Phút giây được ngồi dậy, mấp máy môi cất tiếng nói sau bao ngày mê man, với những bệnh nhân ở Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 BV Bạch Mai tại TP.HCM (đặt ở Quận 7), là niềm hạnh phúc không gì đo đếm được. Ngày thở khí trời, được trực tiếp đặt đôi chân mình trên mặt đất…là giấc mơ có thật, đang dần hiện hữu.
Tiếng chuông từ phòng cấp cứu vang lên, điều dưỡng theo dõi Khu hồi sức 2 phát thông báo có ca bệnh chuyển nặng. Các thông số như lời thúc giục: Ông T thừa cân, bệnh nền nhiều, khó thở, huyết áp lẫn oxy tụt, tất cả chỉ số sinh tồn đang xấu đi… BS Lân sau những ngày dài căng mình làm việc vẫn lao nhanh đến. Giữa hàng loạt máy móc hiện đại, 6 y bác sĩ mỗi người một việc níu giữ sự sống. Nhiều giờ trôi qua trong âu lo, khát vọng, thấp thỏm, mỗi khoảnh khắc gay cấn nhất các chiến sĩ áo trắng lại nhẩm thầm: Dốc hết tâm sức vì người bệnh.
Bên ngoài, trời dần kéo ánh sáng vào đêm, những con số trên máy thở chuyển động báo hiệu sự hồi phục tích cực. Cũng vừa lúc những đôi tay người mặc áo blouse cũng rã rời. Ê kíp giải lao trong chớp nhoáng rồi lại bắt đầu hối hả đến với các ca bệnh chuyển nặng khác, các điều dưỡng tiếp tục theo dõi, chăm sóc. Từ đờm lỏng, nước tiểu… của bệnh nhân được ân cần lau dọn tươm tất.
Vừa bấm máy theo dõi dấu hiệu sinh tồn người bệnh, điều dưỡng Huệ vừa nhiều lần nhíu mắt lại cho mồ hôi tản ra. Huệ tâm tình: Từng loại thuốc, giờ tiêm thuốc, trạng thái bệnh nhân cần tiêm được mỗi điều dưỡng thuộc lòng. Vào đây hầu hết mọi người đều rất nặng. Nhân viên trực ở các buồng bệnh phải tập trung cao độ, có dấu hiệu chuyển biến xấu là tức tốc báo ngay đến lãnh đạo và các bác sĩ đầu ngành. Phải tranh thủ đến từng giây…
Như mọi đêm khác, sau giấc ngủ ngắn, đầy trăn trở, tảng sáng 27/8, PGS.TS.BSCC Nguyễn Văn Chi vội vã đến tận các giường người bệnh đang lâm vào cảnh ngặt nghèo để cùng các học trò, đồng nghiệp của mình hội ý, triển khai "thần tốc" các biện pháp đưa ca bệnh khỏi lưỡi hái tử thần. Từ giường này đến giường khác, phòng này sang phòng nọ, bước chân như quên mỏi. PGS Chi bảo rằng: Làm việc công suất gấp nhiều lần bình thường vì căn bệnh này chuyển nguy kịch rất nhanh. Từng ý, từng lời của thầy Chi được y bác sĩ lĩnh hội trọn vẹn.
Dùng những ngày thanh xuân túc trực, chăm chút tận tình, dõi theo từng cử động của bệnh nhân COVID-19, điều dưỡng Thắm cũng như các chiến sĩ áo trắng trẻ khác thổ lộ: Trong những bộ đồ bảo hộ dòng mồ hôi cứ túa ra ướt đẫm. Cực nhọc buồn thương là khi người bệnh kéo dài trong hôn mê, hạnh phúc là khi họ cai được máy thở. Nhịp sống, nhịp buồn vui của người bệnh như song hành cùng các thầy thuốc.
Lăn lộn qua nhiều ngày dài, để mọi ý nghĩ, ước vọng tốt đẹp nhất của mình dành cho người bệnh, Điều dưỡng trưởng Khu Hồi sức tích cực 1 Nguyễn Mạnh Chung thổ trong vội vã: "Sự mất mát của mỗi thân phận đều như kim châm vào tim gan người thầy thuốc, xót xa lắm. Vậy nên, chúng tôi không cho phép mình lơ đễnh dù có nhọc nhằn, áp lực..."
Ngày cuối tuần, ngày nghỉ lễ không còn chỗ trong trong tâm trí của những thầy thuốc ở phòng điều trị bệnh nhân nặng.
Xế trưa 27/8, sau khi cùng các bác sĩ hội ý giúp lồng ngực, lá phổi của các ca bệnh tốt hơn lên, Điều dưỡng trưởng Nguyễn Mạnh Chung lại hổi hả đi thăm hỏi, động viên người đã có thể cất được tiếng nói.
Sẻ chia những lời từ đáy sâu gan ruột của mình, điều dưỡng Chung thổ lộ: "Trung tâm hồi sức tích cực này là tuyến điều trị cao nhất, khoảng cách trượt về phía cửa tử mong manh vô cùng nên cố gắng hết sức để lo cho người bệnh. Lúc nguy kịch thì cấp cứu, giúp thở oxy, điều trị… Lúc chuyển nhẹ thì lo từ cái ăn, cái uống và cả những động viên chân tình nhất để khơi dậy "ngọn lửa" chiến thắng dịch bệnh…"
Nhận thông báo thêm một người chuyển nhẹ từ đồng nghiệp, ánh mắt điều dưỡng Chung bừng lên hạnh phúc. Anh bảo rằng, đó là tâm trạng của mọi người ở nơi ánh sáng không bao giờ tắt, tiếng máy thở liên hồi hoạt động này. Đó cũng là món quà vô giá thôi thúc y bác sĩ vượt lên chinh phục mọi gian khổ.
Nỗi nhớ nhà và bao hạnh phúc riêng phải gác sang một bên, BS Tân và nhiều nhân viên khác ở Khu Hồi sức 2 tập trung cao độ cho việc ghi nhớ các thông số của loạt máy móc điều trị cho người bệnh. Cả những căn dặn từ các chuyên gia hàng đầu về hô hấp.
"Ở nơi này không được phép chần chừ, cũng không được phân tâm. Suốt ca trực "3 nhịn" là nhịn ăn, nhịn uống, nhịn đi vệ sinh nhưng bù lại có những liều thuốc tinh thần xua tan mệt mỏi đó là mỗi khi có cánh tay người bệnh từ tê liệt đến cử động. Là những gương mặt tím tái, hốc hác, thở máy trong khó nhọc giờ có thể vươn vai…" - nhiều y bác sĩ đã bộc bạch như thế.
Bệnh nhân T.M từ ngày vào cấp cứu đã phải chụp máy thở, cho đến khi tự nói, tự ăn được, cuộc đời ông như chuyển sang một trang mới. Nhiều ngày, để thoát nguy kịch, những xi-lanh thuốc liên tục được bơm vào.
Có những khuya khi bên ngoài mọi người chìm vào giấc ngủ thì quanh giường bệnh nhân M vẫn đông đảo thầy thuốc phải vận động đôi tay và khối óc liên tục để phục hồi lá phổi và nhiều cơ quan hô hấp của ông đã như tàu lá trong ngày nắng hạn.
Cất lời sau bao ngày bất tỉnh, ông M rưng rưng. Trái tim này, lá phổi và sự sống này được hồi sinh như một kỳ tích neo bền mãi đến hết cuộc đời ông.
Giống như bệnh nhân M, giữa trưa 27/8, thấy tôi vào phòng, ông Trần V.H miệng đang gắn ống thở oxy nhưng vẫn ngồi dậy được, giơ tay khỏe khắn "thả tim". Nhìn sang các bệnh nhân khác vừa nhập viện, đang nằm bất động, nước mắt của ông H cứ trào ra.
Ông quả quyết: "Không có y bác sĩ ngày đêm cứu chữa thì tôi và nhiều bà con khác đã… về với tổ tiên rồi. Giờ dù còn phải hỗ trợ máy thở nhưng đã tự ngồi dậy, nói năng, khởi động chân tay…Hành trình trở về với sự sống này, không thể nào mà diễn tả thành lời cho hết được đâu".
Trong số nhiều bệnh nhân "vượt cửa tử" một cách ngọn mục thì ấn tượng sâu sắc cũng là dấu mốc ấn tượng với y bác sĩ nơi đây là cô gái nặng 130kg dần hồi sinh.
BS Hùng chia sẻ: "Cô gái ấy mới 24 tuổi, bị tổn thương phổi quá nặng nề, nghiêm trọng. Phổi lại phải gánh khối lượng cơ thể "khủng" như vậy nên mọi người nói với nhau rằng, có thể không thể nào mà qua được đâu. Nhưng sự nỗ lực của bệnh cộng với y bác sĩ xuyên ngày đêm cứu chữa đồng thời trấn an tâm lý, động viên kịp thời nên trong vòng khoảng 10 ngày, phổi dần tốt lên, bỏ được máy thở. Đến nay, mỗi lần đi qua, bạn ấy giơ tay vẫy chào nhân viên y tế. Đó vừa là động lực vừa là món quà vô giá đối với chúng tôi".
*còn nữa