Hà Nội

Giữa lằn ranh sinh tử

26-01-2023 08:00 | Sự hi sinh thầm lặng

SKĐS - Là bệnh viện đa khoa tuyến cuối của toàn quân, bệnh viện hạng đặc biệt quốc gia, Bệnh viện Trung ương Quân đội (TWQĐ) 108 hằng ngày có hàng trăm ca bệnh nặng cấp cứu với các bệnh khác nhau như đa chấn thương do tai nạn, sốc tim, sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, đột quỵ não cấp, nhiễm độc cấp...

Trong đó Trung tâm Hồi sức tích cực luôn là nơi đầu sóng ngọn gió, sẵn sàng cấp cứu các bệnh nhân nặng, giành giật lại sự sống cho họ.

Một ngày bình thường...

Phải mất vài lần rời lịch hẹn vì các bác sĩ bận, cuối cùng tôi cũng có dịp trao đổi với các khoa của Bệnh viện TWQĐ 108 để thực sự chứng kiến những giờ phút làm việc căng thẳng của nhân viên y tế nơi đây.

Điểm đến đầu tiên của tôi là Khoa Cấp cứu ở tầng 1 của bệnh viện.

10 giờ 30 phút, dù buồng bệnh đã kín người thì bên ngoài liên tục có thêm xe cấp cứu đưa bệnh nhân từ các nơi chuyển đến... Những chiếc giường trắng, rộng chừng 1,2m, đầu giường treo các chai dịch truyền, xung quanh là các bác sĩ đang khẩn trương hỏi, khám và tiến hành cấp cứu. Các điều dưỡng sắp xếp hồ sơ, theo dõi, vận chuyển bệnh nhân đi làm xét nghiệm và sắp xếp vào các khoa điều trị... Những tiếng kêu o...o; tít... tít... của máy móc hỗ trợ xen lẫn tiếng rên cùng những khuôn mặt mệt mỏi, đau đớn của bệnh nhân.

Giữa lằn ranh sinh tử - Ảnh 1.

Trung tâm Hồi sức tích cực, Bệnh viện TWQĐ 108.

Không dám lưu lại quá lâu ở Phòng Cấp cứu, tôi theo chân bác sĩ tới Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc, đi qua Phòng Hành chính, thấy các điều dưỡng đang bận rộn vừa sắp xếp lại đống bệnh án, vừa trao đổi với đồng nghiệp về những ca bệnh mới vào. Dù đã có lịch hẹn từ trước, nhưng vì có ca bệnh mới, nên các bác sĩ lại phải đi.

Làm việc thông trưa, ăn vội miếng cơm, đang ăn cơm phải đứng dậy, nửa đêm có ca cấp cứu nặng cần đến sẽ luôn sẵn sàng lên đường... Đó là những việc thường diễn ra mỗi ngày của các nhân viên y tế tại Trung tâm Hồi sức tích cực.

Tranh thủ lúc đợi bác sĩ, tôi lại có dịp quan sát các phòng bệnh nơi đây. Không quá "nhộn nhịp" như ở Khoa Cấp cứu, các bệnh nhân tại Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc hầu như nằm yên, đôi mắt nhắm nghiền, xung quanh có sự hỗ trợ của máy móc, không biết họ thức hay ngủ... Tôi chợt lạnh người thấu hiểu sự yếu đuối và bất lực khi là một bệnh nhân nặng...

Qua 3 lớp cửa kính, tôi vẫn có thể nhìn thấy được các phòng bệnh ở đây được bố trí rất chuyên nghiệp. Mỗi bệnh nhân được bố trí 1 phòng, cửa đóng mở tự động với nhiều loại máy móc xung quanh. Trong phòng bệnh tôi chỉ thấy có nhân viên y tế, phòng thì bác sĩ đang khám bệnh, rồi điều chỉnh các loại máy móc. Phòng thì điều dưỡng đang dùng thuốc cho bệnh nhân và có phòng thì điều dưỡng đang cho bệnh nhân ăn. Họ nói gì đó mà khiến khuôn mặt mệt mỏi của bệnh nhân giãn ra, nở một nụ cười...

BS. Nguyễn Thị Thu cùng đồng nghiệp xử lý cấp cứu cho bệnh nhân nặng.

BS. Nguyễn Thị Thu cùng đồng nghiệp xử lý cấp cứu cho bệnh nhân nặng.

Động lực là sự tin tưởng của bệnh nhân và đồng nghiệp

Chị đợi em lâu chưa? Bọn em vừa phải xử trí một ca bệnh nặng, nên bây giờ mới về được.

Thấy tôi, BS. Nguyễn Thị Thu - Khoa Hồi sức nội khoa - chống độc vồn vã. Tôi hỏi Thu: Làm thế nào mà mỗi ngày liên tục phải tiếp xúc với ca bệnh nặng, ngàn cân treo sợi tóc mà em vẫn tươi cười được?

"Ôi, tâm lý lúc làm cấp cứu cũng căng thẳng lắm chị ạ, vì đứng trước tính mạng của bệnh nhân mà. Nhưng chúng em quen rồi, tuy mới làm được 6 năm, nhưng em cũng đã biết cách cân bằng cảm xúc trước các tình huống ấy".

Khoa Hồi sức tích cực nói chung ở các bệnh viện, là nơi luôn luôn phải tiếp nhận cấp cứu và điều trị các ca bệnh nặng, nguy kịch hằng ngày.

"Bản thân người bác sĩ đứng trước tình huống đó, đối diện với trách nhiệm phải cứu sống bệnh nhân, có nhiều cảm xúc lo lắng lắm", BS. Thu tiếp lời. "Tuy nhiên khi có sự thấu cảm với người nhà bệnh nhân, cùng với xác định được mục tiêu quan trọng nhất của mình là tập trung hết mọi nguồn lực để có thể cứu sống được tính mạng của người bệnh thì sẽ có động lực để vượt qua những khó khăn và căng thẳng tại thời điểm đấy".

Theo BS. Nguyễn Thị Thu: Tại Khoa Hồi sức cấp cứu đều có tinh thần làm việc theo nhóm. Khi làm việc nhóm, có sự phối hợp hài hòa, nhịp nhàng và ăn ý sẽ có thể đưa ra quyết định điều trị cũng như thực hiện các thủ thuật, kỹ thuật khó trong thời gian ngắn, khẩn trương để có thể cứu được bệnh nhân. Đó là những điều giúp cho các bác sĩ, điều dưỡng vượt qua được khó khăn tại thời điểm cấp cứu và kéo người bệnh trở lại với cuộc sống.

Vừa về đến khoa, nghe được câu chuyện chúng tôi đang trao đổi, TS. Lê Lan Phương - Giám đốc Trung tâm Hồi sức tích cực chia sẻ thêm: "Đứng trước các ca bệnh nặng, tiên lượng điều trị rất khó khăn, bác sĩ và điều dưỡng đều rất căng thẳng. Nhưng mà khi mình cứu sống được, chứng kiến tình trạng bệnh được cải thiện hằng ngày, rồi họ được trở về với gia đình, thì mình thấy rất vui vẻ. Đây là động lực chính của các bác sĩ và điều dưỡng để vượt qua khó khăn và tiếp tục nỗ lực hằng ngày.

Là bệnh viện đa khoa tuyến cuối, nên từ ngoại khoa, nội khoa, truyền nhiễm, huyết học... mỗi khoa đều có bệnh nhân rất nặng.

"Với các bác sĩ điều trị tại các khoa, khi đối diện với tình huống tính mạng bệnh nhân đang bị đe dọa thì họ rất lo lắng. Nên khi thấy bác sĩ hồi sức đến hỗ trợ, họ như giảm được gánh nặng đang đè trên đôi vai. Các đồng nghiệp cảm thấy yên tâm, còn mình cũng thấy được vai trò tích cực, mang lại cảm giác bình yên, chia sẻ áp lực cùng đồng nghiệp nên cũng rất vui". TS. Phương không giấu niềm tự hào, mỉm cười.

Vừa là đam mê, vừa là sự thấu hiểu

Theo BS. Nguyễn Hồng Tốt (Khoa Hồi sức nội khoa và chống độc), khi đã là bác sĩ hồi sức, động lực lớn nhất để làm việc được trong môi trường rất khắc nghiệt, nhiều vất vả, thì đó là đam mê. Có đam mê với nghề sẽ có gắn bó sẽ vượt qua được khó khăn và tìm ra được động lực của riêng mình. Khi càng cứu được nhiều bệnh nhân lại càng củng cố thêm đam mê và càng thôi thúc mỗi người nỗ lực nhiều hơn nữa.

BS. Nguyễn Hồng Tốt chia sẻ: Khi làm hồi sức cấp cứu, cũng gặp những tình huống lo lắng đến mất bình tĩnh của người nhà. Nhưng khi mình đặt mình vào vị trí của họ, mình sẽ thấu hiểu. Do đó, để làm dịu tâm lý người nhà bệnh nhân, các bác sĩ thường sẽ hỏi nhanh về hoàn cảnh gia đình, lắng nghe họ chia sẻ và lấy lại bình tĩnh, rồi sau đó mới giải thích về tình trạng bệnh nhân, hướng xử trí, kế hoạch điều trị, đáp ứng điều trị và tiên lượng bệnh... Điều đó sẽ giúp tình trạng căng thẳng ở Phòng Cấp cứu giảm đi rất nhiều và vì thế công việc được xử trí thuận lợi hơn.

Giữa lằn ranh sinh tử - Ảnh 3.

BS. Nguyễn Hồng Tốt theo dõi, điều chỉnh máy móc hỗ trợ bệnh nhân.

Khi tôi hỏi: Có những ca bệnh rất nặng, tiên lượng xấu, thậm chí biết trước rằng nếu có làm các thủ thuật cấp cứu thì tính mạng bệnh nhân vẫn không thể cứu được, thì tại sao các bác sĩ vẫn không buông tay?

TS. Lê Lan Phương trầm xuống: Đúng là có rất nhiều ca bệnh nặng, tiên lượng rất khó qua khỏi nhưng các bác sĩ vẫn phải cứu chữa hết sức. Bởi vì chúng tôi nghĩ rằng, người bệnh dù ở trạng thái nào, dù hôn mê sâu... thì tâm thức và cảm xúc của họ vẫn còn. Lúc này bệnh nhân đang yếu đuối nhất, lo lắng và cảm thấy bất lực nhất về tình trạng bệnh của mình. Nếu họ cảm thấy bác sĩ không làm gì, không giúp đỡ gì trong lúc đó thì họ càng đau khổ hơn nữa. Do đó việc cấp cứu, chăm sóc cho bệnh nhân lúc này chính là sự quan tâm và mang đến cho người bệnh cảm giác bình yên. Dù trường hợp không cứu chữa được thì bệnh nhân cũng sẽ phần nào thanh thản, dễ chịu.

Sau cơn bạo bệnh, bệnh nhân có thể vượt qua, hoan hỉ trở về cuộc sống. Nhưng cũng không ít trường hợp vĩnh viễn nằm lại. Sự sống và cái chết không thể nằm ngoài quy luật của cuộc sống. Nhưng sự nỗ lực không mệt mỏi để giành giật sự sống cho bệnh nhân - dù ở hoàn cảnh nào, tình trạng bệnh ra sao - của những người lính mang trên mình tấm áo blouse là tấm lòng thanh sạch. Họ xứng đáng được gọi là những chiến binh áo trắng, với lời thề Hypocrat mãi mãi không đổi thay.         

Là Khoa Hồi sức cấp cứu, do đó các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế tại khoa luôn phải có tinh thần 24/7, sẵn sàng bị điều động bất cứ lúc nào. Đặc biệt vào mùa dịch bệnh phải tăng cường thời gian làm việc, thì bất kể ngày đêm, các bác sĩ, điều dưỡng vẫn sẵn sàng lên đường.


Thu Hà
Ý kiến của bạn