Không phải địa phương nào cũng linh động trong việc hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của cô đỡ thôn bản (CĐTB). Và thực tế, sự hỗ trợ đó vẫn thấp. Do vậy đã có nhiều trường hợp cô đỡ đã nghỉ việc, chuyển sang công việc khác...
Bỏ việc, ai giúp dân?
Từ đề án của Bệnh viện Từ Dũ, hàng tháng, các CĐTB được hỗ trợ 50.000 đồng/người/tháng. Đây là một sự hỗ trợ quá ít so với công sức đội ngũ này bỏ ra. Bên cạnh đó, trong những khóa học đầu, các CĐTB còn được hỗ trợ phương tiện đi lại, sau này sự hỗ trợ này không còn.
Cô đỡ thôn bản giúp xóa trắng cán bộ y tế tại vùng sâu. Ảnh: Minh Lan |
Đây là vấn đề chung cho các CĐTB ở tất cả địa phương và để duy trì được lực lượng này, một số tỉnh như Đăk Nông, Ninh Thuận… đã chủ động, linh hoạt trong việc tìm kiếm nguồn kinh phí để hỗ trợ thêm cho CĐTB. Hiện tại, tỉnh Đăk Nông có 112 CĐTB đã được đào tạo, nhưng chỉ có 105 CĐTB còn hoạt động. 7 CĐTB đã chuyển sang làm những công việc khác và con số này sẽ có nguy cơ tăng lên. Do vậy, Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đăk Nông đã đề xuất với tỉnh tạo điều kiện cho các CĐTB được hưởng chế độ phụ cấp như nhân viên y tế thôn bản. Ngoài ra, cho phép các CĐTB làm cộng tác viên dinh dưỡng, phòng chống sốt rét. Thu nhập từ các chương trình cũng được 300.000 đồng/tháng...
Khó đủ bề...
Nhận thấy vai trò của CĐTB đối với đồng bào dân tộc thiểu số, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, Bộ Y tế đã đưa ra chỉ tiêu tăng tỷ lệ thôn bản vùng đặc biệt khó khăn có CĐTB qua đào tạo từ 10% lên 20% vào năm 2015. Cùng với đó, Vụ cũng đề xuất với Bộ Y tế đưa ra những chính sách hợp lý để phát triển nguồn nhân lực này. Theo nhiều chuyên gia, để CĐTB thực hiện công việc ổn định và không bỏ nghề thì phải công nhận các em như một nhân viên y tế và có một mức lương tối thiểu. Bởi công việc của nhân viên y tế thôn ít liên quan tính mạng và cần nhiều trách nhiệm so với CĐTB. Công việc của CĐTB không chỉ là khám thai, đỡ đẻ, mà khi khám thai phải xác định được tình trạng thai như thế nào, có được đỡ đẻ hay không hay phải chuyển lên tuyến trên? Trong quá trình đỡ đẻ phải xem trẻ như thế nào? Đồng thời phải thường xuyên theo dõi, chăm sóc hậu sản cho người mẹ. Do vậy, cần có chính sách để duy trì đội ngũ như một nhân viên y tế.
Theo bà Nguyễn Thị Lan, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Đăk Nông, muốn nâng cao trình độ chuyên môn của CĐTB phải nâng cao trình độ học vấn. Nhưng hầu hết các CĐTB chỉ học đến lớp 9 là cao. Do vậy, nhiều khi tỉnh có chương trình tập huấn cho nhân viên y tế nói chung nhưng các cô đỡ không đủ điều kiện nên không thể gọi đi học được.
Lan Phương