Giúp người đái tháo đường luôn vui khỏe

26-01-2020 07:01 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Sau Tết Nguyên đán, số người bệnh đái tháo đường phải nhập viện luôn tăng và có không ít trường hợp bệnh nhân ở trong trạng thái hôn mê nguy kịch do đường huyết tăng cao.

Người bệnh đái tháo đường cần làm gì trong dịp Tết?

Đối với người bệnh đái tháo đường luôn được bác sĩ khám bệnh tư vấn cẩn thận về chế độ ăn, uống, dùng thuốc và vận động cơ thể. Vì vậy vào dịp Tết, người bệnh đái tháo đường sẽ gặp phải khá nhiều rắc rối, nếu không cẩn thận, có thể làm cho bệnh tăng lên, thậm chí nguy hiểm hoặc phải cấp cứu gây phiền toái cho bản thân, gia đình và mất vui của ngày Tết. Vậy, người đái tháo đường nên lưu ý những gì trong dịp Tết này?

Trước khi nghỉ Tết nên tái khám bệnh để xác định lại chỉ số đường huyết, trên cơ sở đó bác sĩ sẽ có tư vấn kịp thời, đồng thời chỉ định dùng thuốc cho hợp lý. Người bệnh cần được chuẩn bị đủ các loại thuốc cho bệnh đái tháo đường. Thuốc đái tháo đường là thuốc bác sĩ chỉ định dùng loại nào, tuyệt đối không tự động mua thêm hoặc nghe tư vấn của người bán thuốc mua các loại thuốc ngoài chỉ định. Nếu làm như vậy sẽ rất nguy hiểm cho việc giữ bình ổn chỉ số đường huyết, từ đó tai họa sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Ngoài chuẩn bị đủ số lượng thuốc trong dịp Tết, người bệnh nên chuẩn bị thêm các loại thuốc của bệnh khác mà mình đang mắc cùng với đái tháo đường (tăng huyết áp, tăng mỡ máu, xơ vữa động mạch, thiểu năng mạch vành, thoái hóa khớp...). Việc dùng thuốc cũng không được tự động điều chỉnh liều lượng, nếu dùng liều thấp sẽ làm cho đường huyết tăng (nếu tăng cao dễ có nguy cơ hôn mê do nhiễm độc xê-tôn), ngược lại, nếu uống liều cao quá có thể làm cho đường máu giảm gây hiện tượng hạ đường huyết sẽ rất nguy hiểm, có thể gây tụt huyết áp, hôn mê do hạ đường huyết.

Chế độ ăn, uống trong dịp Tết, người bị đái tháo đường cần hết sức lưu ý, bởi vì, ăn uống không kiêng khem sẽ làm cho đường huyết tăng cao, nhất là rượu bia, bánh, kẹo, trái cây có hàm lượng đường cao (cam, quýt, xoài, sầu riêng...) và các thực phẩm chế biến nhiều mỡ. Theo thống kê, những năm gần đây, cứ sau dịp Tết cổ truyền có rất nhiều người đái tháo đường (số lượng hàng trăm) phải đến với các khoa nội tiết và đái tháo đường hoặc bệnh viện cấp cứu hoặc khám vì bị tăng đường máu, đặc biệt có những trường hợp nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, thậm chí có người bị tử vong do đến cấp cứu quá muộn. Nguyên nhân chủ yếu là do người bệnh đái tháo đường không thực hiện đúng chế độ ăn và điều trị bệnh. Rất nhiều người trong số đó đã chủ quan, tự ý bỏ điều trị hoặc tự cho mình “tạm ngừng” điều trị, hoặc uống thuốc không đều, ăn uống không kiêng khem đúng mức.

Các thức ăn truyền thống của ngày Tết rất đa dạng, dồi dào nhưng không thích hợp cho người tiểu đường vì có quá nhiều chất béo (món xào, chiên, rán, măng hầm chân giò, sườn, thịt đông...) hoặc các loại dễ làm tăng đường máu như xôi, bánh chưng. Vì vậy, chỉ nên dùng với một lượng nhỏ. Tốt hơn, trước khi vào bữa ăn, nên ăn một lượng nhỏ thức ăn hoặc ăn nhiều rau luộc, su hào luộc, củ cải luộc... (các loại này sẽ không làm tăng đường máu) để tạo cảm giác no, khi vào bữa chính sẽ hạn chế ăn quá nhiều. Dù là Tết nhưng nên chọn món ăn cá nhiều hơn ăn thịt, nếu ăn thịt, nên chọn thịt gà, thịt lợn nạc, không nên ăn thịt bò, trâu (thịt đỏ) và hạn chế tối đa rượu, bia. Ngoài việc chú ý uống thuốc đều đặn, chú ý ăn uống hợp lý, người đái tháo đường đừng quên vận động cơ thể, mỗi ngày ít nhất 30 phút tập thể dục nhẹ nhàng, tốt nhất là đi bộ hoặc chơi cầu lông, bóng bàn nhưng nhớ là thực hiện xa bữa ăn (không nên ăn xong vận động cơ thể ngay).

Dấu hiệu bị đái tháo đường

Ở mọi lứa tuổi, khi thấy các biểu hiện bất thường như luôn cảm giác đói và ăn nhiều; luôn thấy khát và uống nhiều; đi tiểu nhiều, một số người khi bệnh đã nặng, nước tiểu đã có đường glucose, có thể thấy kiến bâu, ruồi đậu (chủ yếu gặp ở nông thôn). Mặc dù ăn, uống nhiều nhưng người bệnh lại thấy sụt cân nhiều trong thời gian ngắn, người gầy yếu, mắt nhìn mờ, tê bì tay chân, nếu có vết thương, thấy vết thương lâu lành, trục trặc về tình dục, thường xuyên bị nhiễm nấm (viêm âm đạo ở nữ giới), viêm họng, mũi... thì cần đi kiểm tra đường huyết ngay.

* Tiểu đường hay đái tháo đường là một bệnh mạn tính với biểu hiện lượng đường trong máu luôn cao hơn chỉ số bình thường do cơ thể của người bệnh bị thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin, dẫn đến rối loạn chuyển hóa đường trong máu. Có hai loại đái tháo đường (đái tháo đường type I và đái tháo đường type II). Đái tháo đường type I, nếu cơ thể xuất hiện hệ thống miễn dịch phá hủy các tế bào bê-ta của tụy là nơi sản xuất ra insulin, cơ thể có rất ít hoặc không có insulin, gặp chủ yếu ở trẻ em. Nếu cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc cơ thể không thể sử dụng hiệu quả lượng insulin mà nó tạo ra, đó là đái tháo đường type II. Đái tháo đường type II có thể gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, không phân biệt giới tính, nếu cân nặng càng dư thừa, nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường type II càng tăng cao.

* Nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường là do có sự đề kháng insulin, hay sự thiếu hụt sản xuất insulin, do đó đường glucose không được đưa từ máu vào trong tế bào. Khi cơ thể không sản xuất đủ hay không sử dụng được insulin, tế bào không thể dùng glucose tạo ra năng lượng và đường huyết sẽ tăng cao. Tỷ lệ bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh trên toàn thế giới, ước tính có khoảng 380 triệu người mắc bệnh đái tháo đường vào năm 2025. Mặc dù có khoảng 4% dân số thế giới mắc bệnh đái tháo đường nhưng nhiều người không hiểu rõ về căn bệnh này.

BS. Văn Quang
Ý kiến của bạn