(Đọc SBC là săn bắt chuột, tiểu thuyết của Hồ Anh Thái - NXB Trẻ, 2011)
Trong giao tiếp xã hội hiện đại gần đây nảy nở tràn lan những thành ngữ thời hội nhập, nói cho thuận miệng, nói có vần với tính cách hoạt kê, giễu nhại cái ác, cái giả, cái xấu. Từ nói miệng đến thành văn viết, thành tên một cuốn sách hay bài báo, chẳng hạn Sát thủ đầu mưng mủ, Thủ tướng Italia… chịu chơi sợ gì mưa rơi (hàm nghĩa bất cần của ông Thủ tướng Italia). Xét cho cùng, cách làm đó cũng là kế thừa từ truyền thống đặt vè dân gian, cũng là cách chơi chữ, chơi vần cho dễ nhớ! Ðặc biệt, khi in loại vè chế, tác giả không để chữ nghiêng hoặc trong ngoặc kép, tin rằng ai cũng hiểu, chẳng cần chú thích, như người nói đùa có duyên thì không cần nhếch mép. Ðó là cách giễu nhại cao tay, tôn trọng người đọc thông minh!
Nhà văn Hồ Anh Thái xuất bản tác phẩm từ 1980 với trên 30 đầu sách nhưng thập niên gần đây, ông mới tập trung, ứng dụng thủ pháp này thành công với giọng điệu giễu nhại cho hàng loạt tác phẩm của mình: Tự sự 265 ngày (tập truyện ngắn, 2001), Cõi người rung chuông tận thế (tiểu thuyết 2002), Bốn lối vào nhà cười (tập truyện, 2004), Sắp đặt và diễn (tập truyện, 2005), Mười lẻ một đêm (tiểu thuyết, 2006), Nói bằng lời của mình (tập truyện ngắn, 2007)… Muốn làm được vậy, ông phải rất giàu vốn ca dao, tục ngữ cũng như thành ngữ cũ mới, lời ăn tiếng nói của giới trẻ… Cái giả cái ác đã thành chai sạn, thành đá với búa rìu công luận, có lẽ tiếng cười giễu của văn học sẽ lay động được thần kinh xấu hổ của chúng chăng? Đá thì rắn nhưng nước chảy mãi ắt đá phải mòn!
Cốt truyện SBC là săn bắt chuột là đời thực đan xen huyền thoại: cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai tuyến người và chuột, nhưng người cũng chỉ là kiểu người với phận vị xã hội của họ: luật sư, đại gia, cô Báo, ông Cốp… để dễ đưa ra những biểu tượng và những tình tiết nửa hư nửa thực: người đã mở rộng đất sống, xâm phạm cả lãnh địa của chuột. Thê tử của Chuột Trùm bị xóa sổ, nó đã trả thù, giết chết một người và biến bảy người khác thành những kẻ mất trọng lượng, lơ lửng như quả bóng bay, phải buộc người vào ghế (không đáng có chỗ đứng trên mặt đất). Những người bị “phù phép” này chỉ trở lại người bình thường nếu bắt được Chuột Trùm, cùng nó nhìn vào mặt xác chết kia mới mong được “hóa giải” khỏi lời nguyền, không bị… bốc hơi khỏi mặt đất. Cốt truyện có vẻ ly kỳ, nhưng hình như tác giả không coi trọng cốt truyện, chỉ dựa vào đó để tỉa tót, tung hứng, đùa cợt, châm biếm, giễu nhại… những thói tật giả dối, tham ác của con người trong xã hội hiện đại ở từng hoàn cảnh sống.
Nắm được ý đồ tác giả nên ta cũng chỉ nên thưởng ngoạn những kỹ xảo tung hứng của nghệ sĩ: “… nghe nói ở xứ này, cái xe xa xỉ của gã mới là cái thứ ba. Xe ta băng qua muôn núi ngàn sông. Gã mới băng qua một đường phố ở trung tâm… (mới qua một đường phố mà đã trăm núi ngàn sông, xin thưa: đây là nhái lời bài hát, cảm giác thơ thới của anh chàng có xe “xịn” trước khi gây tai nạn). Con người mới ngỡ mê xe đời mới là sang, nhưng cô em nọ mê cái cơ bản hơn cơ “Thích tiền mới. Loạt soạt vui tai” bởi cô nghĩ theo cách cổ điển có tiền mua tiên cũng được!
Châm biếm một ông luật sư chỉ bảo vệ thân chủ chứ không bảo vệ nguyên tắc, nhà văn dẫn ra một tiếu lâm trong nghề luật: một người bệnh cần thay tim, bác sĩ cho hai khả năng lựa chọn: một quả tim chàng thủy thủ hai mươi tuổi, một của luật sư đã hành nghề ba chục năm. Ngay lập tức, bệnh nhân nói luôn: “Tôi chọn quả tim của luật sư. Vì sao? Vì chắc chắn đó là quả tim không hề sử dụng, còn nguyên như mới”. Đây chỉ là nụ cười kiểu Êdốp, cách giễu cợt thông minh!
Những giai đoạn lịch sử qua đi, nhà nghiên cứu thành ngữ dân gian có thể hiểu xã hội thời ấy chỉ qua tư liệu sưu tập của mình: thí dụ về tiêu chuẩn chọn người yêu: Một yêu anh có Senkô/ Hai yêu anh có Pơgiô cá vàng (đồng hồ nhãn Senkô và xe máy màu cá vàng). Về phân phối thời bao cấp thì thế hệ già còn nhớ như in: Tôn Đản là chợ vua quan/ Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân là chợ thương nhân/ Vỉa hè là chợ nhân dân anh hùng. Những câu như vậy đều có mặt như những chứng nhân lịch sử, như chất liệu cơ bản cho dạng tiểu thuyết hoạt kê của Hồ Anh Thái. Bên cạnh đó là những suy nghĩ, triết lý hóm hỉnh của anh: “Con người khi sống phấn đấu đến cấp cao thế nào thì khi chết vẫn trở về cán sự sáu. Sáu tấm. Thay đổi bao nhiêu mốt thời trang thì khi chết vẫn trở về comlê đỏ, comlê đen, quan tài đỏ quan tài đen. Thích ăn nhậu bao của ngon vật lạ thì cuối cùng vẫn chán cơm thèm đất. Thích âm nhạc gì thì cuối cùng cũng phải nghe thổi kèn”...
Thật ngạc nhiên khi tác giả Đức Phật, nàng Savitri và tôi - cuốn tiểu thuyết về đạo học cao sang bỗng rẽ sang miền văn trần tục đời thường. Bạn còn ngạc nhiên hơn nếu gặp tác giả ở vị trí công tác hiện nay, vị phó Đại sứ ở Iran nguyên vẹn phong thái một trí thức còn trẻ, ở xa như vậy mà vẫn cập nhật những thành ngữ mới xuất hiện ở bờ hồ Hoàn Kiếm! Nhưng các tướng giỏi đời xưa thạo cả thập bát ban võ nghệ thì sự đa tài, đa giọng điệu ở một nhà văn hẳn cũng dễ hiểu, có khi anh đi với Phật, có khi anh đi với… chuột và người!
Vân Long