bảo rằng, chỉ vì giây phút bốc đồng, trót dại. Đó là một ngày cuối tháng 9/2013, G. đi làm công ty may và có mâu thuẫn với một bạn nữ. Hai cô gái xảy ra xô xát thì anh quản đốc đứng ra can. Song anh quản đốc đã không bênh G., lại còn nặng lời nên sinh uất ức. G. đã gọi điện nhờ một nhóm bạn nam đến... dằn mặt. Cuộc ẩu đả diễn ra. Một người bạn nam của G. dùng thanh sắt đánh vào gáy anh quản đốc, khiến anh bị xuất huyết não và tử vong sau đó mấy ngày. Hệ quả là ba người phải đi tù, người trực tiếp gây án chịu mức án 20 năm, còn G. và một người khác chịu án 16 năm.

Quệt tay lau dòng nước mắt, G. nấc nghẹn: “Em thương bố mẹ lắm. Vì một lần dại mà để ảnh hưởng, tai tiếng và bố mẹ đau lòng!”. G. làm tôi nhớ đến những cô gái cách đây vài năm ở Trại giam Thanh Phong (đóng trên địa bàn huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa). Tất thẩy đều rất trẻ, khuôn mặt sáng ngời và nhiều cô gái khóc trong ân hận. Một điển hình là Đinh Thị Quỳnh D., có tuổi trẻ, nhan sắc nhưng lại dấn thân vào chốn giang hồ khá sớm. Do không được sự dạy dỗ, quan tâm của gia đình nên chưa học xong lớp 9, D. đã bỏ học đi làm thuê. Vì có ngoại hình xinh xắn, nên chẳng bao lâu D. đã được rất nhiều chàng trai quý mến. Cô cũng có rất nhiều đàn anh, đàn chị cưu mang, dạy dỗ cách kiếm tiền. Những người này ra sức “lấy số” cho cô em và hễ ai bắt nạt, chỉ cần cô em D. gọi điện là các anh, chị sẵn sàng đến giúp. Thậm chí, trong nhiều lần va chạm, D. chủ động ra tay, xông vào đấm đá túi bụi đám con trai, nếu thua lại gọi các anh chị đến “xử”. Cô tiếp tục dấn thân vào chuyện yêu đương, kiếm tiền bất chính. Trong một lần cung cấp ma túy, cả hai bị bắt, người yêu D. bị kết án 20 năm, còn cô chịu án 10 năm tù giam.

Con đường hướng thiện, hoàn lương

Sa ngã có ba, bảy đường nhưng đường hoàn lương chỉ có một. Là cán bộ trực tiếp quản lý và giáo dục phạm nhân, Thiếu tá Nguyễn Văn Quang đã có 20 năm gắn bó với Trại giam Hoàng Tiến chia sẻ: “Với những cô gái trẻ, với mức án không quá dài thì vẫn còn nhiều cơ hội làm lại cuộc đời, quan trọng là họ có thật sự tỉnh ngộ, ý thức làm điều đó hay không. Với mỗi người cán bộ làm công tác quản lý và giáo dục, điều quan trọng nhất là phải giúp được anh chị em phạm nhân an tâm cải tạo, chấp hành kỷ luật của trại giam, hòa đồng và giúp đỡ các phạm nhân khác. Bởi thế, Giám thị trại giam cũng tạo điều kiện cho phạm nhân được xem ti vi, đọc sách báo, tổ chức đội văn nghệ, giúp các phạm nhân có dịp giao lưu, cải thiện văn hóa tinh thần”.

Đồng quan điểm ấy, Thiếu tướng Phạm Đức Chấn, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp (Tổng cục VIII), cho biết thêm: “Vào trại giam không phải là “nơi đày ải, hạ nhục con người”. Ở đó tình người không có giới tuyến và tình người không phân biệt vị trí pháp lý. Từ mục tiêu là giáo dục, cải tạo phạm nhân trở thành người lương thiện, có ích cho xã hội, tình người luôn được khơi dậy và phát triển trong trại giam”.

Dẫu vậy, dù nói thế nào thì hàng trăm bạn trẻ, đang ở tuổi thành niên, nhiều người là trụ cột gia đình đã phải “bóc lịch” trong nhà giam khiến mỗi chúng ta thấy đau xót. Đường về của nhiều người không còn xa, nhưng vẫn là một thử thách cho bất cứ ai còn chưa trân trọng giá trị tự do trong cuộc sống này.

Công tác giáo dục, cải hóa người phạm tội để sau khi chấp hành xong án phạt, có thể tái hòa nhập cộng đồng là một trong những nỗ lực của các cấp, các ngành, mà trực tiếp là lực lượng công an, cho thấy những chính sách nhân văn của Đảng và Nhà nước ta. Song công tác này cũng đang gặp không ít khó khăn, do tình trạng khan hiếm việc làm, bản thân người chấp hành xong án phạt chưa nỗ lực phấn đấu.

Hải Miên
Ý kiến của bạn