"Giữ lấy đức tin bền vững em ơi"...

10-05-2021 09:02 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Đợt bùng dịch lần thứ 4 đã đến sau hơn một năm rưỡi kiên cường phòng, chống dịch của Việt Nam. Không nằm ngoài quy luật, càng về sau các đợt dịch càng khó khăn, phức tạp hơn, thời gian khống chế lâu hơn, số ca nhiễm trong cộng đồng tăng nhanh hơn…

Mấy hôm nay, có 2 khung giờ trong ngày làm tâm trạng của tôi chùng xuống đó là 6h và 18h. Đó là khung giờ xuất bản “Bản tin của Bộ Y tế về tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam” khi mà số ca mắc trong cộng đồng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Anh chị em trong ban truyền thông phải căng mình làm việc ngoài giờ làm công tác thống kê sao cho nhanh nhất, chính xác nhất, trách nhiệm nhất để Ban Chỉ đạo nắm chắc tình hình từ đó có những mệnh lệnh kịp thời và hiệu quả…

Nhưng từ kinh nghiệm và thực tiễn chống dịch chúng ta có đầy đủ cơ sở để tin rằng vẫn có thể xử lý tốt mọi tình huống, giữ vững trận địa chống dịch dù còn nhiều khó khăn, gian khổ.

Lấy mẫu xét nghiệm cho người dân vùng tâm dịch (ảnh Nhân Dân).

Đợt dịch này đã khiến một số các bệnh viện bị phong tỏa, cách ly, đóng cửa, trong đó có cả những bệnh viện đóng vai trò tuyến đầu chống dịch. Đây là thiệt hại vô cùng to lớn đối với tiềm lực y tế nước nhà trong công tác phòng ngừa và điều trị bệnh nhân COVID-19.

Nơi tuyến đầu chống dịch, các bác sĩ luôn hoạt động với tinh thần chiến đấu cao nhất.

Khi sự cố xảy ra, đâu đó đã có những dư luận chê trách ngành y, chê trách bác sĩ sao lại chủ quan để dịch lây lan trong bệnh viện. Trong thời gian qua nhiều trường hợp nhiễm COVID-19 không có triệu chứng, họ hoàn toàn có thể không may bị các bệnh khác... và có nhu cầu khám, chữa bệnh. Khâu sàng, lọc tại các bệnh viện dù có cố gắng đến mấy cũng không thể tuyệt đối loại trừ nguy cơ. Chúng ta hãy nhớ rằng, tỉ lệ lây nhiễm bất cứ bệnh nào (không riêng COVID-19) ở môi trường bệnh viện luôn là cao nhất, vì đây là môi trường tập trung bệnh nhân, tập trung nguồn bệnh trong toàn xã hội. Bệnh viện càng lớn thì nguy cơ tổn thương càng cao - đó là quy luật.

Ngành Y tế tất cả các cấp từ cơ sở tới trung ương trong thời gian chống dịch đã hoạt động với tinh thần chiến đấu cao nhất, chấp nhận phương án hy sinh lợi ích cá nhân, hy sinh sức khoẻ. Thậm chí khi cần thiết, tôi tin rằng họ sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để giữ vững thành quả chống dịch, bảo vệ sức khoẻ của nhân dân (điều này chúng ta đã chứng kiến trong đại dịch SARS).

Báo chí, mạng xã hội, dư luận thời gian qua đã có rất nhiều bài viết nhân văn, khách quan, cổ vũ tinh thần lực lượng chống dịch nói chung và ngành Y tế nói riêng, nhưng cũng xuất hiện nhiều tuyến bài, status mang tính phủ nhận công lao và đổ lỗi cho ngành y mỗi khi tình hình biến động. Xin đừng nhìn nhận vấn đề phiến diện như vậy. Nên nhớ rằng đa phần các số liệu, hình ảnh và thông tin anh chị có được để lên bài đều phải được đánh đổi bằng những đêm thức trắng của các y bác sĩ và lực lượng truyền thông y tế.

Dù thời tiết nóng bức, các bác sĩ vẫn phải đảm bảo mặc những bộ đồ bảo hộ kín mít ngoài trời.

Trong quá trình triển khai tiêm chủng ngừa COVID-19, lực lượng tuyến đầu của chúng ta được ưu tiên tiêm trước. Công tác bảo đảm an toàn tiêm chủng vắc-xin phòng COVID-19 luôn đặt lên hàng đầu; tuân thủ chặt chẽ từng khâu, từng bước tại tất cả các cơ sở tiêm chủng. Công tác thanh tra, kiểm tra được triển khai liên tục nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công tác tiêm chủng.

Hơn ai hết, các y bác sĩ hiểu rất rõ về nguy cơ phản ứng sau tiêm, thậm chí tỉ lệ nguy hiểm đến tính mạng là có, tuy vô cùng hiếm hoi. Nhưng không vì thế mà khiến chúng ta lùi bước, vì vắc-xin vẫn là một giải pháp cực kỳ cần thiết để phòng và chống dịch COVID-19.

Trước mắt, chúng ta là rất nhiều việc quan trọng phải làm, dù có trăm nghìn biến thể của virus đi chăng nữa, nhưng thay vì ngồi run sợ thì mỗi người dân chỉ cần thực hiện tốt 5K, thì cuộc chiến này chúng ta nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn.

Chính quyền đang triển khai tất cả các biện pháp với nhiệm vụ cao nhất là bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người dân, cho cộng đồng, vì lợi ích quốc gia, dân tộc và thực hiện mục tiêu kép: Vừa phòng, chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế -xã hội, đưa đất nước tiếp tục tiến về phía trước nhưng tuyệt đối không bỏ công dân mình ở lại phía sau.


ThS.Nguyễn Quốc Khánh
Ý kiến của bạn