Hà Nội

Giúp bạn dùng đúng thuốc chống loét dạ dày do thừa acid

27-03-2019 12:44 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một trong những nguyên nhân gây đau dạ dày là do thừa acid dịch vị. Khi dạ dày có quá nhiều acid sẽ gây ra hiện tượng đau, viêm loét. Vậy dùng thuốc nào trong trường hợp này và dùng sao cho hiệu quả?

Thuốc kháng acid

Các thuốc kháng acid là những thuốc có tác dụng trung hoà acid trong dịch vị của dạ dày, tạo điều kiện thuận lợi cho tái tạo niêm mạc. Tuy nhiên, tác dụng của các thuốc này nhanh nhưng ngắn và chỉ là thuốc điều trị triệu chứng, cắt cơn đau.

Thuốc kháng acid thường dùng nhất là các chế phẩm chứa nhôm và magnesi, có tác dụng kháng acid tại chỗ, hầu như không hấp thu vào máu nên ít gây tác dụng toàn thân. Thuốc kháng acid chứa magnesi có tác dụng nhuận tràng, ngược lại, thuốc chứa nhôm có thể gây táo bón. Vì vậy, các chế phẩm kháng acid chứa cả 2 muối magnesi và nhôm có thể làm giảm tác dụng không mong muốn trên ruột của 2 thuốc này. Một số chế phẩm phối hợp thuốc kháng acid với simeticon (chất chống sủi bọt) để làm giảm sự đầy hơi hoặc làm nhẹ triệu chứng nấc khi sử dụng.

Để dùng thuốc có hiệu quả, tốt nhất là uống sau bữa ăn 1 - 3 giờ và trước khi đi ngủ, dùng 3 - 4 lần (hoặc nhiều hơn) trong 1 ngày. Không nên uống thuốc ngay trước hay ngay sau bữa ăn.

Do làm tăng pH dạ dày, các thuốc kháng acid làm ảnh hưởng đến sự hấp thu của nhiều thuốc điều trị bệnh khác nên phải dùng các thuốc trị bệnh này cách xa thuốc kháng acid ít nhất 2 giờ.

Về dạng thuốc, thuốc kháng acid có dạng hỗn hợp, gel, bột, thuốc cốm. Nếu là viên nén, nên nhai trước khi chiêu nước. Các chế phẩm dạng lỏng có hiệu quả hơn dạng rắn nhưng thời gian tác dụng ngắn hơn.

Khi được bác sĩ kê đơn dùng loại nào, người bệnh cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để dùng sao cho đúng cách, sẽ mang lại hiệu quả điều trị tối ưu nhất.

Dùng các thuốc chống loét dạ dày đúng cách mang lại hiệu quả tối ưu.

Dùng các thuốc chống loét dạ dày đúng cách mang lại hiệu quả tối ưu.

Thuốc ức chế tiết acid

Thuốc kháng histamin H2: Đây là nhóm thuốc có tác dụng làm giảm tiết acid trong dạ dày, giúp giảm triệu chứng và cải thiện sớm các bệnh lý ở dạ dày như đau dạ dày, viêm loét dạ dày - tá tràng...

Các thuốc này có tác dụng ngăn cản bài tiết dịch vị do bất kỳ nguyên nhân nào làm tăng tiết histamin tại dạ dày (cường phó giao cảm, thức ăn...); làm giảm tiết cả số lượng và nồng độ acid trong dịch vị. Tác dụng của thuốc phụ thuộc vào liều lượng. Các thuốc trong nhóm này gồm cimetidin, ranitidine, famotidin, nizatidin...; được dùng trong các trường hợp loét dạ dày - tá tràng lành tính; loét đường tiêu hóa do dùng thuốc chống viêm không steroid hoặc corticoid; bệnh trào ngược dạ dày - thực quản; hội chứng tăng tiết acid dịch vị (hội chứng Zollinger - Ellison); làm giảm tiết acid dịch vị trong một số trường hợp loét đường tiêu hóa khác có liên quan đến tăng tiết dịch vị như loét miệng nối dạ dày - ruột; làm giảm các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (nóng rát, khó tiêu, ợ chua) do thừa acid dịch vị... Cần lưu ý, trước khi dùng thuốc kháng histamin H2, phải loại trừ khả năng ung thư dạ dày, đặc biệt ở người từ trung niên trở lên vì thuốc có thể che lấp các triệu chứng, làm chậm chẩn đoán ung thư. Người bệnh cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ về liều dùng và thời điểm uống thuốc.

Các loại thuốc kháng histamin H2 có thể gây ra một số tác dụng phụ như đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ, tiêu chảy, vú to ở đàn ông, bất lực ở nam giới... Vì vậy, nếu gặp phải các bất thường trên, cần thông báo cho bác sĩ biết để được xử lý kịp thời, thích hợp.

Thuốc ức chế bơm proton: Thuốc có tác dụng ức chế bài tiết acid dịch vị do ức chế hệ thống enzym H /K -ATPase (“bơm proton”) của tế bào thành dạ dày, làm giảm bài tiết acid do bất kỳ nguyên nhân nào. Thuốc được dùng điều trị loét dạ dày - tá tràng lành tính; phòng và điều trị các trường hợp loét do dùng thuốc chống viêm không steroid; bệnh trào ngược dạ dày - thực quản khi có triệu chứng nặng hoặc biến chứng... Một số thuốc trong nhóm như omeprazol, esomeprazol, pantoprazol, lansoprazol. Nên dùng thuốc ở liều thấp nhất có hiệu quả và trong thời gian ngắn nhất có thể.

Tuy nhiên, khi dùng thuốc, người bệnh có thể bị khô miệng, rối loạn tiêu hóa, tăng enzym gan, đau đầu, chóng mặt, rối loạn thị giác, thay đổi về máu, viêm thận, liệt dương, phản ứng dị ứng. Do làm giảm độ acid trong dạ dày nên làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn đường tiêu hóa.

Thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày

Các thuốc bảo vệ niêm mạc dạ dày có tác dụng làm tăng cường hàng rào bảo vệ của dạ dày, ngăn ngừa tác động của acid và pepsin lên niêm mạc dạ dày; kích thích sự phát triển của các tế bào lớp biểu mô bề mặt của dạ dày, kích thích bài tiết chất nhầy cũng như bicarbonate và làm tăng tưới máu cho lớp niêm mạc dạ dày.  Một số thuốc trong nhóm này như:

Sucralfate: Sucralfat là một chất bảo vệ dạ dày. Thuốc hoạt động bằng cách hình thành một lớp bảo vệ trên vết loét để tạo một rào cản chống acid, muối mật và các enzym trong dạ dày. Tuy nhiên,  thuốc có thể gây táo bón, phát ban, ngứa... Sucralfat làm giảm hấp thu của các thuốc khác, vì vậy, phải uống những thuốc này 2 giờ trước hoặc sau khi uống sucralfat.

Các muối bismuth: Có tác dụng bảo vệ tế bào niêm mạc dạ dày do làm tăng tiết dịch nhày và bicarbonat, ức chế hoạt tính của pepsin. Thuốc có tác dụng bao phủ chọn lọc lên đáy ổ loét, tạo chelat với protein, làm thành hàng rào bảo vệ ổ loét chống lại sự tấn công của acid dạ dày.

Tác dụng không mong muốn của thuốc gây buồn nôn, nôn, đen miệng, đen lưỡi, đen phân (thận trọng ở người có tiền sử chảy máu đường tiêu hóa, vì dễ nhầm với đại tiện phân đen).

Trong điều trị bệnh đau dạ dày, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần có chế độ làm việc, sinh hoạt, nghỉ ngơi hợp lý. Tránh làm việc quá sức, căng thẳng, stress, lo âu...; có chế độ dinh dưỡng đủ chất, tránh ăn no quá hoặc để đói quá mới ăn; tránh dùng các chất kích thích làm tăng tiết acid dịch vị như thuốc lá, rượu, gia vị cay...


DS. Hoàng Thu Thủy
Ý kiến của bạn