Vào ngày 17/1 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội), sẽ diễn ra chương trình “Cùng bé sáng tạo - Khám phá tranh Tết” nhằm khơi dậy kiến thức, sự hiểu biết của con trẻ về tranh dân gian ngày Tết.
Nét đẹp tranh Tết
Trải qua những thăng trầm thời gian, tranh Tết nay vẫn hiện diện trên các con phố ở các thành phố lớn, tại các chợ quê mỗi dịp Tết cổ truyền tới. Những “thương hiệu” tranh dân gian dịp Tết được nhiều người nhắc tới, đó là tranh Ðông Hồ (Bắc Ninh), tranh Hàng Trống (Hà Nội), tranh làng Sình (Huế)... Khoảng trước Tết Nguyên đán một tháng, dòng tranh Tết luôn là sự lựa chọn hàng đầu của người dân cho việc trang trí nhà cửa.
Tranh dân gian mẹ con đàn lợn biểu hiện cho cuộc sống no ấm thường được người dân treo trang trí khi Tết đến xuân về.
Tranh dân gian ngày Tết hoặc ngày thường, dù ở bất kỳ đâu, dù được thể hiện dưới hình thức nào thì đều có điểm chung là đề cao đạo lý làm người, giáo dục những phẩm chất tốt và cầu mong những điều tốt đẹp trong năm mới. Điều đó cũng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của người dân nước ta mỗi khi Tết đến xuân về.
Bên cạnh những bức tranh Tết có yếu tố dân gian, cũng không ít người dân vẫn mua tranh có đề tài lịch sử như bà Trưng Trắc cưỡi voi xung trận, Ngô Quyền đánh Nam Hán, Đinh Bộ Lĩnh cờ lau tập trận... như muốn cảm nhận rõ hơn sự hùng tráng và niềm tự hào dân tộc. Hoặc cũng có thể, nhiều người chọn mua các loại tranh Tết phổ biến như tranh Phú quý (đứa bé tóc trái đào giữ con vật), Vinh hoa (cậu bé ôm con gà trống), Thất đồng (7 cậu bé hồn nhiên hái quả), Tứ tôn vạn đại (4 cậu bé nô đùa với những dây bầu trĩu quả)... Những bức tranh này được người dân mua về treo trong dịp Tết, tựa như lời cầu chúc cho một năm an lành cho gia đình, dòng tộc...
Khơi dậy vốn hiểu biết, đam mê trong con trẻ
Trước sự du nhập của nhiều loại hình văn hóa giải trí của đời sống đương đại, nhiều giá trị văn hóa truyền thống ít nhiều bị lấn át, trong đó có dòng tranh Tết. Xuất phát từ những trăn trở đó, TS. Trang Thanh Hiền cùng các giảng viên, sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam thực hiện chương trình “Cùng bé sáng tạo - Khám phá tranh Tết” vào 17/1. Theo TS. Trang Thanh Hiền, chương trình này không chỉ giúp các em nhỏ tìm hiểu tranh dân gian thông qua sách vở và hình ảnh, các hoạt động tìm hiểu và trực tiếp in, vẽ tranh dân gian; đố vui về tranh dân gian...mà còn giúp con trẻ được trực tiếp tham gia vào những hoạt động sáng tác tranh Tết trực tiếp. Chương trình có sự tham gia của các họa sĩ đồ họa và họ sẽ trợ giúp các em nhỏ làm nên những sản phẩm có màu sắc đương đại nhưng lại mang nhiều nét truyền thống như thiệp chúc Tết, bao lì xì hoặc những bức tranh được tạo hình từ cảm hứng dân gian... Và đặc biệt, TS.Trang Thanh Hiền sẽ có buổi trò chuyện với chủ đề “Tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa tranh Tết” nhằm giải đáp những câu hỏi của các em nhỏ về tranh Tết là gì?, Tranh Tết có tự bao giờ? Ý nghĩa, giá trị nghệ thuật, thông điệp của người xưa gửi gắm trong tranh dân gian Tết có ẩn ý như thế nào...