Giữ ‘hồn cốt’, lan toả nghệ thuật Đờn ca tài tử

05-04-2022 14:14 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Nghệ thuật đờn ca tài tử đã được UNESCO ghi danh Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bảo tồn và phát triển đờn ca tài tử là điều nhiều người quan tâm trong thời gian qua.

Cao Thái Hà được "yêu trở lại" với phim hình sự "Bão ngầm"Cao Thái Hà được 'yêu trở lại' với phim hình sự 'Bão ngầm'

SKĐS- Diễn viên Cao Thái Hà là nữ chính trong phim hình sự ‘Bão ngầm’ đang gây sốt với khán giả trong khung giờ vàng phim Việt.

Dấu hiệu mai một của Đờn ca tài tử

Đờn ca tài tử phát triển chủ yếu tại các tỉnh Nam Bộ ở nước ta. Thời gian qua, loại hình di sản này đang có dấu hiệu biến tướng và mai một bởi tác động của các loại hình văn hóa nghệ thuật thời đại mới.

Giữ ‘hồn cốt’, lan tỏa nghệ thuật Đờn ca tài tử - Ảnh 2.

Các nghệ nhân trẻ biểu diễn đờn ca tài tử trong hoạt động du lịch ở các tỉnh Nam Bộ.

Không ít các câu lạc bộ Đờn ca tài tử hoạt động cầm chừng do thiếu kinh phí, phương tiện hoạt động. Các nghệ nhân đờn ca tài tử thường không ca hết câu trong một bài mà chỉ ca 1 hoặc 2 lớp, điều này đã làm cho tính chất "tài tử" dần mất đi, mai một theo năm tháng. Việc sinh hoạt đờn ca ở hầu hết các câu lạc bộ hiện nay chủ yếu dựa vào nền tảng các trích đoạn cải lương hoặc một số bài bản nhỏ, bài vọng cổ. Các bài bản tổ thường không được thực hành một cách trọn vẹn.

Các loại hình nghệ thuật khác như các dòng nhạc mới, băng đĩa các loại, truyền hình kỹ thuật số, Internet... phát triển hấp dẫn hơn đã cạnh tranh, lấn át phong trào đờn ca tài tử. Cũng chính vì điều này, đờn ca tài tử dần bị "thương mại hóa", trở thành một sản phẩm phục vụ ở các nhà hàng, quán ăn, đám tiệc làm mất đi sự độc đáo, đặc sắc vốn có của Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại đã được UNESCO vinh danh.

Giữ ‘hồn cốt’, lan tỏa nghệ thuật Đờn ca tài tử - Ảnh 3.

Bảo tồn, phát huy giá trị di sản Đờn ca tài tử thời gian qua là bài toán khó bởi các loại hình nghệ thuật thời đại mới cạnh tranh, lấn át.

Trước thực trạng này, thông tin Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) cho biết tổ chức Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tửKhông gian Đờn ca tài tử từ ngày 6 – 11/4 tại thành phố Cần Thơ khiến giới mộ điệu mừng như mở hội. Sự kiện này nhằm tôn vinh và quảng bá loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc Việt Nam nói chung và người dân Nam Bộ nói riêng.

Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tửKhông gian Đờn ca tài tử được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, đáp ứng nhu cầu sáng tạo nghệ thuật, thưởng thức văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

Giữ ‘hồn cốt’, lan tỏa nghệ thuật Đờn ca tài tử - Ảnh 4.

Một lớp học truyền nghề Đờn ca tài tử tại TP.HCM.

Ban tổ chức cho biết, Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tửKhông gian Đờn ca tài tử với nội dung hoạt động phong phú, đa dạng từ các tỉnh Nam Bộ có loại hình di sản độc đáo này như An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, TP. Hồ Chí Minh, Kiên Giang, Long An, Ninh Thuận, Sóc Trăng, Tây Ninh, Tiền Giang, Trà Vinh và Vĩnh Long.

Lan toả, giữ ‘chất’ đờn ca tài tử thế nào?

Đối với Hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử, Ban tổ chức quy định phần đờn có 1 tiết mục hòa đờn. Phần ca là 4 tiết mục, được dàn dựng có đơn ca, song ca, ca ra bộ và ca vọng cổ (nhịp 8 hoặc nhịp 16). Các đoàn tùy chọn, nhưng bắt buộc trong 20 bài bản tổ và Vọng cổ nhịp 8 hoặc Vọng cổ nhịp 16, bài ca phải là bài văn có nội dung đúng theo chủ đề, được soạn theo khúc thức bài bản tổ nhạc Tài tử (khúc thức là những lớp nhạc, đoạn nhạc được trích trong: 3 Nam, 6 Bắc, 7 Lễ, 4 Oán).

Giữ ‘hồn cốt’, lan tỏa nghệ thuật Đờn ca tài tử - Ảnh 5.

Các nghệ nhân biểu diễn đờn ca tài tử tại một sự kiện của Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) .

Về bản Vọng cổ, các nghệ sĩ có thể chọn Vọng cổ nhịp tư (20 câu), hoặc Vọng cổ nhịp tám (12 câu), hoặc Vọng cổ nhịp mười sáu (6 câu). Khuyến khích các đoàn sử dụng Vọng cổ nhịp 8, hoặc nhịp 16. Mỗi đoàn dự Hội thi phải có ít nhất 4 loại nhạc cụ trong dàn nhạc (chọn trong các nhạc cụ: đờn kìm, đờn cò, đờn tranh, đờn bầu, đờn gáo, đờn tam, đờn tỳ bà, đờn đoản, tiêu, sáo, ghi ta, hạ uy đi), không được sử dụng ghita điện tử.

"Các bài ca phải là bài bản tài tử, không chọn bài ca trong trích đoạn sân khấu cải lương. Bài ca ra bộ thì lời ca phải thể hiện tính hành động. Mỗi tài tử ca không được ca 2 tiết mục trong chương trình", Ban tổ chức nhấn mạnh.

Trong khi đó, Không gian Đờn ca tài tử, các đoàn sẽ có một khoảng không gian khoảng 40m2, được thiết kế theo mô hình cách điệu và có mái che. Các đơn vị tự trang trí cho phù hợp với đặc điểm văn hóa của địa phương mình. Phần trưng bày thể hiện đúng với không gian văn hóa đặc trưng của địa phương mình sinh sống thông qua trang phục, giao tiếp và nghệ thuật trình diễn Đờn ca tài tử.

Kết thúc sự kiện, Ban Tổ chức sẽ tặng cờ lưu niệm, trao Huy chương Vàng, Huy chương Bạc cho các chương trình, tiết mục xuất sắc cùng  các đơn vị thi trình diễn và giao lưu Không gian Đờn ca tài tử; tặng giấy khen cho người cao tuổi và người trẻ tuổi nhất tham gia Hội thi.

Vô tư vi phạm bản quyền âm nhạc, Nam Em mong mọi người "giơ cao đánh khẽ"Vô tư vi phạm bản quyền âm nhạc, Nam Em mong mọi người 'giơ cao đánh khẽ'

SKĐS - Nhạc sĩ Kai Đinh, tác giả của nhiều ca khúc hit, vừa lên tiếng cho biết người đẹp Nam Em vi phạm bản quyền ca khúc anh viết cho ca sĩ Tóc Tiên.


Quỳnh Hoa
Ý kiến của bạn