Những việc làm cao đẹp chốn "nâu sồng"
Sư cô Chơn Phú hiện làm quản lý chùa Lộc Thọ, một ngôi chùa nằm yên bình giữa bốn bề cây xanh ở cuối xã Vĩnh Ngọc (TP. Nha Trang, Khánh Hòa).
Hơn 20 năm gắn bó với chùa, sư cô được đông đảo học sinh nghèo, trẻ em lang thang, cỡ nhỡ đang học tập và sinh sống trong chùa gọi bằng biệt danh đầy yêu thương là "mẹ hiền Chơn Phú"; "cô giáo Chơn Phú nhân hậu"…
Giữa thanh âm ngân vang của tiếng chuông, sư cô Chơn Phú dẫn tôi đến từng lớp học trong chùa và chia sẻ rằng: "Từ năm 1993, người trụ trì cũ của chùa là sư bà Diệu Ý đã lập nên các lớp học tình thương này. Học sinh là những em có hoàn cảnh nghèo khó, lang thang, cơ nhỡ. Vào chùa, các em được học kiến thức từ mẫu giáo đến hết lớp 5. Em nào có khả năng thì tiếp tục ra ngoài học lên cấp cao hơn. Sau khi sư bà Diệu Ý viên tịch thì giao lại những việc này cho tôi".
Dãy lớp học trong chùa Lộc Thọ xưa kia rất lụp xụp, đơn xơ, chỉ có hơn 10 trẻ học, nhưng rồi, sĩ số tăng lên ngày càng nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc các sư cô trong chùa sẽ vất vả, tất bật hơn nhưng ai cũng hoan hỷ.
Sư cô Chơn Phú bộc bạch: "Đến nay số học sinh là con gia đình nghèo, trẻ lang thang, trẻ em bán vé số, con của người di cư từ nơi khác đến… đã là 160 em. Trong đó có 10 em mồ côi, tàn tật thì học xong ở lại trong chùa và chùa nuôi nấng, chăm sóc. Còn 150 em khác thì sau một ngày học tập, ăn uống tại chùa, chiều tối được gia đình đón về. Số lượng học sinh đông nên hầu như ngày nào bản thân tôi cũng chạy đôn đáo từ tinh mơ đến chiều tối. Công việc nối tiếp nhau triền miên, từ việc lo tu tập ở chùa, lo thực phẩm ăn uống cho các cháu, lo sắp xếp, vận động các thầy cô giáo đến chùa dạy miễn phí cho các em…".
Để việc dạy kiến thức cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn được bài bản, sư cô Chơn Phú đi vận động những nhà giáo có tấm lòng thiện nguyện đến giúp đỡ (trong đó chủ yếu là giáo viên vừa nghỉ hưu). Thấu cảm nỗi lo toan của sư cô, nhiều giáo viên sẵn sàng vượt nắng mưa đến chùa giảng dạy miễn phí. Tuy nhiên, cũng có thời điểm chưa vận động đủ giáo viên (vì có người nghỉ), sư cô Chơn Phú trực tiếp xuống các lớp học tình thương để giảng dạy.
Sơ cô Chơn Phú tâm tình rằng: "160 em học sinh trong chùa, mỗi em có một một hoàn cảnh riêng. Thế nên, vừa dạy mình vừa động viên, tiếp thêm nghị lực cho các em. Từ những năm tháng dốc hết tâm huyết, yêu thương giành cho các em thiệt thòi, tôi nghiệm ra, lòng nhân ái, sự hy sinh chân thành cho người khác sẽ giúp cho đời sống ngày một tươi đẹp hơn".
Ở chùa, sau mỗi giờ lên lớp, sư cô Chơn Phú còn thường xuyên kể những tấm gương điển hình về tinh thần vượt khó, gương chinh phục tri thức, tấm gương kiên trì vượt qua nỗi đau thân phận… Thông qua các câu chuyện này, sư cô đã giúp cho các em học sinh trong chùa luôn cảm thấy mình hạnh phúc, ấm áp.
Gian nan nhất với sư cô Chơn Phú là chăm sóc cho 10 em mồ côi, bệnh tật lưu trú trong chùa nhưng với lòng nhân ái rộng mở, khó khăn nào cũng đều được sư cô vượt qua.
Bà Nguyễn Thị H và một số người có con học trong chùa Lộc Thọ cảm động, chia sẻ: Gia đình chúng tôi nghèo quá, đều tất bật đi làm thợ hồ, nên không có điều kiện đưa đón con đến các trường học. Khi thấy trong chùa có mở nhiều lớp tình thương đã mang cháu đến gửi gắm các sư cô. Ở chùa, các sư dạy rất chu đáo, em nào quậy phá thì trở nên hiền lành, ngoan ngoãn, em nào sợ học chữ thì chịu khó đọc, viết. Ở chùa, các em còn được các sư cô, nhất là sư Chơn Phú chăm lo ăn uống rất chu đáo. Hôm nào ở chùa về, các em cũng đều hào hứng, vui vẻ.
Lòng thiện nguyện của sư cô luôn rộng mở
Với sự kiên trì gây dựng của nhiều thế hệ các nhà sư trong chùa Lộc Thọ, đến nay, dãy lớp học tình thương trong chùa mang vóc dáng như một trường học thu nhỏ. Sư cô Chơn Phú bảo rằng, việc làm thiện nguyện với những nhà sư là một cơ duyên đặc biệt. Có hôm, thấm mệt vì lên lớp dạy xong lại lo các việc khác trong chùa nhưng khi thấy các em đồng thanh hô lên "chúng con sẽ học giỏi, sẽ không nghịch ngợm nữa sư cô ơi", là mọi mệt mỏi lại như được xóa tan.
Thay đổi hẳn bản thân kể từ ngày vào chùa học chữ, em Trần Thanh H kể: "Bố mẹ em ly hôn, mỗi người một ngả. Em ở với mẹ mà mẹ bận đi bán vé số mưu sinh, nên trước đây em vạ vật ở nhà trọ hoặc lêu lổng đi chơi với những bạn cùng cảnh ngộ. Sau đó, cũng định đi bán vé số giống mẹ, chẳng thiết tha học chữ làm gì. Thế nhưng, từ một lần vào chùa Lộc Thọ thấy sự tận tâm dạy dỗ của sư cô Chơn Phú và các sư khác, em đã xin vào chùa học. Ở đây rất tốt, sư cô Chơn Phú như "người mẹ" thứ hai của em. Được ăn uống, được vui chơi, được nghe những câu chuyện về lòng yêu thương, em thấy mình vẫn còn nhiều may mắn nên quyết tâm học thật tốt".
Với nhiều sư cô trong chùa Lộc Thọ việc trợ giúp một trẻ mồ côi hay nuôi dạy tốt một học sinh nghèo tựa như một duyên lành đã gieo vào đời sống. Vậy nên, có nhiều đêm đang ngủ bỗng nghe tiếng khóc văng vẳng ngoài cổng chùa, các nhà sư chạy ra, thấy một đứa trẻ nhỏ thó, tím tái bị bỏ lại. Biết sẽ thêm phần gian khó để chăm bẵm và nuôi nấng nhưng các nhà sư vẫn rộng tay ôm đứa trẻ vào lòng, tạo cho em một đời sống tốt nhất.
Sơ cô Chơn Phú trải lòng: "Có hơn 20 năm tu hành, gắn bó nơi cửa Phật, nhưng tôi cũng như các nhà sư khác đều tâm niệm phải luôn rộng lòng giúp đời bằng những việc làm thiết thực nhất. Khi mình có tâm thiện, từ đáy lòng cháy bỏng ý nghĩ giúp người thì khó khăn nào cũng trở nên nhẹ nhàng. Hoàn cảnh nào cần nương tựa ở chùa, chùa không từ chối. Cháu bé nào bị bỏ rơi ở chùa, các sư đều dành cho tình yêu thương như nhau. Hầu hết các em lớn lên, trưởng thành đều có cách sống nhân hậu và suy nghĩ tích cực về đời sống. Đó là món quà quý giá dành cho các sư sau bao nhọc nhằn cưu mang, nuôi dạy".
Sư cô Chơn Phú luôn xem việc tận tình dạy dỗ, nuôi dưỡng những hoàn cảnh khó khăn là niềm hạnh phúc của người tu hành.