Bệnh nhân là N.N.B. (68 tuổi, trú tại TP Sầm Sơn, Thanh Hóa) nhập viện trong tình trạng khó chịu ở mắt trái với các triệu chứng như: cộm, vướng, nóng rát, ngứa ngáy kéo dài, chảy nước mắt liên tục kèm cảm giác nhìn mờ và đau nhức mắt trái.
Sau khi thăm khám lâm sàng và soi mắt dưới kính hiển vi, các bác sĩ phát hiện một ký sinh trùng trong suốt, hình dạng giống giun chỉ, có kích thước dài khoảng 14 cm, đường kính 0,5 mm đang chuyển động tại vùng thái dương dưới kết mạc nhãn cầu.
Nhận định đây là một ký sinh trùng giun trưởng thành, các bác sĩ phẫu thuật khẩn cấp và gắp được nguyên con giun dài 14cm ra khỏi kết mạc mắt của bệnh nhân. Sau ca mổ, tình trạng mắt của bệnh nhân cải thiện rõ rệt, không còn triệu chứng cộm, ngứa và đau nhức.
Theo nhận định của BS CKI. Phạm Doãn Thiêm, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa, loài giun này có thể là giun chỉ kết mạc hoặc giun rồng (để xác định chính xác loài giun thì phải làm thêm xét nghiệm chuyên sâu như PCR).
Sau khi nhiễm ấu trùng giun vào cơ thể người, ấu trùng giun di chuyển đến các cơ quan và phát triển ở đó, chúng có thể gây tổn thương các cơ quan. Ở bệnh nhân N.N.B., giun phát triển ở dưới kết mạc mắt, rất may là bệnh nhân đã được điều trị kịp thời nếu không sẽ bị tổn thương mắt nghiêm trọng và có thể tổn thương các cơ quan khác.
Qua trường hợp trên, bác sĩ Thiêm khuyến cáo các biện pháp để phòng tránh nhiễm giun ký sinh ở mắt và nhiễm ký sinh trùng nói chung, vệ sinh cá nhân rửa tay sạch sẽ trước khi ăn và sau khi tiếp xúc với chó, mèo hoặc khi nghịch bẩn. Tránh ăn các loại thực phẩm sống như tiết canh, gỏi cá, các loại thịt nấu chưa chín, rau sống. Đảm bảo nguồn nước uống sạch và an toàn. Định kỳ tẩy giun cho vật nuôi để tránh ký sinh trùng lây nhiễm sang người.
Nếu có các triệu chứng bất thường như đau nhức mắt, cộm, chảy nước mắt không rõ nguyên nhân, nhìn mờ, người bệnh cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để được thăm khám và điều trị sớm.