Tự chuẩn bị cơm trưa văn phòng
Với những khuyến cáo như hạn chế tụ tập chỗ đông người, hạn chế ra ngoài thì việc bạn tự chuẩn bị cơm trưa tại nhà rồi mang đến văn phòng là một giải pháp đúng đắn. Hình thức này vừa hợp khẩu vị lại đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cung cấp năng lượng cho ngày dài cũng như tăng cường khả năng của hệ miễn dịch. Hơn nữa còn giúp dân văn phòng tiết kiệm tiền, cũng để ra được nhiều thời gian nghỉ ngơi, thư giãn với đồng nghiệp, nạp năng lượng cho buổi chiều làm việc hiệu quả hơn.
Bổ sung chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng
Việc cải thiện hệ miễn dịch, tăng cường sức đề kháng là một biện pháp tuyệt vời giúp bạn chống lại các tác nhân gây bệnh từ bên ngoài, đẩy lùi dịch bệnh. Để tiếp thêm sức mạnh cho “hệ thống phòng thủ” này của cơ thể, bạn nên đặt ra một chế độ ăn uống đầy đủ, bổ sung thêm nhiều dưỡng chất tốt. Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho sức khỏe:
Rau, củ, quả có chứa các vitamin D, A và C như cam, quýt, bưởi, khoai lang, nghệ, gừng, tỏi, nấm, đu đủ,...
Bột yến mạch có nhiều vitamin E và chất chống oxy hóa, tốt cho hệ miễn dịch - polyphenol.
Trong thịt bò và một số loại thủy hải sản có vỏ như cua, sò, hàu, tôm hùm chứa nhiều kẽm, sắt, protein, vitamin A,...
Mật ong là một trong những loại thực phẩm có khả năng kháng viêm, giảm nhẹ triệu chứng đau rát, ngứa họng. Mỗi ngày uống một chút mật ong pha cùng nước cam, chanh sẽ cải thiện hệ miễn dịch.
Sữa chua là món ăn lý tưởng cho hệ miễn dịch vì chúng có chứa rất nhiều men vi sinh có lợi, canxi, kali, vitamin D, các loại protein tốt cho sức khỏe.
Uống nhiều nước mỗi ngày
Nước là một thành phần quan trọng, chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể con người. Người làm văn phòng, thường xuyên phải làm việc trong phòng điều hòa. Điều này khiến cho cơ thể bị mất nước, dẫn tới tình trạng khô da, sạm da, nổi mụn, hay khô cổ họng. Bạn cần chú ý đặc biệt rằng cổ họng khô sẽ là môi trường lý tưởng để virus lây lan và xâm nhập nhanh chóng vào cơ thể. Không những thế, thiếu nước cũng làm ảnh hưởng tới hiệu suất công việc của bạn, khiến bạn sa sút tinh thần, mất tập trung, mệt mỏi, căng thẳng kéo dài.
Vì vậy, hãy uống nhiều nước mỗi ngày. Mỗi người, mỗi ngày cần uống khoảng 1,5-2 lít nước, tương đơng với 8 ly. Việc uống đủ nước còn giúp cơ thể thải độc hiệu quả, tăng cường hệ miễn dịch, giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi.
Dành ra ít nhất 20 phút để ngủ trưa
Nhiều người không có thói quen nghỉ trưa mà vẫn tiếp tục ngồi tại bàn làm việc sau khi ăn trưa để xem tin tức hoặc lướt web cho đến giờ làm buổi chiều. Đây thực sự là thói quen không tốt cho cơ thể và cả cho mắt. Hãy dành ra 15 đến 20p để ngủ trưa, hoặc đơn giản là chợp mắt một chút để thả lỏng cơ thế, nghỉ ngơi để tích trữ năng lượng cho một buổi chiều làm việc hiệu quả hơn.
Đeo khẩu trang đúng cách
Các nhân viên khối văn phòng, đặc biệt là những ngành nghề có đặc thù phải tiếp xúc với nhiều người lạ, nên đeo khẩu trang trong lúc làm việc để hạn chế nguy cơ lây nhiễm. Đeo khẩu trang không chỉ bảo vệ sức khỏe của bạn mà còn là hành động thể hiện trách nhiệm với sức khỏe cộng đồng.
Khi dùng khẩu trang y tế, bạn phải tuân thủ những quy định chung như: Đeo đúng theo chỉ dẫn để che kín được phần mũi và miệng; tuyệt đối không sờ tay vào khẩu trang khi đeo, khi bỏ khẩu trang thì tháo từ hai bên dây vì cầm trực tiếp có thể làm bàn tay lây nhiễm virus...
Rửa tay thường xuyên
Trên tay người có rất nhiều loại vi khuẩn, virus độc hại. Chúng rất dễ bám vào sau khi tiếp xúc với các vật dụng trong nhà và ngoài trời, sau khi đi vệ sinh,... Nếu không rửa tay, diệt khuẩn thường xuyên, chỉ với một hành động nhỏ theo thói quen như dụi mắt, ngáp, lấy tay che mũi, miệng, chính bạn đã mang các tác nhân gây bệnh vào cơ thể, làm ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe.
Sát khuẩn tay là giải pháp hữu hiệu, đơn giản và tiết kiệm nhất để phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là các bệnh ở hệ tiêu hóa hay hô hấp.
Rửa tay bằng nước không sẽ chưa đủ đảm bảo sạch sẽ, nước chỉ có khả năng rửa trôi những vết bẩn có thể nhìn thấy nhưng không diệt được hoàn toàn các loại vi khuẩn, virus có hại. Bạn phải rửa với xà phòng, nước rửa tay hoặc gel rửa tay khô có chứa cồn để tiêu diệt tận gốc các tác nhân gây bệnh.
Tập luyện khi ở văn phòng
Đặc thù của dân văn phòng là thường xuyên phải ngồi nhiều và hạn chế vận động, vì vậy họ dễ mắc các bệnh về xương khớp, đầu vai cổ, cột sống. Trong 8 giờ ngồi văn phòng, mọi người nên tranh thủ thời gian nghỉ giải lao để tập luyện, vừa rèn luyện sức khỏe, vừa nâng cao hiệu suất làm việc.
Trước khi thực hiện, bạn cần khởi động toàn thân để làm ấm cơ thể, hỗ trợ lưu thông máu đến các cơ, đồng thời nới lỏng các khớp, tránh xảy ra chấn thương trong quá trình tập luyện. Khởi động nhẹ nhàng: Đứng thẳng, 2 chân rộng bằng vai, 2 tay chống hông và xoay hông theo chiều kim đồng hồ, thực hiện quay ngược lại, mỗi bên xoay 10 vòng.
Sau khoảng 2h làm việc, hãy đứng dậy vươn vai và thực hiện các bài tập thể dục đơn giản như chạy tại chỗ, xoay các khớp tay chân, gập người,... Và sau mỗi 45p làm việc, hãy dành ra 15s cho việc thư giản tay chân bằng cách đưa chân tay lên xuống đều đặn như đang bơi. Vừa giúp giải tỏa áp lực cho cơ thể mà cũng làm thư giản đầu óc, thư giản mặt sau thời gian dài nhìn vào màn hình máy tính.
Nhún vai: Cổ và vai chịu nhiều áp lực và căng thẳng từ các hoạt động gõ máy, click chuột và nghiến răng. Bài tập nhún vai sẽ giúp giải tỏa sự căng cơ, cải thiện tuần hoàn máu.
Thực hiện động tác này như sau: Ngồi hoặc đứng, nâng vai về phía lỗ tai, ép vai càng nhiều càng tốt. Giữ từ 1-2 giây và cuộn chúng trở về. Lặp lại 8 -10 lần, sau đó cuộn vai về phía trước.
Căng lưng trên: Đứng thẳng với chân rộng bằng vai. Căng cánh tay về phía trước và đan 2 bàn tay vào nhau với ngón cái hướng xuống. Xoay vai về phía trước. Giữ động tác kéo giãn này trong 10 đến 20 giây.
Vươn người lắc sang hai bên: Mục tiêu của bài tập để dãn các khớp xương sống bị nén lại do ngồi nhiều.Cách tập: Giơ hai tay lên cao, kiễng chân kéo dãn tối đa người lên cao. Sau đó nghiêng người sang hai bên. Tập 3-4 lần, mỗi lần từ 10 - 15 lần cho từng bên cơ thể.
Chống đẩy với bàn: Động tác này giúp săn chắc cơ ngực, vai. Cách tập: Chống tay lên bàn và giữ thẳng lưng. Hạ người xuống sát bàn rồi đẩy quay trở lại, nên tập 3 - 4 hiệp, mỗi hiệp 10-15 lần tùy khả năng.
Đan tay sau lưng: Tay phải đưa lên cao, tay trái cuộn về phía sau. Đan 2 bàn tay vào nhau và thực hiện kéo giãn. Thực hiện cho bên còn lại.
Lưu ý: những bài tập trên tuy đơn giản nhưng cần thực hiện đúng động tác. Cường độ luyện tập vừa phải phù hợp với mỗi người. Ngoài ra, bạn có thể vận động bằng cách thường xuyên đứng dậy và đi lại trong văn phòng. Chỉ cần đi lại được 5 phút là có thể hạn chế những bệnh lý dễ gây ra do quá trình ngồi nhiều. Đi bộ cũng là giải pháp hay. Không cần đi đâu xa, chỉ cần bạn leo lên xuống các tầng lầu của công ty mình một hai vòng là đủ để vận động toàn bộ các cơ bắp trong cơ thể. Vừa giảm stress vừa tốt hơn cho tim mạnh, đồng thời tăng khả năng lưu thông máu cho chân.