Hà Nội

Giữ mức đóng phí công đoàn 2% để đảm bảo phúc lợi người lao động

24-10-2024 08:21 | Xã hội
google news

Việc giữ nguyên mức đóng này đã tạo ra nhiều ý kiến tranh luận trong thời gian qua. Về phía Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam, đơn vị này khẳng định, tỷ lệ 2% là phù hợp với thực tế và đóng góp vào việc bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động.

Đề xuất giữ nguyên kính phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương

Dự án Luật Công đoàn đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV. Hiện, dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện, trình Quốc hội chuẩn bị xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8.

Dự thảo đưa ra nhiều nội dung và đề xuất mới, trong đó có việc hoàn thiện cơ chế tài chính công đoàn và quy định mức đóng kinh phí công đoàn trong bối cảnh mới, nhằm đảm bảo tính minh bạch, công khai và đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế.

Giữ mức đóng phí công đoàn 2% để đảm bảo phúc lợi người lao động- Ảnh 1.

Các cấp công đoàn TP Hồ Chí Minh hỗ trợ người lao động được mua hàng hóa thiết yếu giảm giá, miễn phí... Ảnh: Hoàng Tuyết

Một trong những điểm được chú ý của dự thảo là đề xuất giữ nguyên mức đóng kinh phí công đoàn 2% trên tổng quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Việc giữ ổn định quy định về nghĩa vụ đóng kính phí công đoàn bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động được thực hiện từ năm 1957 đến nay nhằm bảo đảm phúc lợi ổn định cho người lao động, góp phần làm cho tổ chức công đoàn thực hiện tốt chức năng đại diện, chăm lo và bảo vệ đoàn viên, người lao động.

Đặc biệt, Nghị quyết 06-NQ/TW và Nghị quyết 02-NQ/TW đã đề ra yêu cầu trong tình hình mới. Do vậy, việc tiếp tục bảo đảm nguồn thu kinh phí công đoàn 2% là hết sức cần thiết.

Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, về bản chất, nguồn thu kinh phí 2% là đóng góp của đơn vị sử dụng lao động cho tổ chức và hoạt động của công đoàn, nhằm bảo đảm cho công đoàn thực hiện tốt trách nhiệm chăm lo cho người lao động, đồng thời cũng để đảm bảo vai trò của công đoàn trong việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ.

Như vậy, nguồn kinh phí công đoàn được sử dụng mang lại lợi ích cho cả người lao động và người sử dụng lao động, thúc đẩy xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

Với mức tiền lương bình quân làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) hiện nay của người lao động là khoảng 5,7 triệu đồng/tháng, thì doanh nghiệp phải đóng kinh phí công đoàn khoảng 1,4 triệu đồng/ người lao động/ năm; khi đó, 75% số kinh phí công đoàn đã đóng này (khoảng 1 triệu đồng) sẽ được phân phối cho công đoàn cơ sở để chăm lo cho đoàn viên, người lao động, dùng để thăm hỏi ốm đau, quà sinh nhật, quà Tết, hoạt động văn hóa, thể thao... Do đó, nếu giảm, có thể sẽ ảnh hưởng bởi việc chăm lo phúc lợi giảm, ảnh hưởng đến việc thu hút, tập hợp người lao động vào tổ chức công đoàn.

Theo thông lệ quốc tế, tài chính công đoàn độc lập, không phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước là một nội dung quan trọng trong các tiêu chuẩn lao động quốc tế cơ bản. Thời gian tới, nhiệm vụ của công đoàn ngày càng nặng nề, như: Đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động thuê; trả tiền bù ngày lương cho người lao động tham gia đình công; tập trung công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; đầu tư nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động... việc duy trì mức đóng 2% kinh phí công đoàn là cần thiết,

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng kinh phí công đoàn

Trên cơ sở các chủ trương, đường lối của Đảng và từ thực tiễn tổng kết thi hành Luật Công đoàn 2012, dự thảo luật bổ sung quy định tại Điều 30 về miễn, giảm, tạm dừng đóng kinh phí công đoàn trong các trường hợp doanh nghiệp giải thể, phá sản; gặp khó khăn vì lý do kinh tế hoặc bất khả kháng; gặp khó khăn phải tạm dừng sản xuất, kinh doanh dẫn đến việc không có khả năng đóng kinh phí công đoàn.

Bổ sung quy định về trích kinh phí công đoàn cho các cấp công đoàn và cho tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp tại khoản 3, Điều 31. Theo đó, quy định cụ thể tỷ lệ, phương án phân phối kinh phí công đoàn đối với công đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Để đảm bảo công khai, minh bạch, tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán và giám sát của các cơ quan chức năng trong công tác quản lý, sử dụng tài sản, tài chính công đoàn, dự thảo luật đã sửa đổi, bổ sung các Điều 31, Điều 32, Điều 33. Bổ sung mới 1 điều về công khai tài chính công đoàn tại Điều 34.

Dự thảo cũng hoàn thiện các quy định của pháp luật công đoàn, đảm bảo cho Công đoàn Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ trong bối cảnh mới. Trong đó, sửa đổi Điều 1 Công đoàn Việt Nam. Bổ sung quyền gia nhập Công đoàn Việt Nam của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp.

Đồng thời, dự thảo bổ sung mới một số quyền, trách nhiệm của công đoàn nhằm bảo đảm sự thống nhất với các đạo luật khác. Sửa đổi quy định về quyền và trách nhiệm của công đoàn cấp trên đối với nơi chưa có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Theo đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng, dự thảo Luật Công đoàn sửa đổi được xem là cần thiết để đáp ứng các yêu cầu của tình hình mới; theo hướng không chỉ đảm bảo quyền lợi cho người lao động Việt Nam, mà còn góp phần giúp công đoàn Việt Nam phát triển vững mạnh trong môi trường cạnh tranh quốc tế, trong bối cảnh các tổ chức đại diện người lao động không thuộc hệ thống công đoàn Việt Nam cũng đang manh nha xuất hiện.


Theo XL/Báo Tin tức
Ý kiến của bạn