Mày đay là bệnh khá phổ biến trong cộng đồng, khoảng 15 - 23% dân số bị mày đay ít nhất 1 lần trong đời. Tỷ lệ mày đay mạn (kéo dài trên 6 tuần) chiếm khoảng 25 – 30% tổng số mày đay. Tổn thương gồm các sẩn phù (sẩn mày đay), kích thước từ vài mm đến hàng chục cm. Thường kèm ngứa râm ran, dấm dứt, có khi ngứa dữ dội. Mày đay thường không nguy hiểm chết người nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống, lao động, sinh hoạt, đặc biệt khi kéo dài như trong mày đay mạn. Theo thống kê, khoảng 70% mày đay mạn tồn tại trên 1 năm.
Đi tìm nguyên nhân gây mày đay
Rất dễ phát hiện bệnh, tuy nhiên, chẩn đoán nguyên nhân rất khó khăn, khoảng 70 – 90% trường hợp mày đay mạn tính không rõ nguyên nhân. Chính vì không rõ nguyên nhân nên chủ yếu điều trị triệu chứng bằng các thuốc kháng histamin, corticoit... và trong nhiều trường hợp, kết quả rất hạn chế. Bệnh nhân thường điều trị nhiều lần, đi khám tại nhiều nơi khác nhau nhưng khi hết thuốc, bệnh lại tái phát.
Một trong những nguyên nhân gây mày đay được nói tới là nhiễm khuẩn, trong đó có các loại ký sinh trùng và nhiều tác giả đã chứng minh sự liên quan giữa Toxocara và bệnh mày đay mạn. Toxocara là loại giun tròn ký sinh ở động vật, người thường nhiễm Toxocara canis (giun đũa chó) và Toxocara cati (giun đũa mèo). Các loại giun này ký sinh ở đường tiêu hóa của chó, mèo, đẻ trứng, trứng theo phân ra ngoại cảnh và gây nhiễm cho chó, mèo khác. Người là vật chủ ngẫu nhiên, tình cờ nhiễm trứng giun ở ngoại cảnh hay ăn thịt động vật có nang ấu trùng còn sống. Do người không phải là vật chủ thích hợp nên các ấu trùng không phát triển thành giun trưởng thành, chúng cư trú ở tổ chức chúng gây ra bệnh gọi là toxocarosis. Tổn thương trong bệnh toxocarosis do sự có mặt của ấu trùng và phản ứng của cơ thể vật chủ với ấu trùng, những sản phẩm chuyển hóa của chúng.Các thể bệnh được mô tả từ lâu là hội chứng ấu trùng di chuyển nội tạng (visceral larva migrans – VLM với những tổn thương ở gan, phổi, thần kinh...) và ấu trùng di chuyển ở mắt (ocular larva migrans – OLM có thể gây mất thị lực). Biểu hiện ở da cũng hay gặp, phổ biến nhất là ngứa, mày đay mạn tính. Trong nhiều trường hợp, người mắc bệnh chỉ thấy ngứa hoặc mày đay mạn tính. Chẩn đoán bệnh khó khăn do biểu hiện lâm sàng không đặc hiệu, chỉ khi xét nghiệm máu mới phát hiện được tình trạng nhiễm Toxocara.
Tin vui cho những người mắc bệnh mày đay, ngứa mạn tính
Thời gian vừa qua, nhóm nghiên cứu gồm các nhà Ký sinh trùng, Da liễu tại Học viện Quân y đã tiến hành đề tài nghiên cứu trên những bệnh nhân mày đay, ngứa mạn tính. Sau khi loại trừ các nguyên nhân gây mày đay, ngứa mạn tính khác, bệnh nhân được xét nghiệm máu. Nếu xét nghiệm dương tính với Toxocara, bệnh nhân được tư vấn điều trị với kết quả rất khả quan, phần lớn trường hợp sau điều trị hết mày đay, ngứa mạn tính và không tái phát. Phác đồ điều trị đơn giản, dễ dung nạp, thời gian điều trị ngắn, ít tác dụng phụ. Đề tài nghiên cứu đã được nghiệm thu và kết quả của đề tài được ứng dụng trong thực hành chẩn đoán, điều trị. Đây là một thông tin tốt cho những người bệnh mày đay, ngứa mạn tính, những người đã khổ sở vì căn bệnh này trong thời gian dài.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng nhiễm Toxocara, cần tăng cường vệ sinh cá nhân, ăn chín, uống sôi, không ăn thịt động vật sống hoặc chưa nấu chín. Khi nuôi chó, mèo, cần định kỳ tẩy giun, chú ý vệ sinh khi tiếp xúc, chăm sóc chó, mèo, hạn chế tiếp xúc với đất.
TS. Lê Trần Anh (Bộ môn Ký sinh trùng, Học viện Quân y)