Hà Nội

Giun đất trị bệnh gì?

Theo YHCT, địa long (tên thuốc của giun đất) có vị mặn, tính hàn. Quy vào 4 kinh: vị, can, tỳ, thận, có công năng thanh nhiệt hạ sốt, trấn kinh, thông kinh, hoạt lạc, bình suyễn, hạ huyết áp, lợi niệu, tiêu phù...

Giun đất còn gọi là Khâu dẫn, có tên thuốc là Địa long (Pheretima), là toàn thân con giun khoang thuộc loài Quảng Địa long [Pheretima aspergillum (E. Perrier)] và Hổ Địa long [Pheretima vulgaris  Chen., Pheretima guillelmi (Michaelsen), hay Pheretima pectinifera], họ Cự dẫn (Megascolecidae).

Cách chế biến giun làm thuốc

Trước hết đem giun cho vào một cái rá tre, sau đó cho vào một ít tro bếp, giun sẽ bị ngạt và giãy giụa một lúc thì sạch nhớt. Bỏ giun vào một cái chậu sạch rồi rưới đều nước ấm vào để rửa cho hết tro và nhớt. Sau đó dùng một thanh  nứa nhỏ, sắc, rạch một đường dọc thân giun, rửa sạch đất cát bên trong bụng. Sau cách làm như vậy,  có thể dùng giun đất dưới dạng tươi hoặc khô. Nếu dùng dưới dạng khô thì sau khi để ráo nước sẽ đem phơi nắng to hoặc sấy cho khô. Cần chú ý khi phơi hoặc sấy phải đủ độ nắng, nóng cần thiết, nếu không giun sẽ nhanh chóng bị ôi thiu. Tốt nhất là đem sấy ở nhiệt độ cao, ngay từ ban đầu đã đạt 50 - 70oC, sau đó nâng dần nhiệt độ sấy lên để giun khô đều. Sau khi giun đã được sấy khô, để nguội, cắt thành đoạn 2 - 3 cm, thường chích với rượu trắng hoặc dịch gừng tươi cho thơm, ta được vị thuốc mang tên Địa long,  bảo quản trong các lọ khô sạch ở nơi cao ráo, thoáng gió, thường xuyên kiểm tra, để tránh sâu mọt phá hoại.

Sau khi chế biến, vị thuốc Địa long có thể sử dụng dưới dạng bột 2 - 4g, hoặc dưới dạng thuốc sắc 6-12g/ngày. Có thể dùng riêng hoặc phối hợp với các vị thuốc khác để tăng thêm tác dụng.

Theo YHCT, địa long có vị mặn. Tính hàn. Quy vào 4 kinh: vị,  can, tỳ, thận, có công năng thanh nhiệt hạ sốt, trấn kinh,  thông kinh, hoạt lạc, bình suyễn, hạ huyết áp, lợi niệu, tiêu phù...

con giun đất
Địa long có công năng thanh nhiệt hạ sốt

- Dùng giun đất trị sốt cao, sốt rét: Trước đây, khi chưa có thuốc trị sốt rét,  ở nước ta,  nhiều người bị bệnh sốt rét cũng thường sử dụng giun đất dưới dạng nuốt sống. Và cũng cho kết quả hạ sốt tốt. Sau này các tác giả Nhật Bản đã nghiên cứu trên thực nghiệm, và đã chứng minh, chất hạ sốt đó là Lumbrifebrin.

- Giun đất trị hen suyễn, viêm phế quản cấp, mạn tính, khó thở: Dùng 8 - 12g sắc riêng hoặc phối hợp với một số vị thuốc khác, như cát cánh, bách bộ, bạc hà, mạch môn.

- Trị cao huyết áp: Địa long, thiên ma, mỗi vị 6g; hy thiêm, cúc hoa, mỗi vị 12g; bạch đồng nữ, câu đằng, bạch tật lê, mỗi vị 16g; sinh mẫu lệ, trân châu mẫu, mỗi vị 40g. Dùng dưới dạng thuốc sắc, ngày một thang, một liệu trình 3-4 tuần lễ. Cần chú ý, khi sắc thuốc, vị câu đằng bỏ vào sau cùng, khi nồi thuốc đã sôi được 30 phút.

- Trị trúng phong, tai biến mạch máu não, bán thân bất toại, miệng, mắt méo xệch, nói ngọng: Chứng trúng phong là chứng thường gặp ở những người có cơ địa tăng huyết áp, ở những người cao tuổi... để lại di chứng rất phức tạp, rất phiền hà trong cuộc sống. Đông y đã sử dụng một cổ phương, với tên: Bổ dương hoàn ngũ thang để trị có hiệu quả. Bài thuốc gồm địa long, xuyên khung, đào nhân, hồng hoa, mỗi vị 4g; xích thược 6g, đương quy 8g, hoàng kỳ 15g. Ngày một thang, sắc uống chia 3 lần. Khi mới bị, có thể thêm 4g phòng phong, và chỉ trong 3 ngày đầu.

- Trị chứng cửu khiếu xuất huyết, ngũ tạng, lục phủ xuất huyết, hôn mê bất tỉnh, xuất huyết não, miệng, mắt nhắm nghiền,  kéo dài nhiều ngày, phù thận, phù tim, phù toàn thân... Dùng bài: Thần dược cứu mệnh gồm địa long (khô) 50g (trẻ em, tùy tuổi, giảm lượng), đậu đen, đậu xanh, mỗi thứ 100g, rau ngót 200g. Hai loại đậu trên, sao giòn thơm, rau ngót sao vàng. Tất cả cho vào nồi sắc đặc. Cho người bệnh uống nhiều lần trong ngày; nếu không uống được có thể uống qua sonde.

Ngoài ra, giun đất còn có thể dùng bôi ngoài để trị mụn nhọt, bệnh quai bị... Cách làm: đem giun đất sống, rửa sạch đất cát, thêm đường kính, ngâm vài giờ,  sau dùng dịch này bôi vào chỗ mụn bị sưng nóng, đỏ đau.

Cũng cần chú ý thêm rằng, do địa long có tính hàn nên những người không phải thực nhiệt thì không dùng được.


GS. Phạm Xuân Sinh
Ý kiến của bạn