Giọng hát Việt nhí và Đồ Rê Mí là hai trong số những chương trình truyền hình thực tế dành cho thiếu nhi đang thu hút sự quan tâm của cả khán giả nhí lẫn các bậc phụ huynh. Trong đó, Giọng hát Việt nhí được đánh giá là bản sao hoàn hảo của Giọng hát Việt phiên bản người lớn. Không chỉ bởi format tương tự nhau, các màn trình diễn cũng khó lòng phân biệt đâu là "nhí", đâu là "trưởng thành".
Ngay từ đầu vòng Giấu mặt, những màn biểu diễn gây sốt trong chương trình đều là những ca khúc người lớn với các bài tiếng Anh như Tomorrow của Kiều Vy, I will always love you của Thu Hà, Mama của Hồng Khanh... Các ca khúc tiếng Việt cũng khiến khán giả ngạc nhiên không kém với Mưa hồng, Biển nhớ, Thu cạn... Phương Mỹ Chi, hiện tượng của The Voice nhí cũng nổi tiếng nhờ ca khúc dân ca buồn Quê em mùa nước lũ.
Phương Mỹ Chi gây sốt với những ca khúc dân ca Nam Bộ như 'Quê em mùa nước lũ', 'Bài ca Đất Phương Nam'. |
Sang vòng Đối đầu, tình hình không khá hơn là mấy khi có tập, ba trong số năm ca khúc là nhạc nước ngoài. Nhạc Việt do các huấn luyện chọn cũng toàn những bài vừa khó hát, vừa khó cảm như Thành thị, Tạm biệt chim én, Gánh hàng rau... Khán giả bắt đầu cảm thấy mệt vì phải xem các thí sinh "gồng mình" làm người lớn trong những ca khúc mà có thể các em còn chưa hiểu hết ý nghĩa.
Tập một vòng liveshow thật sự là "giọt nước tràn ly" khi ngay tiết mục mở màn, Cao Khánh đã chọn một ca khúc quá sức về mọi mặt như Vết chân tròn trên cát. Em cố thể hiện sự chững chạc của một anh bộ đội nhưng chưa tới. Ngay cả những "giọng ca vàng" như Ngọc Duy, Quang Anh cũng mang lại những cảm nhận trái chiều trong hai ca khúc thuần Việt Chiếc khăn piêu và Giấc mơ trưa. Sau những phản hồi gay gắt của khán giả, sang tập hai, chương trình đã cố xoáy vào yếu tố gia đình, tình cha con, mẹ con để giảm bớt không khí nặng nề của những ca khúc "vĩ đại".
Ca khúc 'Vết chân tròn trên cát' như một chiếc áo quá rộng so với Cao Khánh. |
Không phủ nhận các em đã cố thể hiện cho tốt những ca khúc người lớn, thậm chí tốt đến mức có thể sánh với các ca sĩ chuyên nghiệp. Nhưng khán giả vẫn khó hiểu khi hầu như không có một ca khúc thiếu nhi nào "len lỏi" được vào chương trình từ tập một đến giờ.
Khán giả Mộc Lan đặt ra câu hỏi: "Chẳng lẽ thị trường nhạc thiếu nhi không thể đáp ứng được yêu cầu của Giọng hát Việt nhí". Một độc giả khác bình luận trên VnExpress: "Tôi thường cho các con xem chương trình này, nhưng chúng toàn than nghe mấy bài này chẳng hiểu gì cả. Không biết huấn luyện viên chọn bài kiểu gì mà đến tôi nghe còn thấy 'khó nuốt' huống chi là các cháu. Sao không cho các thí sinh nhí được sống đúng độ tuổi của mình?".
Trao đổi những thắc mắc này với nhạc sĩ Phương Uyên, giám đốc âm nhạc của The Voice Kids thẳng thắn: "Tôi thấy chúng ta đang quá rạch ròi giữa khái niệm nhạc thiếu nhi và người lớn. Thực tế, âm nhạc là không giới hạn độ tuổi, ngôn ngữ. Miễn sao hợp với chất giọng người hát là được". Đồng quan điểm với Phương Uyên, ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi từng chia sẻ, thí sinh nhí thích hát tiếng Anh hơn tiếng Việt: "Đây cũng là điều dễ hiểu vì các em ngày càng giỏi tiếng Anh, mà những ca khúc tiếng Anh lại có ca từ quá đẹp và trong sáng".
Giám đốc âm nhạc Phương Uyên cũng khẳng định, không có chuyện người lớn áp đặt tư duy của mình vào thí sinh nhí như nhiều người nghĩ. "Ở vòng Đối đầu, việc cân đối bài hát hợp với cả ba em một lúc là rất khó, chưa kể phải chọn bài có thể phối, bè được. Mọi người cứ nghĩ chúng tôi bắt các em hát toàn bài người lớn, nhưng thật ra đó là lựa chọn của các em. Khi các em nhờ tôi tư vấn, tôi mới đưa ra một loạt bài phù hợp với giọng từng em. Ví dụ như Cao Khánh, nhà em có truyền thống cách mạng, nên em muốn hát bài Vết chân tròn trên cát. Trẻ con bây giờ lớn nhanh hơn chúng ta tưởng", chị nói.
Vợ chồng Lưu Hương Giang trong một cảnh quay cho MV Giữ lấy niềm tin do Hồ Hoài Anh sáng tác. |
Tiêu chí của Giọng hát Việt nhí là hướng đến sự chuyên nghiệp, vì thế, theo ban tổ chức, không ai đồng ý hát những bài đứa trẻ nào cũng thuộc như Hổng dám đâu, Con chim non, Cả nhà thương nhau... Những bài này để hát trên lớp, cho bố mẹ nghe thì được, nhưng để đem đi thi thố, chúng không thể phô diễn được kỹ thuật và chạm tới trái tim khán giả như Quê em mùa nước lũ, Cây vĩ cầm...
Thí sinh Phương Mỹ Chi chia sẻ: "Nhiều người cũng hỏi sao con cứ hát những bài dân ca người lớn nghe buồn quá vậy. Con cũng không biết giải thích sao, chỉ thấy thích thể loại này từ nhỏ đến giờ nên hát thôi. Mà con thấy con hát những bài này lại hay hơn nhạc thiếu nhi nữa".
Riêng những bức xúc về ca khúc khó, Phương Uyên có quan điểm khác với khán giả. Theo cô, chính khán giả mới là người áp đặt cảm xúc của mình vào các em. "Mỗi người có một cách thể hiện khác nhau. Những người từng trải qua cuộc chiến sẽ hát với cảm xúc của người trong cuộc. Các em chỉ biết đến 'vết chân tròn trên cát' qua lời kể của bố mẹ. Có thể nó không hay, không sâu sắc nhưng đó là cảm nhận cũng những người sinh ra trong thời bình". Nhạc sĩ Phương Uyên đề nghị người lớn hãy tôn trọng cảm xúc và góc nhìn của con trẻ, nếu muốn "có thế hệ sau thể hiện những ca khúc lớn này".
Thực tế, ngay khi khởi động cuộc thi, ban tổ chức cũng đồng thời mở cuộc vận động sáng tác nhạc thiếu nhi để các bé sử dụng. Nhưng giải pháp này hầu như không khả thi. Các nhà sản xuất âm nhạc, nhạc sĩ trẻ có khả năng thì thích sáng tác nhạc giải trí, tình yêu, chia ly... để chạy theo thời thế và nhu cầu người đặt hàng. Dòng nhạc thiếu nhi tưởng chừng dễ nghe lại rất khó sáng tác. Đến nay, ca khúc mới duy nhất mà khán giả biết đến là Giữ lấy niềm tin do Hồ Hoài Anh sáng tác riêng cho đội mình. Giải pháp tình thế của Thanh Bùi là sửa lời ca khúc Sóng tình thành Sóng tình bạn và cũng được đón nhận nhiệt tình.
Thực tế xảy ra với Giọng hát Việt nhí dường như là ví dụ cho thấy sự khan hiếm ca khúc thiếu nhi mới trong làng nhạc Việt hiện tại.
Theo VnExpress