Giọt nước mắt mang tên nỗi đau
Đó là giọt nước mắt của một ông bố có con mới 20 tuổi bị tai nạn giao thông - chấn thương sọ não. Sau khi nghe bác sĩ giải thích tình trạng nặng không thể qua khỏi, người mẹ và người chị ngã quỵ ngay xuống sàn khóc nức nở. Ông bố bước tới gần chiếc cáng, cầm tay người con trai một lúc rồi nhẹ giọng nói: “Con ơi, đứng dậy về với bố đi con”. Rồi ông quay mặt sang một bên, khóc không thành tiếng.
Ấy là giọt nước mắt đầy hối hận của một cô gái trẻ khi hay tin mình đã vĩnh viễn mất khả năng làm mẹ. Bỏ học quá sớm, đua đòi theo bạn bè ăn chơi, đã không biết bao lần cô vào viện để hủy đi những sinh linh vô tội. Giọt nước mắt đầy cay đắng nhưng tất cả đã quá muộn màng.
Là giọt nước mắt của một người đàn ông 35 tuổi. Anh bật khóc khi nghe bác sĩ nói: “Bệnh của anh phải tìm được một việc làm”. Anh biết chứ, đã 5 năm kể từ khi được chẩn đoán mắc bệnh lo âu trầm cảm, anh biết là bệnh này phải làm việc, tập luyện và không nên để mình có thời gian ngồi không mà suy nghĩ linh tinh. Nhưng những người khỏe mạnh, có bằng cấp mà vẫn thất nghiệp thì người như anh rất khó xin việc. Và đây liệu có phải lỗi của anh, khi anh không xin được việc?
Đó là giọt nước mắt đầy bất lực của một cô bác sĩ khi chứng kiến người bệnh mà cô vừa cố gắng cứu thoát khỏi bàn tay tử thần lại một lần nữa vuột mất trong tay cô. Và tử thần mới ở đây không ai khác là sự thiếu hiểu biết của chính người nhà bệnh nhân. Người nhà nói với cô là bệnh viện này quá nhỏ, họ đòi chuyển bệnh nhân lên tuyến trên mặc dù người bệnh đang trong tình trạng rất nặng cần được cấp cứu tại chỗ. Sẽ là rất nguy hiểm cho tính mạng người bệnh nếu di chuyển. Họ đe dọa sẽ đập tan cái bệnh viện này nếu không chuyển theo ý họ. Cô nhìn theo xe ôtô chở người bệnh lên tuyến trên mà xót xa, vì cô biết chắc, chuyển bệnh nhân bây giờ là đồng nghĩa với cái chết.
Và những giọt nước mắt hạnh phúc
Đó là giọt nước mắt vỡ òa của một người phụ nữ trung niên khi cô nhận được kết luận: “Không phải ung thư”. Đã một tuần qua cô đã khóc rất nhiều, thương cho hai đứa con còn nhỏ quá, thương chồng vất vả, lo sợ vì khoản tiền quá lớn khi phải phẫu thuật. Cô nói: “Sau lần này, em thấy như mình được sinh ra lần thứ hai. Em sẽ cố gắng trân trọng và giữ gìn sức khỏe. Cảm ơn bác sĩ”.
Đó là giọt nước mắt đầy hạnh phúc của một sản phụ sau ca sinh khó - song thai. Nước mắt của chị lặng lẽ tuôn dài trên gương mặt hòa theo tiếng khóc oe oe của hai cháu bé. Vầng trán đẫm mồ hôi của chị giãn ra, gương mặt chị bừng sáng, giọng chị run run khi cô nữ hộ sinh hỏi: “Chị dự định đặt tên hai bé là gì?” - “Y Nhân - Y Đức”, chị nói.
Trong ngành y, có thể dễ dàng chứng kiến hoặc trải nghiệm những giọt nước mắt ấy. Đầy đủ các cung bậc sắc thái tình cảm được thể hiện chỉ bằng một giọt nước mắt. Nó nhỏ bé, nhưng sức mạnh truyền tải ý nghĩa của nó chẳng kém ngôn ngữ hay chữ viết. Trước những giọt nước mắt ấy, ngành y đang cố gắng không ngừng, tăng cường chất lượng khám, chữa bệnh để giảm đi phần nào những giọt nước mắt mang tên nỗi đau. Có thể còn đâu đó những sai sót, những tai biến không đáng có nhưng trên tất cả, chúng tôi vẫn biết ơn những người thầy thuốc đang ngày đêm chăm sóc sức khỏe cho hơn 90 triệu người dân Việt Nam. Xin gửi đến các anh, các chị lời tri ân vì những vất vả, cống hiến mà các anh chị đang ngày đêm tận tụy.
Nguyễn Khắc Dũng