Xử lý kịp thời
Tai biến sản khoa là những biến cố khó lường, ranh giới giữa điều bình thường và bất thường là rất gần và khó có thể tiên lượng trước. Ngay cả chính các bác sỹ sản khoa cũng khó có thể tiên lượng được trước những bất thường trong quá trình sinh nở của các bà mẹ. Nguy cơ tai biến luôn hiện hữu song chúng ta có thể quản lý, xử trí kịp thời khi có tai biến sẽ hạn chế tối đa việc tử vong mẹ.
Trường hợp sản phụ Đỗ Thị Dung sinh năm 1985 (Hùng Thắng - Bình Giang) và sản phụ Phạm Thị Hồng Dung sinh năm 1985 (Tứ Minh - Thành phố Hải Dương) được cứu sống mới đây tại bệnh viện Phụ sản Hải Dương là hai ca điển hình mắc tai biến sản khoa do băng huyết. Cả 2 trường hợp đều nhập viện trưa ngày 23/3/2017, chuyển dạ đẻ lần 3 và cùng được tiến hành mổ cấp cứu. Trong quá trình mổ cả hai sản phụ xuất hiện băng huyết nặng do đờ tử cung, trụy mạch và rối loạn đông máu. Đặc biệt đối với sản phụ Đỗ Thị Dung, ngay trên bàn mổ “mạch không, huyết áp không”, máu chảy ồ ạt, tiên lượng tử vong rất cao. Để cứu sống bệnh nhân Bác sỹ Nguyễn Xuân Huy giám đốc bệnh viện và Bác sỹ Nguyễn Đức Thơ phó giám đốc bệnh viện đã trực tiếp cùng kíp mổ thực hiện cắt tử cung để cầm máu. Bệnh viện đã huy động tới 25 đơn vị máu để truyền cho hai bệnh nhân, trong đó bệnh nhân Đỗ Thị Dung truyền tới 15 đơn vị máu. Do lượng máu dự trữ của bệnh viện không đủ, 4 cán bộ y tế của kíp trực đã tình nguyện hiến máu để cứu sống bệnh nhân.
Chăm sóc bệnh nhân sau khi bị băng huyết tại Bệnh viện Phụ sản.
Bệnh nhân Trần Thị Trung xã Thắng Thủy, huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng vào cấp cứu tại bệnh viện Đa khoa huyện Ninh Giang lúc 01 giờ 24 phút ngày 17/12/2017 với tình trạng sốc nặng, bụng đau dữ dội, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt thấp, da niêm mạc nhợt. Sau hội chẩn khẩn trương về chuyên môn, giải thích nhanh với gia đình, các y, bác sỹ của bệnh viện đã tiến hành phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân do tử cung bị vỡ. Ca mổ được thực hiện trong thời gian 4 giờ đồng hồ, bệnh nhân đã phải truyền 04 đơn vị máu. Sau khi rạch da và các lớp cân cơ vào ổ bụng, máu đã tràn đầy trong ổ bụng, bánh rau đã dời vị trí tử cung chui vào ổ bụng, kíp mổ đã nhanh chóng lấy thai, rau và cắt tử cung để cầm máu, giữ an toàn tính mạng cho sản phụ.
Đây chỉ là 3 trong số hàng trăm sản phụ khi đẻ bị mắc các tai biến sản khoa.
Theo Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh, năm 2017 toàn tỉnh Hải Dương có trên 28.000 phụ nữ đẻ tại cơ sở y tế. Tỷ lệ bà mẹ có thai được quản lý thai nghén và bà mẹ mang thai được khám định kỳ tối thiểu 3 lần trở lên đạt 100%. Trong số phụ nữ mang thai có 101 trường hợp bị tai biến khi đẻ giảm 11 ca so với năm 2016 và đặc biệt là không có trường hợp tử vong mẹ. Trong số các ca bị tai biến sản khoa: Băng huyết (43) ; nhiễm khuẩn (25) ; 32 ca tai biến do phá thai và 01 ca bị sản giật.
Bác sỹ Chuyên khoa cấp II, Nguyễn Xuân Huy, Giám đốc bệnh viện Phụ sản cho biết: Trung bình một năm tại bệnh viện có khoảng 12 nghìn phụ nữ nhập viện để sinh em bé. Chỉ tính riêng năm 2017 bệnh viện đã xử trí cấp cứu và cứu sống hàng trăm sản phụ mắc các tai biến sản khoa, trong đó khoảng 30 trường hợp có diễn biến nặng, trụy mạch và nguy cơ tử vong cao. Trong 5 tai biến sản khoa đó là: băng huyết, vỡ tử cung, tiền sản giật, nhiễm trùng và uốn ván rốn sơ sinh thì băng huyết (chiếm 5% tổng số ca sinh) và có những biến cố khó lường.
Đề phòng tai biến
Theo Bác sỹ Huy, tai biến sản khoa là những biến cố khó lường, ranh giới giữa điều bình thường và bất thường là rất gần và bác sỹ khó có thể biết trước. Tuy nhiên mỗi người phụ nữ khi quyết định sinh nở vẫn có thể dự phòng cho mình những bất trắc có thể xảy ra khi mang thai và sinh em bé, đồng thời cần xác định chọn nơi quản lý thai nghén và sinh nở.
Theo Bác sỹ Chuyên khoa cấp II, Nguyễn Phúc Thiện, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Hải Dương: Những phụ nữ có nguy cơ cao mắc tai biến khi sinh đó là mắc bệnh về tim mạch, basedow, rối loạn chuyển hóa, viêm gan, huyết áp cao trong thời kỳ thai nghén. Các bà mẹ khi có kế hoạch mang thai và sinh nở cần có một sức khỏe tốt trước khi có thai; chuẩn bị tốt điều kiện về dinh dưỡng, tinh thần, vật chất đảm bảo cho quá trình chăm sóc mang thai thật tốt. Khi phát hiện có thai phải đến cơ sở y tế để được quản lý thai nghén càng sớm càng tốt. Cần theo dõi sát và khám thai định kì nhằm phát hiện sớm tiềm ẩn các bệnh lý của phụ nữ khi mang thai. Các bà mẹ khi mang thai phải đi khám toàn diện, kịp thời phát hiện các nguy cơ về sức khỏe và tuyệt đối tránh quan điểm “cứ đi siêu âm là cho rằng đã đi khám thai” vì thực tế siêu âm chỉ đánh giá được tình trạng của thai nhi (sàng lọc phát hiện sớm các dị tật bẩm sinh, sự phát triển của thai nhi..). Cần tuyệt đối tuân thủ tư vấn, cảnh báo nguy cơ tai biến sản khoa từ các bác sỹ và có biện pháp dự phòng sẵn sàng cho bản thân. Thân nhân sản phụ cần có sự phối hợp tốt với cán bộ y tế khi có tai biến sản khoa xảy ra, sẵn sàng hỗ trợ máu để truyền cấp cứu khi sản phụ có tai biến... Đối với các cơ sở y tế, tất cả phụ nữ đến sinh, thầy thuốc phải xác định biến cố sản khoa xảy ra bất cứ lúc nào và cần có phương án xử lý tức thì khi tai biến xuất hiện. Thường xuyên kiểm tra giám sát định kì, đột xuất các cơ sở y tế về tính sẵn sàng cấp cứu sản khoa, sự kết nối giữa các bệnh viện, dịch vụ chuyển tiếp sản phụ cấp cứu từ xã lên huyện, từ huyện lên tỉnh và tuyến cao hơn nên đảm bảo được tính mạng an toàn cho mỗi bà mẹ khi sinh nở.