Để trẻ luôn dễ chịu, xây dựng thực đơn phong phú
Nên cho trẻ sinh hoạt vui chơi ở nơi thoáng mát, mặc quần áo rộng rãi, thấm hút mồ hôi tốt. Nếu trẻ có cảm giác nóng bức, mồ hôi nhễ nhại thì khi vào bữa ăn sẽ không có cảm giác ngon miệng. Vì vậy, cần tắm rửa mát mẻ để trẻ thấy thoải mái và sảng khoái trước khi đến bữa ăn.
Cần tạo cho trẻ có một giấc ngủ tốt bằng cách để nhiệt độ thích hợp trong phòng ngủ khoảng 26-27 độ. Nên sử dụng một số thực phẩm giúp cho giấc ngủ ngon như sữa, chuối, trứng, mật ong, lạc... là những thực phẩm có tác dụng tham gia tạo melatonin, serotonin - là những chất giúp não được thư giãn và điều chỉnh giấc ngủ sâu hơn. Khi trẻ ngủ ngon và đẫy giấc, trẻ ăn sẽ ngon miệng và tiêu hóa tốt hơn.
Cần cho trẻ ăn đủ dưỡng chất để tăng cường sức khỏe cho trẻ ngày nắng nóng.
Thực đơn cho bé trong ngày hè vẫn phải đảm bảo có một chế độ dinh dưỡng tốt là ăn đủ 4 nhóm thực phẩm (nhóm cung cấp chất đạm là thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa... Nhóm cung cấp chất đường bột là gạo, mỳ, khoai... Nhóm cung cấp chất béo như dầu ăn, mỡ, vừng, lạc và nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng có nhiều ở rau quả.
Theo lời khuyên của chuyên gia dinh dưỡng thì vào mùa hè nhu cầu cung cấp năng lượng cho trẻ không cần quá nhiều. Ngược lại, vào mùa đông, trẻ cần nhiều năng lượng để làm ấm cơ thể. Vì thế trong thực đơn ngày hè, mẹ nên chọn nấu những món dễ ăn, dễ tiêu hóa và giải nhiệt như: canh chua, canh rau dền, rau mùng tơi, mướp, canh riêu cua... Đồng thời cũng cần tránh những gia vị có tính nóng như hạt tiêu, gừng... và những món ăn nhiều dầu mỡ. Các món ăn này vừa khó tiêu hóa và có thể khiến trẻ bị nóng trong gây rôm sẩy, mụn nhọt, nhiệt miệng... Hạn chế cho trẻ dùng các thức ăn đường phố vì điều kiện vệ sinh không đảm bảo dễ gây tiêu chảy. Thực phẩm cho bé phải luôn tươi ngon, chế biến ngay, không trữ lâu trong tủ lạnh.
Ngoài ra, cần bổ sung vào thực đơn hàng ngày bằng những bữa ăn phụ bổ mát như: chè hạt sen, sữa chua, sinh tố hoa quả... cũng có tác dụng giúp chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý. Điều đó cũng khiến trẻ có hứng với những món ăn quen thuộc trong bữa cơm hàng ngày mà không cảm thấy ngán.
Bổ sung đủ lượng nước cho cơ thể
Với bản tính hiếu động, trẻ luôn chạy nhảy, chơi đùa luôn chân luôn tay nên mồ hôi đổ ra nhiều khiến cơ thể trẻ bị mất nhiều nước và chất điện giải qua mồ hôi. Sự mất nước và muối sẽ khiến cơ thể bé yếu đi, người mệt hơn, cơ thể sẽ bị suy kiệt, gây ra một số bệnh ảnh hưởng sức khỏe của bé. Vì vậy, cần đảm bảo cung cấp đủ lượng nước hàng ngày cho trẻ. Lượng nước bổ sung có thể bằng nước lọc và các loại thực phẩm như: sữa, nước hoa quả, nước canh... Bổ sung nước nên thường xuyên, liên tục, không được để trẻ thấy khát thì mới cho uống nước vì khi khát tức là cơ thể đã quá thiếu nước.
Trong ngày nóng, nhu cầu uống nước của trẻ rất nhiều, nhưng không nên cho trẻ uống nước ngọt công nghiệp có nhiều đường và có gas khiến bụng trẻ đầy hơi, đường huyết tăng nhanh làm trẻ không muốn ăn khi vào bữa chính. Không nên cho trẻ sử dụng nước đá và ăn nhiều kem, vì các thứ này dễ gây viêm đường hô hấp. Nên cho trẻ uống các loại nước giải khát tự chế biến tại nhà như nước mơ, nước dâu, sấu ngâm, nước cam, chanh, rau má, bột sắn...
Chọn thực phẩm tăng cường sức khỏe cho bé
Thực phẩm tăng sức đề kháng
Mùa hè trẻ dễ mắc một số bệnh như tiêu chảy hay sốt virut, cảm mạo... Bởi vậy nên bổ sung thực phẩm làm tăng sức đề kháng ở trẻ. Trẻ cần được ăn đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng và vitamin. Đặc biệt là kẽm sẽ giúp trẻ tăng cường hệ miễn dịch, ngon miệng. Cùng với đó là lysine có trong thực phẩm giàu đạm như thịt, cá, trứng, sữa giúp trẻ phát triển cơ xương, tăng khả năng hấp thu canxi. Tăng cường sử dụng thực phẩm giàu vi chất dinh dưỡng góp phần làm tăng sức đề kháng như: vitamin C, (cam, chanh, bưởi vitamin A (sữa, gan, trứng, cà rốt, đu đủ, xoài...), sắt (thịt bò, gan, tim, bầu dục, trứng, đậu đỗ...), kẽm (hàu, tôm, cua...). Đặc biệt, vitamin C cũng có nhiều trong những thực phẩm mùa hè như: rau đay, rau muống, quả bưởi, quả nhãn, chanh, dứa... đóng góp vai trò rất lớn đối với quá trình bảo vệ cơ thể, đối với hoạt động của hệ thống miễn dịch của trẻ. Không những thế, vitamin C còn giúp làm lành vết thương và bảo vệ cơ thể trẻ khỏi chứng cảm lạnh, cảm cúm thông thường. Ngoài ra, để bé không bị khô da và thiếu nước, tránh được táo bón, mẹ cũng cần bổ sung các loại quả, củ: đu đủ, cà rốt, khoai lang, bí đỏ...
Thực phẩm giúp bé hạn chế mồ hôi trộm
Ở bé hệ thần kinh thực vật chưa ổn định, đang trong giai đoạn phát triển và hoàn thiện, vì vậy bé rất hay bị ra mồ hôi (thường gọi là mồ hôi trộm), nhất là khi ngủ. Vì vậy, bé rất dễ bị viêm đường hô hấp. Nghiêm trọng hơn, bé ra mồ hôi trộm sẽ dẫn tới hiện tượng mất nước và muối. Để trị mồ hôi trộm cho bé, các mẹ có thể nấu cho con các món ăn như: cháo trai, cháo sò - hến, canh cá quả, canh rau ngót, chè đậu xanh, đậu đen... Các món canh/cháo từ con trai, sò, hến... cũng là những món ăn thanh mát, bổ dưỡng và tốt cho bé.