Các loại viêm mũi dị ứng
Viêm mũi dị ứng có thể được chia thành viêm mũi dị ứng theo mùa hoặc quanh năm. Nguyên nhân gây viêm mũi dị ứng theo mùa là do dị ứng với phấn hoa từ cây, cỏ, cỏ dại, hoặc bào tử nấm mốc trong không khí. Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng quanh năm (PAR) xuất hiện quanh năm và do dị ứng với mạt bụi nhà, bọ chét gia súc, gián và/hoặc bào tử nấm mốc. Bệnh nhân có thể gặp phải một hoặc nhiều triệu chứng, bao gồm các đợt hắt hơi liên tục, chảy nước mũi, chảy dịch mũi sau, nghẹt mũi, mất khứu giác, đau đầu, đau tai, chảy nhiều nước mắt, mắt ngứa đỏ, sưng mắt, mệt mỏi, lơ mơ và khó chịu.
Một số người có thể gặp cả hai loại viêm mũi. Bệnh nhân mắc viêm mũi dị ứng có thể biểu hiện các triệu chứng nặng hơn trong mùa phấn hoa đặc trưng. Viêm mũi dị ứng có thể dẫn đến các biến chứng như viêm tai giữa, viêm xoang, ho lâu dài, đau họng tái phát, ho, đau đầu, thay đổi thói quen ngủ, ngưng thở khi ngủ, trầm cảm, mệt mỏi, lo lắng, dễ bị kích thích, hiệu suất học tập kém và suy giảm chức năng nhận thức. Ngoài ra, một số trẻ có thể phát sinh tình trạng chậm nói, sự phát triển khuôn mặt bị biến đổi và các vấn đề nha khoa.
Các triệu chứng của viêm mũi dị ứng.
Điều trị bằng thuốc không kê đơn thế nào?
Viêm mũi dị ứng là loại bệnh khó điều trị khỏi hoàn toàn, vì cơ địa dị ứng của người bệnh và vì rất khó loại trừ các chất dị ứng khỏi môi trường sống. Điều trị viêm mũi dị ứng không thể có một công thức, một phác đồ chung cho mọi trường hợp, mà phải tìm cho mỗi trường hợp một phương pháp thích hợp.
Mặc dù cách điều trị tốt nhất trong kiểm soát viêm mũi dị ứng là tránh các tác nhân gây dị ứng, tuy nhiên, một số tác nhân gây dị ứng là không thể tránh khỏi. Trong trường hợp này, viêm mũi dị ứng cần phải được quản lý bằng việc dùng thuốc để làm giảm hoặc ngăn ngừa các triệu chứng. Thông thường, viêm mũi dị ứng được điều trị theo 3 bước: Áp dụng các biện pháp kiểm soát môi trường và tránh xa các dị nguyên, điều trị bằng thuốc, cuối cùng là sử dụng liệu pháp miễn dịch. Nhiều bệnh nhân có thể phải thử một vài phương pháp điều trị khác nhau trước khi tìm ra phương pháp điều trị tối ưu.
Thuốc kháng histamin được coi là liệu pháp điều trị chuẩn để làm giảm triệu chứng của viêm mũi dị ứng. Chúng được chỉ định để làm giảm các triệu chứng ngứa, hắt hơi, chảy nước mũi. Các thuốc kháng histamin thế hệ thứ nhất (kháng histamin gây buồn ngủ) liên quan đến tình trạng lơ mơ/buồn ngủ, giảm tỉnh táo và tác dụng kháng cholinergic. Thuốc kháng histamin không kê đơn thế hệ hai bao gồm loratadine và cetirizine, thường không gây ra triệu chứng buồn ngủ đáng kể nào.
Các thuốc thông mũi được chỉ định để giảm tạm thời tình trạng nghẹt mũi và vòi nhĩ và ho liên quan đến chảy dịch mũi sau. Các tác dụng phụ thường gặp khi sử dụng thuốc thông mũi đường uống bao gồm mất ngủ, căng thẳng và nhịp tim nhanh. Việc sử dụng thuốc thông mũi cũng có thể làm trầm trọng hơn các bệnh nhạy cảm với sự kích thích adrenergic (như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh động mạch vành, phì đại tuyến tiền liệt và tăng áp lực nội nhãn). Không sử dụng thuốc quá 3 ngày, vì nguy cơ mắc chứng viêm mũi do dùng thuốc (nghẹt mũi ngược).
Nhiều chế phẩm trên thị trường chứa hỗn hợp kháng histamin và chất thông mũi. Chỉ sử dụng các chế phẩm phối hợp khi được bác sĩ chuyên khoa chỉ định và không sử dụng thuốc khi không cần thiết. Bởi vì các kháng histamin và chất thông mũi tương tác với một vài thuốc và chống chỉ định trên nhiều đối tượng.
Một vài trường hợp mắc viêm mũi dị ứng gặp phải tình trạng ngứa và chảy nước mắt có thể lựa chọn sử dụng một chế phẩm kháng histamin dùng cho mắt. Các thuốc kháng histamin không kê đơn dưới dạng thuốc nhỏ mắt bao gồm pheniramine maleate và antazoline phosphate. Những chất này thường được kết hợp với chất có tác dụng thông mũi naphazoline. Tác dụng phụ phổ biến nhất liên quan đến các thuốc nhỏ mắt kháng histamin bao gồm nóng rát, nhức và khó chịu khi nhỏ mắt.
Một lựa chọn khác đối với tình trạng dị ứng là thuốc xịt mũi natri cromolyn, được chỉ định để ngăn ngừa và điều trị các triệu chứng liên quan đến viêm mũi dị ứng. Những chỉ định này của natri cromolyn được chấp thuận ở bệnh nhân từ 5 tuổi trở lên. Các tác dụng phụ phổ biến nhất bao gồm cảm giác nóng rát và nhức nhối tại vùng xịt. Hiện chưa biết rõ các tương tác thuốc bên trong mũi liên quan đến cromolyn.
Để tránh viêm mũi dị ứng, bên cạnh việc dùng thuốc, cần tránh các tác nhân gây dị ứng từ môi trường: giặt chăn ga gối đệm bằng nước nóng mỗi tuần, hút bụi cho thảm và nệm bọc ghế thường xuyên; sử dụng tấm bọc chống dị ứng với gối và nệm; giảm độ ẩm trong nhà để hạn chế nấm mốc phát triển, luôn đóng xe ôtô và cửa sổ; tránh tiếp xúc với phấn hoa, nấm mốc, đặc biệt là khi mật độ phấn hoa và nấm mốc cao.