Giọng hát Việt nhí 2016 khép lại bằng một đêm diễn sôi động và đầy màu sắc hôm 29/10 vừa qua tại Nhà thi đấu Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh. Bé Nhật Minh (Đội huấn luyện viên Đông Nhi và Ông Cao Thắng) giành ngôi vị quán quân một cách thuyết phục. Sau khi cuộc thi khép lại, rất nhiều người đặt câu hỏi, những tài năng nhí như Nhật Minh, Mai Anh, Thụy Bình... sẽ về đâu sau vinh quang? Liệu những tài năng đó có tiếp tục được ươm mầm, nuôi dưỡng và tỏa sáng trong tương lai?
Giọng hát Việt nhí 2016 thành công trên nhiều phương diện
Theo đánh giá chung của nhiều khán giả, Giọng hát Việt nhí 2016 đã có một mùa giải thành công trên nhiều phương diện. Mặc dù lên sóng cùng thời điểm với Thần tượng âm nhạc nhí mùa đầu tiên nhưng Giọng hát Việt nhí vẫn có màu sắc riêng, không hề bị “lép vế”. Một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu tạo nên thành công cho cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc chính là tài năng và Giọng hát Việt nhí năm nay “may mắn” có được nhiều thí sinh tài năng. Ngay từ khi xuất hiện ở vòng Giấu mặt, Nhật Minh đã được dự đoán là nhân tố “làm nên chuyện” của mùa giải năm nay. Với tổng bình chọn 36,09%, Nhật Minh giành ngôi vị cao nhất một cách thuyết phục.
Nhật Minh giành ngôi vị cao nhất chương trình Giọng hát Việt nhí 2016 một cách thuyết phục.
Nếu Nhật Minh có chất giọng tốt, sự đa dạng, tinh tế, chuyên nghiệp trong biểu diễn, đặc biệt là khả năng thiên bẩm biểu diễn nghệ thuật chèo rất có duyên thì Mai Anh (Đội huấn luyện viên Noo Phước Thịnh) lại có sở trường đặc biệt với những ca khúc truyền thống cách mạng, Thụy Bình (Đội huấn luyện viên Vũ Cát Tường) ngọt ngào, da diết với những ca khúc mang âm hưởng dân ca Nam Bộ, Milana (Đội huấn luyện viên Vũ Cát Tường) với chất giọng khỏe và khả năng hát ca khúc nước ngoài. Những thí sinh tài năng của mùa giải năm nay chính là “nền tảng” vững chắc để Giọng hát Việt nhí có một mùa giải thành công như vậy.
Giọng hát Việt nhí 2016 mang một tinh thần tươi mới, trẻ trung hơn so với những mùa giải trước. Đây là điều hết sức cần thiết cho một chương trình dành cho thiếu nhi. “Thay máu” giám khảo trẻ chính là hướng đi đúng đắn để sân chơi dành cho thiếu nhi trở nên sôi động, gần gũi với trẻ em hơn. Noo Phước Thịnh, Đông Nhi, Ông Cao Thắng, Vũ Cát Tường - những ngôi sao giải trí hot hàng đầu showbiz Việt hiện nay đã hoàn thành xuất sắc vai trò của những người “cầm cân, nảy mực”. Khán giả có thể cảm nhận được sự nỗ lực, tâm huyết, tình yêu thương của các huấn luyện viên trẻ dành cho học trò của mình.Trước đó, khi danh sách các huấn luyện viên của cuộc thi được công bố, không ít người lên tiếng hoài nghi rằng, không biết những người trẻ sẽ làm gì để đào tạo các thí sinh trong team của mình. Thực tế cho thấy, với những cuộc thi “nhí” thì việc lựa chọn huấn luyện trẻ là rất phù hợp và họ hoàn toàn có thể hoàn thành tốt, thậm chí là xuất sắc vai trò của mình khi ngồi trên ghế nóng.
Một điểm rất đáng ghi nhận của Giọng hát Việt nhí 2016 là việc sử dụng ca khúc tiếng Anh, ca khúc người lớn được hạn chế rõ rệt. Ở những mùa giải trước, truyền thông đã rất nhiều lần phải lên tiếng về việc trẻ em bị “chín ép”, buộc phải hát những ca khúc người lớn để thể hiện, “phô trương” kỹ thuật thanh nhạc. Ở mùa giải năm nay, mặc dù vẫn còn có những tiết mục bị đánh giá là “người lớn hóa” nhưng chiếm tỷ lệ không nhiều như những mùa giải trước.
Tìm kiếm tài năng đã khó, nuôi dưỡng tài năng càng khó hơn
Bước ra từ những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc, với sự hậu thuẫn mạnh mẽ của truyền thông, những quán quân, á quân đứng trước cơ hội rất lớn để bước vào showbiz. Các em có thể thành “sao”, hoạt động nghệ thuật như những người nghệ sĩ khác. Tuy nhiên, ánh hào quang nhưng cũng đầy cám dỗ của showbiz có thể làm thui chột những tài năng âm nhạc đích thực. Thành công trong một cuộc thi tìm kiếm tài năng mới chỉ là điểm khởi đầu cho cuộc hành trình dài trên con đường nghệ thuật ở phía trước chứ không phải là đích đến cuối cùng. Khởi đầu tốt đẹp không đồng nghĩa với một cuộc hành trình suôn sẻ nếu người “tài xế” không có tay nghề, bản lĩnh, kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Nghệ thuật cần nhiều yếu tố hơn là một tài năng thiên bẩm và những yếu tố đó phải được đào tạo, rèn giũa, tích lũy một cách nghiêm túc qua thời gian.
Trở lại câu chuyện của Quán quân Nhật Minh. Trước khi đến với sân chơi Giọng hát Việt nhí, Nhật Minh đã từng giành Quán quân chương trình Đồ Rê Mí và Á quân cuộc thi tìm kiếm tài năng nhí Young hit Young beat. Tôi đã không ít lần gặp cậu bé này biểu diễn trong những chương trình nghệ thuật ở Thủ đô. Khác với hình ảnh một cậu bé dễ thương, đáng yêu của Đồ Rê Mí, Nhật Minh lớn hơn, trưởng thành hơn, ăn mặc “ngầu” hơn và hát nhiều thể loại nhạc, trong đó có cả ca khúc “không dành cho trẻ con”. Có lần, cậu bé này còn hát Ba kể con nghe vốn là lời tự sự của một người cha với con về tình yêu âm nhạc và Ban mai tình yêu là ca khúc dành cho đôi lứa.
Ngoài Nhật Minh, Phương Mỹ Chi (Á quân Giọng hát Việt nhí mùa đầu tiên), Hồ Văn Cường (Quán quân Thần tượng âm nhạc nhí 2016), cùng nhiều thí sinh nhí khác cũng tất bật chạy show, đi dự sự kiện, hát những ca khúc người lớn không phù hợp với lứa tuổi sau khi bước ra từ những cuộc thi tìm kiếm tài năng âm nhạc. Tuy nhiên, cũng có những tài năng nhí “mất hút” khỏi showbiz một cách đáng tiếc.
Tìm kiếm tài năng đã khó, nuôi dưỡng, tạo điều kiện để tài năng tỏa sáng lại càng khó hơn. Tìm kiếm và nuôi dưỡng tài năng phải là một “quá trình” liên tục bởi nói đến nghệ thuật là nói đến lĩnh vực của tài năng và tài năng là cái “tinh” chứ không phải cái mang tính đại trà, phổ biến. Có lẽ, ai cũng hiểu điều này nhưng để hiện thực hóa lại là câu chuyện dài ở phía trước. Sẽ rất đáng tiếc nếu chúng ta phát hiện được tài năng nhưng những tài năng đó không có điều kiện để tỏa sáng hoặc chệch hướng trên con đường phát triển. Và tất nhiên, nuôi dưỡng tài năng không phải là nhiệm vụ của những nhà sản xuất chương trình truyền hình thực tế...