Tính đến ngày 25/5, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thế giới đã ghi nhận trên 250 ca mắc bệnh đậu mùa khỉ tại 16 nước.
Chủng ngừa bệnh đậu mùa thường quy đã xảy ra ở hầu hết các quốc gia trước năm 1980 khi Đại hội đồng Y tế Thế giới tuyên bố căn bệnh này đã được loại trừ. Bởi vì vaccine cũng bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ nên có thể kiểm soát căn bệnh này, đặc biệt là ở các khu vực miền trung và tây Phi - nơi virus đậu mùa khỉ lưu hành.
Trong những thập kỷ kể từ khi việc tiêm phòng đậu mùa kết thúc, tỷ lệ người được bảo vệ chống lại bệnh đậu mùa ở khỉ đã giảm đáng kể, cho phép virus lây lan dễ dàng hơn từ động vật sang người và từ người sang người, làm tăng nguy cơ bùng phát dịch lớn.
Tiến sĩ Romulus Breban, một nhà nghiên cứu tại Viện Pasteur Paris, cho biết: "Sự bùng phát này thực sự đang được chờ đợi xảy ra". Mô hình toán học của Breban và nhóm của ông vào năm 2020 cho thấy rằng ở Cộng hòa Dân chủ Congo, ví dụ, khả năng miễn dịch đối với bệnh đậu mùa ở khỉ giảm từ 85% vào đầu những năm 1980 xuống còn 60% vào năm 2012. Với khả năng miễn dịch suy giảm, bệnh đậu mùa ở khỉ "ngày càng gia tăng mối đe dọa cho an ninh y tế " – tiến sĩ Breban cho biết.. Năm 2020, DRC có hơn 4.000 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh và ít nhất 171 trường hợp tử vong.
"Mức độ miễn dịch ở đây gần như bằng không. Những người từ 50 tuổi trở lên có khả năng được miễn dịch nhưng những người còn lại thì không, vì vậy nhiều người rất dễ mắc bệnh" – tiến sĩ Breban nói.
Ông Breban nhận định rằng đợt bùng phát có thể được kiềm chế và cho biết đây là cơ hội để đề xuất các chiến dịch tiêm chủng ở các quốc gia có virus lưu hành.
Sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh đã đặt ra câu hỏi về việc liệu virus đậu mùa khỉ có phát triển thành một dạng dễ lây truyền hơn hay không. Cho đến nay các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy bằng chứng cho trường hợp này, nhưng các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu DNA để xem liệu các đột biến trong virus có thể đã thay đổi hành vi của nó hay không.
Các nghiên cứu di truyền cho đến nay cho thấy virus này phù hợp với các chủng đã xuất hiện ở Anh, Singapore và Israel vào năm 2018 và 2019.
Giáo sư David Heymann thuộc Chương trình sức khỏe toàn cầu của Chatham House, cho biết đợt bùng phát này có vẻ như là một sự kiện may rủi, với việc virus được khuếch đại khi nó xâm nhập vào một cộng đồng những người đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới.
Graham Medley, một giáo sư về mô hình bệnh truyền nhiễm tại Trường Vệ sinh & Y học Nhiệt đới London (Anh), cho biết không có khả năng xảy ra "sự gia tăng bùng nổ" của các bệnh nhiễm trùng trong cộng đồng giống như đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, đợt bùng phát này có thể tiếp tục trong vài tháng khi việc truy tìm nguồn bệnh bị chậm trong khi virus vẫn không ngừng lây lan.
Các nhà nghiên cứu của Viện Spallanzani vừa cho biết đã hoàn thành giai đoạn đầu tiên của quá trình phân tích trình tự ADN của virus đậu mùa khỉ với 3 trường hợp đầu tiên tại Italy. Theo kết quả xét nghiệm, các mẫu dương tính được tiến hành giải trình tự gene Hemagglutinin (HA) đều xác định giống với chủng Tây Phi và 100% giống các virus được phân lập tại Bồ Đào Nha và Đức. Viện Spallanzani bày tỏ quan ngại nguy cơ dịch bệnh có thể bùng phát ở toàn châu Âu.
Virus gây bệnh đậu mùa khỉ có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt
Giới chuyên gia cho biết bệnh đậu mùa khỉ được xác định là một bệnh liên quan đến các loài động vật hoang dã, lây nhiễm ngẫu nhiên trên người, thường xuất hiện ở các khu vực rừng Trung và Tây Phi. Đậu mùa khỉ là virus hiếm gặp, thường lây nhiễm sau khi con người tiếp xúc với loài khỉ. Tỷ lệ tử vong của bệnh là khoảng 10%. Virus có thể xâm nhập qua vết thương ngoài da, đường hô hấp, mắt, mũi hoặc miệng, lây qua giọt bắn hô hấp hoặc dịch thể. Triệu chứng bệnh xuất hiện trong vòng 5 đến 21 ngày kể từ khi nhiễm virus, bao gồm sốt, nhức đầu, đau cơ, sưng hạch bạch huyết, ớn lạnh và mệt mỏi. Bệnh đậu mùa khỉ thường nhẹ, hầu hết bệnh nhân sẽ hồi phục trong vòng vài tuần mà không cần điều trị, song vẫn có thể gây tử vong. Theo WHO, hiện chưa có thuốc chữa và vaccine chuyên biệt ngăn ngừa bệnh này.
Các nhà nghiên cứu ở Anh nói rằng một loại thuốc kháng virus đậu mùa khỉ có thể giúp giảm thiểu bệnh tật do virus gây ra. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Bệnh truyền nhiễm Lancet, 4/7 bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Anh từ năm 2018 đến năm 2021 đã được sử dụng brincidofovir hoặc tecovirimat, loại thuốc được phát triển để điều trị bệnh đậu mùa. Kết quả từ 3 bệnh nhân được cho dùng brincidofovir cho thấy thuốc này mang lại ít lợi ích lâm sàng và không làm giảm thời gian bệnh. Tuy nhiên, một bệnh nhân được điều trị bằng tecovirimat có thời gian nằm viện ngắn hơn và dường như đã loại bỏ virus, được phát hiện bằng các xét nghiệm PCR, trong một thời gian ngắn hơn.
Tiến sĩ Hugh Adler, đồng tác giả của nghiên cứu tại bệnh viện đại học Liverpool (Anh) cho biết: "Cũng như với COVID-19, chúng tôi cho rằng có thể có những biến chứng khi dịch đậu mùa khỉ tiếp tục bùng phát. Hiện tại, các chuỗi lây truyền chủ yếu là ở nam giới trẻ tuổi có hoạt động tình dục đồng giới, nhưng cũng có những điều kiện đủ sự tiếp xúc để bệnh đậu mùa khỉ lây lan. Đợt bùng phát càng kéo dài và tỷ lệ virus lưu hành càng cao thì khả năng bệnh đậu mùa khỉ lây lan càng lớn".
Không nên đánh giá thấp tình hình, cần phải phản ứng từ sớm một cách kiên quyết
Nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh bùng phát trong nước, giới chức y tế Đức sẽ thực hiện cách ly ít nhất 21 ngày đối với những người mắc bệnh đậu mùa khỉ (F0). Bộ trưởng Y tế Karl Lauterbach nói rằng, theo những "khuyến cáo khẩn cấp" liên quan tới bệnh đậu mùa khỉ, những người mắc bệnh này tại Đức nên được cách ly ít nhất 21 ngày và bệnh nhân phải hết mọi triệu chứng trước khi hết thời gian cách ly. Khuyến cáo cách ly 21 ngày cũng được áp dụng với các trường hợp tiếp xúc trực tiếp với người bệnh (F1). Bộ trưởng Lauterbach cũng nêu rõ, các ca bệnh đậu mùa khỉ xuất hiện ở Đức "không phải là sự khởi đầu của một đại dịch mới".
Tuy nhiên theo ông, không nên đánh giá thấp tình hình và cần phải phản ứng "từ sớm một cách kiên quyết" để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Hiện một số bang ở Đức đã thông báo ghi nhận các trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ, bao gồm Sachsen-Anhalt, Baden-Württemberg, Berlin, Bayern, Nordrhein-Westfalen và Hessen. Bên cạnh đó, nhiều mẫu xét nghiệm đang được kiểm tra và phân tích, trong khi nhà chức trách cũng đang tìm kiếm những người tiếp xúc với các ca bệnh đã được xác nhận.
Viện dịch tễ Robert Koch (RKI) cũng nhận định về khả năng gia tăng số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ở Đức. Theo Chủ tịch RKI, ông Lothar Wieler, số ca mắc mới ở Đức có thể sẽ gia tăng và nhiệm vụ hàng đầu lúc này là ngăn chặn sự bùng phát của dịch, thông qua việc truy vết tiếp xúc, tránh tiếp xúc gần với các trường hợp nhiễm bệnh và tuân thủ các biện pháp vệ sinh dịch tễ. Các nhóm có nguy cơ về y tế cũng nên thận trọng trước dịch bệnh này.
Theo Bộ trưởng Lauterbach, Đức đã đặt 40.000 liều vaccine phòng bệnh đậu mùa phòng trường hợp dịch đậu mùa khỉ lây lan rộng trong nước và vaccine này có thể được xem xét tiêm cho các trường hợp F1. Vaccine này có tên Imvanex, đã được Mỹ cấp phép sử dụng phòng bệnh đậu mùa khỉ. Từ năm 2013, Liên minh châu Âu đã cấp phép cho vaccine này để chống bệnh đậu mùa, song chưa cấp phép để ngăn ngừa đậu mùa khỉ. Vaccine Imvanex được sử dụng để ngăn chặn nguy cơ lây lan cũng như ngăn ngừa hoặc ít nhất là làm chậm quá trình phát bệnh ở những người bị nhiễm. Kể từ khi đậu mùa khỉ bùng phát ở Anh, giới chức y tế nước này đã tiêm hơn 1.000 liều Imvanex cho các trường hợp F1.
Mời độc giả xem thêm video
Căn bệnh đã bị xóa sổ từ năm 1980 bỗng bùng phát mạnh: Báo động đại dịch lớn tiếp theo? SKĐS