Cùng tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến môi khô, nứt nẻ để giúp loại bỏ điều khó chịu này.
Điểm mặt những tác nhân
Cơ thể mất nước: là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây khô môi. Môi không có tuyến bã nhờn như các phần khác của da trên cơ thể nên rất dễ bị mất độ ẩm. Nếu thời tiết càng khô, xu hướng khô và nứt nẻ môi càng lớn. Không nên chờ đợi khi khát mới uống nước, vì khi bạn có cảm giác khát thì cơ thể đã mất nước, do đó, hãy uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày để đảm bảo môi của bạn luôn có đủ độ ẩm.
Tình trạng môi khô, nứt nẻ kéo dài có thể do nhiễm nấm, nhiễm khuẩn... cần đến gặp bác sĩ để được điều trị.
Liếm môi: Khi đôi môi của bạn cảm thấy khô và nứt nẻ, bạn muốn liếm chúng. Nhưng ngay sau khi liếm môi, lại cảm thấy khô môi, vì vậy bạn lại liếm môi và cứ thế. Điều này tạo ra một vòng luẩn quẩn mất nước ở môi, vì nước bọt bay hơi, độ ẩm giảm đi ở môi, khiến môi khô hơn so với trước. Chẳng bao lâu, có một lớp thượng bì của môi khô, thô ráp và teo tách dần ra khỏi lớp ẩm nằm dưới của môi. Cắn và nhai đôi môi của bạn tạo ra hiệu ứng tương tự, vì vậy nếu bạn thấy mình làm điều này thường xuyên, cố gắng từ bỏ thói quen xấu này.
Môi không được bảo vệ: Đừng quên bảo vệ đôi môi của bạn bằng cách áp dụng kem chống nắng. Hãy tìm một son dưỡng môi có kem chống nắng để bảo vệ môi, hoặc chỉ cần thoa nhẹ một chút kem chống nắng trên môi của bạn trước khi bạn ra khỏi nhà. Không chỉ trong thời tiết lạnh, khô hanh, vào mùa hè, môi cũng bị khô do tiếp xúc với ánh nắng; do đó cần phải bảo vệ môi thường xuyên.
Chất gây kích ứng: Một số loại kem đánh răng có chứa chất kích thích môi có thể gây khô môi. Thành phần này được gọi là sodium lauryl sulfate. Bên cạnh đó, gallit propyl hoặc phenyl salicylate được tìm thấy trong một số loại son môi có thể gây kích ứng và dị ứng môi. Trong những trường hợp này, kiểm tra các thành phần hoặc nhãn sản phẩm trước khi dùng.
Thở qua miệng: Khi thở bằng miệng, môi tiếp với không khí nhiều hơn, do đó môi sẽ khô dễ dàng. Một số rối loạn sức khỏe cơ thể có thể làm bạn thở bằng miệng như ngưng thở khi ngủ, viêm xoang và cảm lạnh. Việc này không những làm môi khô mà còn khiến đường hô hấp càng tệ hại hơn.
Có những nguyên nhân khác gây khô môi, nhưng đôi khi bạn dễ chủ quan không chú ý đến, bao gồm: thiếu hụt vitamin B12; thiếu niacin gây ra những vết nứt ở hai bên khóe miệng; nhiễm nấm; dung nạp nhiều vitamin A; bệnh đái tháo đường; bệnh Kawasaki; hội chứng Sjogren: bệnh tự miễn dịch biểu hiện với các triệu chứng khác nhau, bao gồm môi khô; các bệnh lây truyền qua đường tình dục...
Lời khuyên của thầy thuốc
Có thể sử dụng máy làm ẩm vào ban đêm để giữ độ ẩm từ 30-50% trong phòng ngủ để tăng độ ẩm không khí và do đó ngăn ngừa khô môi.
Dưỡng môi với dầu dừa giúp đôi môi mềm mượt.
Sử dụng kem dưỡng môi giúp tạo ra một lớp giữ ẩm. Những loại kem dưỡng môi có chứa các thành phần như bơ, vitamin E và dầu dừa đặc biệt có hiệu quả. Chọn son môi thích hợp. Nếu bạn cần phải ở ngoài trời, chọn loại có kem chống nắng; nếu bạn có vấn đề nứt môi trong một thời gian dài, hãy dùng một loại chứa bơ, ca cao hoặc các chất dinh dưỡng khác.
Cần tránh những thức ăn có chất axit hoặc các chất kích thích khác. Một số thực phẩm khó chịu khác bao gồm ớt, xoài và nước sốt nên được loại bỏ khỏi chế độ ăn uống của bạn, nếu bạn dễ bị khô môi.
Hãy đến bác sĩ chuyên khoa da liễu nếu tình trạng môi khô vẫn tồn tại lâu và không thuyên giảm với các can thiệp thông thường. Có thể đó là dấu hiệu nhiễm khuẩn, nhiễm nấm hoặc một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn nghiêm trọng hơn và cần phát hiện sớm.