Giữ nguyên hay mở rộng?

24-06-2015 06:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng ngày 23/6 các đại biểu (ĐB) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng ngày 23/6 các đại biểu (ĐB) thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố tụng hành chính (sửa đổi). Các vấn đề như: phân định thẩm quyền của tòa án nhân dân (TAND) huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng hành chính có tính khả thi, dân chủ, công khai, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình; đề cao trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính đã được nhiều ĐB cho ý kiến tại phiên thảo luận.

ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An) cho rằng cần có quy định bắt buộc bên bị kiện phải tham gia xét xử.

Ý kiến khác nhau về phân định thẩm quyền cho TAND

Nội dung về phân định thẩm quyền của TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được nhiều ĐB cho ý kiến tại phiên thảo luận sáng nay. Qua thảo luận, một số ý kiến không tán thành quy định mở rộng thẩm quyền cho TAND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xét xử sơ thẩm các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện như dự thảo luật. Theo ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng), quy định này không phù hợp với yêu cầu cải cách tư pháp đã nêu trong Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về mở rộng thẩm quyền cho TAND cấp huyện; đồng thời quy định như vậy không đề cao được vai trò, bản lĩnh của đội ngũ thẩm phán TAND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương trong giải quyết sơ thẩm án hành chính. ĐB Huỳnh Nghĩa đánh giá hầu hết các thẩm phán cấp huyện đều có năng lực, lập trường rõ ràng, xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Quy định như dự thảo luật là không thuyết phục, đi ngược lại tiến trình cải cách tư pháp. ĐB đề nghị Quốc hội nghiên cứu, xem xét thấu đáo quy định này, “giữ như quy định của luật hiện hành để giảm thời gian đi lại của nhân dân trong quá trình giải quyết vụ án”, ĐB Nghĩa nêu rõ.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) phân tích, trước đây, tòa án cấp huyện chỉ xét xử vụ án có khung hình phạt đến 2 năm, giờ đã lên đến 7 năm. Như vậy, trình độ năng lực của thẩm phán cấp huyện đã được nâng cao. Việc để tòa án cấp huyện xét xử hành vi hành chính cùng cấp đáp ứng mong muốn của người dân được tiếp cận công lý gần hơn. Nên để thẩm quyền giải quyết các vụ án liên quan cấp huyện vẫn là tòa án cấp huyện - ĐB Thuyền nêu quan điểm.

Tuy nhiên, một số ĐB có quan điểm khác, cho rằng nên giao cho TAND cấp tỉnh giải quyết sơ thẩm khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện để bảo đảm tính hiệu quả trong việc giải quyết các khiếu kiện này. Các ý kiến cho rằng thực tiễn xét xử thời gian qua cho thấy việc giải quyết các khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính của UBND cấp huyện, chủ tịch UBND cấp huyện đa số là khiếu kiện trong lĩnh vực quản lý đất đai, là loại việc khó, phức tạp nên chất lượng giải quyết các khiếu kiện này của TAND cấp huyện còn hạn chế; số vụ án bị hủy, sửa vẫn còn cao (khoảng từ 4-5%/năm; trong khi đó các loại án khác chỉ khoảng trên dưới 1%/năm).

Cần có quy định bắt buộc bên bị kiện phải tham gia

Liên quan đến vấn đề bên bị kiện là cơ quan hành chính thường có đơn xin vắng mặt khiến việc xét xử diễn ra khó khăn, khó sáng tỏ nội dung của người đi kiện, theo ĐB Nguyễn Trung Thu (Long An), dự thảo cần có quy định bắt buộc bên bị kiện phải tham gia. Nếu vắng mặt thì bên bị kiện sẽ mất quyền phản đối với tình tiết bên kiện đưa ra. Trường hợp cơ quan bị kiện không thể tham gia thì phải có sự ủy quyền để tham gia phiên tòa. Các ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM), Phạm Văn Hà (Nghệ An) đều cho rằng, trường hợp người đứng đầu cơ quan hành chính bị kiện vắng mặt thì cần phải ủy quyền cho người trực tiếp xử lý vụ việc. ĐB Nguyễn Bá Thuyền phân tích, bản chất của các vụ kiện hành chính là dân kiện “quan” vì người ra các quyết định hành chính là “quan”, do vậy, việc xét xử sao cho chính xác, khách quan cần đặt ra, do vậy, hội đồng xét xử cần điều hành để bên khởi kiện và bên bị kiện đều có thể trình bày được các chứng cứ của mình. Nếu không cho phép người đứng đầu cơ quan hành chính ủy quyền tại các vụ kiện thì sẽ khó khăn vì họ có nhiều việc. Tuy nhiên, việc ủy quyền phải được thực hiện với người có trách nhiệm chứ không phải ủy quyền cho người đến tham dự, để nghe và về báo cáo, xin phép người ủy quyền. Do đó, nên quy định phải ủy quyền cho cấp phó vì đó là người có trách nhiệm trong việc xử lý, nếu cấp phó nói rằng không biết là không ổn.

Liên quan đến việc một số ý kiến đề nghị cần mở rộng hơn nữa thẩm quyền của tòa án đối với khiếu kiện hành chính. Cụ thể là tòa án có thẩm quyền giải quyết cả khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan, tổ chức kể cả các quyết định kỷ luật đối với cán bộ, công chức (mà không chỉ giới hạn quyết định kỷ luật buộc thôi việc như hiện nay), ĐB Đặng Công Lý (Bình Định) có quan điểm không cần quy định mở rộng hơn nữa, vì như vậy sẽ can thiệp quá sâu vào quản lý hành chính nhà nước của cơ quan tổ chức. Quy định như dự thảo luật là hợp lý. Tán thành quan điểm này, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh đề nghị giữ nguyên như hiện hành là phù hợp, không nên quy định thêm về thẩm quyền giải quyết khiếu kiện về quyết định hành chính và hành vi hành chính mang tính nội bộ của cơ quan tổ chức. Theo ĐB, không nên quy định thêm vì phạm vi quá rộng, can thiệp quá sâu vào quản lý hành chính nhà nước của cơ quan tổ chức, ảnh hưởng tới hoạt động tự do, tự chủ, tự quản của cơ quan tổ chức này.

Anh Tuấn - Hoàng Dương

 

 


Ý kiến của bạn