Trong khi người người nhà nhà hoặc là về quê sum họp cùng gia đình, hoặc là đi chơi, đi du lịch thì có không ít bạn trẻ lại ngậm ngùi ở lại TP Hà Nội với công việc bán thời gian của mình.
Với Mai Thị Như Quỳnh (sinh viên năm 3) thì đây là năm đầu tiên cô bạn đón Tết Dương lịch xa nhà, một trải nghiệm khá lạ và có chút... buồn.
Nữ sinh này cho biết, quê ở Hà Tĩnh, mỗi lần về quê cả đi cả về tiền vé xe rất tốn kém nên Tết Dương lịch năm nay Quỳnh quyết định ở lại Hà Nội để làm thêm. Việc này vừa tiết kiệm chi phí về quê vừa có đồng ra đồng vào, mua sắm chuẩn bị đồ cho Tết Nguyên đán sắp tới.
Được nghỉ 3 ngày, Quỳnh làm việc tại một quán bán đồ thời trang. Ngần ấy thời gian đi làm, cô nàng tạm tính mình có thể kiếm được "sương sương" khoảng gần 1 triệu đồng chưa trừ đi chi phí ăn ở, đi lại.
Với số tiền này, Quỳnh có thể tận dụng để mua quần áo, quà tặng cho bố mẹ dịp Tết Nguyên đán. Đương nhiên, đi làm những ngày nghỉ lễ, Như Quỳnh không tránh khỏi cảm giác tủi thân.
"Tết Dương lịch năm nào cả gia đình mình cũng tổ chức tiệc tùng ăn uống. Năm nay không được bên gia đình sum họp mình cũng thấy nhớ. Bình thường lúc đi làm không sao, đến lúc trở về phòng nghĩ về bố mẹ và đứa em là thấy buồn", Như Quỳnh tâm sự.
Yến Trang (21 tuổi, sinh viên) lại lựa chọn về quê để quây quần bên gia đình. Đợt nghỉ lễ kéo dài 3 ngày là khoảng thời gian lý tưởng để Trang vừa nghỉ ngơi, kết hợp thăm hỏi người thân, họ hàng.
Với Yến Trang, sau một năm học tập áp lực, Tết Dương lịch năm nay nữ sinh quyết định về quê sum vầy bên gia đình. Đó cũng là thời gian để cô gái trẻ được tạm trút bỏ những gánh nặng, áp lực học hành và trở về với cuộc sống giản dị. Điều này giúp cho Trang nạp lại nguồn năng lượng tích cực, chuẩn bị cho một năm mới.
"Năm 2023 có nhiều thử thách, nhưng cũng tràn ngập những điều khiến mình cảm thấy biết ơn. Sau một năm với đủ áp lực về học tập, cuộc sống, mình nhận ra mình cần dành nhiều thời gian hơn cho gia đình, những người đã luôn bên cạnh và động viên mình", Yến Trang chia sẻ.
Thay vì đoàn viên cùng gia đình trong dịp Tết Dương lịch, Đinh Tuấn Anh (28 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội) cho biết, gần 2 tháng trước kỳ nghỉ Tết Dương lịch chàng trai trẻ cùng nhóm bạn đã đặt xong tour đi du lịch Sa Pa 3 ngày 2 đêm.
"Vào dịp Tết Dương lịch, mình chỉ muốn đi thật xa, khám phá, trải nghiệm những vùng đất mới, văn hoá mới. Chuyến đi Sa Pa này là phần thưởng mình tự tặng cho bản thân sau một năm nỗ lực làm việc.
Những ngày cuối cùng của năm, mình vẫn phải chạy đua với deadline, cố gắng hoàn thành các dự án, công việc còn dang dở. Mình chấp nhận tăng ca thường xuyên, mang việc về nhà để những ngày lễ được thảnh thơi nhất có thể", Tuấn Anh nói.
Như thường lệ, vào Tết Dương lịch, Quốc Anh (24 tuổi, sống tại quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) sẽ cùng bạn bè của mình tham gia lễ hội countdown vào đêm giao thừa tại Hồ Gươm.
"Nhân cơ hội được xả hơi mấy ngày, mình tranh thủ sắp xếp lại thời gian biểu, dọn dẹp nhà cửa, hoà mình vào dòng người đếm ngược những giây phút cuối cùng của năm cũ và đón chào năm mới bùng nổ hơn", Quốc Anh phấn khởi nói.