Giữ lửa mứt gừng xứ Huế

14-02-2024 19:00 | Xã hội
google news

SKĐS - Những chuyến xe tải chở nguyên liệu vào ra nhộn nhịp. Nhà nhà bếp lửa đỏ rực thâu đêm. mùi thơm cay cay, nồng nồng của gừng kèm vị ngọt thanh của đường được rim dưới ngọn lửa bập bùng bay phảng phất khắp đường phố Kim Long trong những ngày giáp Tết.

Thơm nồng mứt gừng Kim Long

Khi những tờ lịch treo tường cuối cùng được gỡ xuống cũng là lúc các làng nghề truyền thống ở mảnh đất từng là kinh đô của một triều đại trở nên bận rộn, người dân ngày đêm quên ăn, quên ngủ làm việc để cho ra những sản phẩm ngon nhất, đẹp nhất để phục vụ thị trường Tết. Bên dòng Hương Giang thơ mộng, hòa lẫn trong không khí trong lành phảng phất đâu đó mùi thơm cay cay, nồng nồng vị ngọt của mứt gừng Kim Long, TP. Huế.

Cơn mưa nặng hạt kèm cái lạnh gắt đầu đông dường như không thể xua tan được hơi ấm nồng của than củi kèm mùi gừng già tỏa ra từ các bếp lửa đang ngày đêm đỏ rực tại các gia đình làm mứt gừng ở phường Kim Long. Trên con đường dẫn vào làng nghề mứt gừng Kim Long, xe cộ tấp nập qua lại, dòng người hối hả ngược xuôi để chuẩn bị những chuyến hàng lớn tỏa đi khắp cả nước cùng nhà nhà, người người đón một mùa Xuân mới với nhiều hy vọng. Trong tiết trời se lạnh càng khiến cho người dân cố đô cảm nhận cái Tết truyền thống đến gần hơn.

Giữ lửa mứt gừng xứ Huế- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Văn Dân có hàng chục năm gắn bó với nghề làm mứt gừng Kim Long.

Những ngày này, những ai có dịp đi qua con đường Phạm Thị Liên (TP. Huế), sẽ ấn tượng với hình ảnh những làn khói bay lên từ các bếp than củi đỏ rực kèm mùi hương ngào ngạt tỏa ra từ ngôi nhà nhỏ nằm khép mình sau những cây cổ thụ. Ðó là ngôi nhà của ông Nguyễn Văn Dân, người có hơn 30 năm làm nghề mứt gừng. Vừa bước vào nhà, khắp một mảnh sân, ông Dân bày la liệt sản phẩm gừng thành phẩm, thơm phức... Cạnh đó, các nhân công đang bận rộn với từng công đoạn để tiếp tục làm ra mẻ mứt mới. Biết có khách ghé thăm tìm hiểu về làng nghề, ông Dân nói lớn: "Làm ơn chờ tôi một lát. Phải xử lý xong mẻ gừng này để lên lò cho kịp". Nói rồi người đàn ông vừa bước qua tuổi 64 thoăn thoắt tay làm, miệng chỉ đạo các nhân viên.

"Hơn nửa đời người tôi gắn bó với món ăn cay cay, ngọt ngọt này rồi nên không bỏ được. Giờ chắc bỏ nghề mứt gừng tôi ngã bệnh vì nhớ cũng nên", ông Nguyễn Văn Dân vừa nói vừa lấy mời khách đĩa mứt gừng gia đình ông vừa ra lò. Trong ký ức của ông Dân (theo nghề từ năm 30 tuổi), từ khi sinh ra và lớn lên, hình ảnh những ngày giáp Tết cả làng quây quần bên bếp lửa để làm mứt của người dân Kim Long in hằn sâu trong trí nhớ mỗi người. "Tôi nghe cha ông kể là làng mứt Kim Long có từ lâu, còn cụ thể vào thời gian nào thì không ai biết cả. Cứ đến tháng Chạp hàng năm, các lò mứt của gia đình lại đỏ lửa ngày đêm", ông Nguyễn Văn Dân tâm sự.

Mùa vụ năm nay, gia đình ông Dân chuẩn bị 5 tấn gừng củ để làm mứt. Nguồn nguyên liệu gừng tươi được chọn lựa kỹ lưỡng, chủ yếu được trồng ở khu vực cầu Tuần (xã Thủy Bằng, TP. Huế) và thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), nhờ đó có được lát mứt đậm chất miền Trung. Cầm trên tay những lát mứt vừa mới ra lò, ông Dân chia sẻ, để làm ra một thứ mứt gừng thơm ngon, phải trải qua nhiều công đoạn từ làm sạch gừng cho đến rim gừng. Trong đó quan trọng nhất là cách phối trộn tỷ lệ đường với gừng và thời gian rim gừng. Ðây chính là bí quyết của người dân Kim Long. Chính nhờ những kinh nghiệm này, miếng mứt gừng mỏng vừa phải, mang màu sắc vàng tự nhiên, giòn giòn, cay cay. "Mứt gừng Kim Long mang một đặc trưng riêng. Lát mứt ở đây thường nhỏ, mỏng và khi ăn sẽ có vị ngọt của đường và vị cay nồng của gừng, không lẫn vào đâu được".

Giữ lửa mứt gừng xứ Huế- Ảnh 2.

Nghề làm mứt gừng, công đoạn khó nhất đó chính là rim gừng dưới lửa củi vì đòi hỏi phải đảo liên tục, đều tay để tránh bị cháy.

Cách nhà ông Dân chừng 200m, gia đình bà Nguyễn Thị Kỳ cùng các công nhân thời vụ đang tất bật công việc rim những mẻ mứt gừng theo đơn đặt của khách hàng trong và ngoài tỉnh. Bước qua cái tuổi "thất thập cổ lai hy", cuộc đời bà Kỳ gắn liền với nghề làm mứt gừng đã mang lại nguồn thu kinh tế cho gia đình. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, gia đình bà cần khoảng 6 nhân lực để thực hiện tất cả các công đoạn làm mứt. Năm nay, cả nhà cùng những người làm thuê dự kiến "biến" 4 tấn gừng tươi thành thứ mứt nhiều người mê.

Bà Nguyễn Thị Kỳ bật mí, để làm nên tiếng tăm của mứt gừng Kim Long, không thể không nói đến củ gừng ở ngã ba Tuần. Củ gừng ở thượng nguồn sông Hương này tuy nhỏ nhưng rất thơm, cay và có tính ấm. Nhờ đầu vào chất lượng, qua bàn tay chế biến tài hoa của người thợ, những mẻ mứt gừng cứ thế ra đời mang vị ngọt thanh của đường, vị cay ấm của gừng tạo nên loại mứt ngon "chẳng nơi nào có được".

Mứt gừng Kim Long luôn đặt chất lượng lên hàng đầu vì thương hiệu truyền thống cha ông để lại. Khâu vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được người dân nơi đây đặt lên hàng đầu. Mứt gừng Kim Long làm ra không chỉ phục vụ cho người dân trên địa bàn Thừa Thiên Huế mà còn được nhiều đại lý ở các tỉnh, thành phía Bắc và Tây Nguyên đặt hàng. Hằng năm, cứ vào giữa tháng 11 Âm lịch là người dân Kim Long bắt đầu lên lò...

Giữ lửa "mứt gừng Kim Long"

Ngược dòng thời gian, hàng trăm năm trước, ở xứ Kim Long có hàng trăm lò mứt gừng ngày đêm rực lửa, tạo nên thương hiệu "mứt gừng Kim Long". Thời ấy, ở mảnh đất bên bờ Hương Giang thơ mộng, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh những người dân cạo gừng làm mứt. Theo thời gian, vì nhiều lý do, số hộ dân làm mứt gừng ngày càng giảm dần, trong đó có nguyên nhân "làm mứt thủ công vất vả nhưng thu nhập thấp".

Ông Nguyễn Văn Dân chia sẻ, vài chục năm trước, ở Kim Long có khoảng 30 hộ dân làm mứt gừng thủ công, bây giờ chỉ còn 4-5 hộ còn giữ gìn nghề truyền thống của cha ông. "Mỗi mùa Tết, gia đình tôi thu nhập được khoảng 20 triệu đồng từ việc làm mứt gừng. Công việc tuy vất vả, cực nhọc nhưng có nguồn thu nhập trang trải cuộc sống. Gia đình gắn bó với nghề cũng vì hình ảnh cha ông nấu gừng ăn sâu vào tiềm thức nên không thể bỏ được. Dù đói nghèo hay giàu sang, tôi cũng luôn căn dặn con cháu trong nhà cố bám lấy cái nghề đã "thấm vào máu" của cha ông mình", ông Dân vừa nói giọng nghẹn ngào, mắt ngấn nước.

Giữ lửa mứt gừng xứ Huế- Ảnh 3.

Giữ lửa mứt gừng xứ Huế- Ảnh 4.

Giữ lửa mứt gừng xứ Huế- Ảnh 5.

Lát gừng được ngào trong chảo đường trên bếp lửa.

Ông Phan Văn Hùng (50 tuổi, con trai bà Nguyễn Thị Kỳ) thuộc thế hệ thứ ba tiếp nối truyền thống của gia đình đang "bám trụ" với công việc làm mứt gừng vào mỗi dịp Tết. Ngồi bên bếp lửa hồng đang nấu gừng giữa tiết trời se lạnh, ông Hùng cho biết, hình ảnh người mẹ nghèo tần tảo bất chấp tiết trời lạnh giá ngày đêm tỉ mẫn nhặt gừng, nhóm lửa từ những năm 80 để kiếm tiền nuôi các con ăn học làm ông không thể quên.

Hơn 20 năm "đóng vai" là thợ chính, ông Hùng còn là người thực hiện các công việc như kết nối các tiểu thương, nguồn hàng... để chủ động cung ứng sản phẩm ra thị trường đầy tính cạnh tranh như hiện nay. Theo ông Hùng, trước đây, ở Kim Long có nhiều hộ dân làm mứt. Tuy nhiên, theo thời gian, toàn phường có khoảng 5 hộ dân làm chính. Trước xu thế đó, ông Hùng tự nhủ sẽ tiếp tục gắn bó với nghề. Sau này, ông vẫn sẽ hướng cho con cái tiếp tục gắn bó, giữ gìn cái nghề của cha ông, để cái danh xưng "mứt gừng Kim Long" không bị lãng quên theo năm tháng.

"Chúng tôi khâm phục tình yêu nghề mứt gừng của mẹ. Dù không dư giả nhưng nghề mứt nuôi sống bao thế hệ gia đình người Kim Long. Có nghèo khổ đi chăng nữa tôi và các con cháu trong nhà vẫn sẽ duy trì và cố gắng tìm tòi, phát huy để nghề mứt gừng cha ông để lại giành lại vị thế mình đã có. Nhiều lúc nghĩ nếu một ngày nào đó, trong mỗi dịp Tết, lò gừng không còn đỏ nữa thì sẽ ra sao. Nghĩ đến đây, bản thân cảm giác rất buồn và nuối tiếc nếu điều đó xảy ra", ông Hùng thở dài buồn bã nói.

Ông Mai Khắc Phục, Chủ tịch phường Kim Long cho biết, những năm gần đây, người làm mứt đang gặp khó do thị hiếu của khách hàng. Hiện nay, việc xây dựng nên một thương hiệu đã khó, nhưng để gìn giữ và phát triển thương hiệu lại càng khó hơn.

Trong thời gian vừa qua, lãnh đạo phường Kim Long tích cực phối hợp với cơ quan chức năng xây dựng thương hiệu để giúp sản phẩm mứt gừng của người dân Kim Long tạo ra luôn có chỗ đứng và ổn định trên thị trường, không bị trộn lẫn với nơi khác. Ðặc biệt, chính quyền địa phương luôn động viên, chia sẻ và tìm những giải pháp phù hợp để hỗ trợ người làm mứt mở rộng sản xuất, phát triển cũng như lưu giữ nghề.

Với niềm đam mê và quyết tâm của người dân cùng sự đồng lòng của các cấp chính quyền địa phương, hy vọng một ngày không xa những lò mứt gừng, những lát gừng ướt át hòa quyện vào đường vàng sôi sùng sục khắp vùng Kim Long. Những thanh củi to bằng cánh tay người đàn ông đang cháy đượm tạo nên làn khói toả khắp nơi. Mùi thơm của loại mứt gừng đặc trưng xứ Huế phảng phất quanh nhà, quanh phường Kim Long như mang đến thông điệp cái Tết cổ truyền của dân tộc đang ở ngoài ngõ của mọi nhà.

"Sau khi nổi lửa lên rim gừng với đường trên chảo lớn, ngào mứt gừng là công đoạn tốn nhiều công sức bởi người thợ phải canh lửa, rồi đảo gừng liên tục để gừng không bị cháy. Gừng được rim với lửa nhỏ khoảng 30 phút sẽ cho ra mẻ mứt đạt yêu cầu. Mứt được cho ra chiếc sàng để khô một cách tự nhiên, rồi đóng gói thành phẩm. Công đoạn khó nhất để một mẻ mứt gừng đạt chuẩn nằm ở chỗ rim gừng liu riu trên lửa củi và phải đứng canh, đảo liên tục để nước đường vàng óng ánh thấm dần vị ngọt vào trong từng lát gừng. Khi ngào gừng xong, sản phẩm sẽ không bị cháy hay bị khét", bà Nguyễn Thị Kỳ chia sẻ bí quyết nấu mứt gừng của người Kim Long.

Là sản phẩm không thể thiếu của ngày Tết, mứt gừng xứ Kim Long mang nét đặc trưng với hương vị riêng, thơm ngon, cay cay, màu vàng tự nhiên của lát mứt gừng thể hiện nét tinh tế, khéo léo và cả kinh nghiệm được trao truyền qua các thế hệ.

"Ðối với người Huế, bánh mứt là thứ không thể thiếu trong ngày Tết, ngoài phục vụ cho việc cúng gia tiên, ông bà còn dùng để tiếp khách. Làng nghề làm mứt gừng Kim Long được hình thành để phục vụ cho nhu cầu thực tế này. Ngày nay, mứt gừng Kim Long đang bị lấn át bởi các loại mứt từ các tỉnh, thành khác bởi kiểu dáng, màu sắc và vật liệu. Song, đối với người dân xứ Huế, mứt gừng ở vùng Kim Long mang một phong vị riêng, phong vị cố đô", Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn - Hội Khoa học Lịch sử tỉnh Thừa Thiên Huế chia sẻ.



Bài, ảnh: Hoàng Dũng
Ý kiến của bạn