Giới nhạc sĩ còn món nợ với ngành y

27-02-2013 09:49 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tham dự trong Chương trình nghệ thuật tôn vinh các thầy thuốc Việt Nam “Sự hy sinh thầm lặng” diễn ra tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội tối 25/2/2013, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam xúc động chia sẻ: “Tôi vô cùng cảm phục đội ngũ thầy thuốc đã nỗ lực âm thầm không biết mệt mỏi vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có thể nói, đó là một bài ca không lời đẹp nhất, đằm thắm nhất”.

Tham dự trong Chương trình nghệ thuật tôn vinh các thầy thuốc Việt Nam “Sự hy sinh thầm lặng” diễn ra tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội tối 25/2/2013, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân - Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam xúc động chia sẻ: “Tôi vô cùng cảm phục đội ngũ thầy thuốc đã nỗ lực âm thầm không biết mệt mỏi vì sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Có thể nói, đó là một bài ca không lời đẹp nhất, đằm thắm nhất”.

Phóng viên (PV): Cách đây 5 năm, ông từng là Chủ tịch Hội đồng giám khảo Cuộc thi sáng tác ca khúc ngành y tế với chủ đề Giai điệu yêu thương. Hôm nay ông lại đến đây tham dự buổi lễ tôn vinh sự âm thầm, tận tụy phục vụ người bệnh của các y, bác sĩ, cán bộ ngành y tế, cảm xúc của ông thế nào?

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân (NS.ĐHQ): Trong đời sống mỗi người, không trừ một ai, chắc chắn đều phải có những mối quan hệ trực tiếp với ngành y, đặc biệt là với các y, bác sĩ. Với tư cách nhạc sĩ - đã từng có sự kết hợp giữa Hội Nhạc sĩ Việt Nam với Bộ Y tế, mà trực tiếp là với báo Sức khỏe&Đời sống thực hiện Cuộc vận động sáng tác ca khúc ngành y với chủ đề Giai điệu yêu thương nhằm ca ngợi y đức của người thầy thuốc trong việc chăm sóc sức khỏe của nhân dân, qua đó nêu cao trách nhiệm và ý thức của cộng đồng như một sự đóng góp của xã hội về cách nhìn nhận với ngành y tươi sáng hơn, lạc quan hơn và tích cực hơn. Ở cuộc thi đó, đại đa số là các giai điệu mang tính ngợi ca, tự hào trong đó hàm nghĩa cả việc biết ơn đối với ngành y. Điều này thể hiện rõ trong chủ đề của các bài hát.

Tính đến nay đã hơn 5 năm, những giai điệu đó đã dần dần lan tỏa dưới nhiều hình thức, từ những đĩa CD, từ những cuộc liên hoan nghệ thuật của các đơn vị trong ngành y cũng như ngoài xã hội và hình ảnh của những người thầy thuốc ngày càng ấm nồng, gần gũi với nhân dân.

PV: Vâng, trong cuộc đời ai cũng có đôi ba lần phải đến bệnh viện. Ấn tượng của ông khi gặp các bác sĩ thế nào?

NS.ĐHQ: Tôi cho rằng, hai từ bác sĩ hay lương y hoặc nói rộng ra là ngành y không thể thiếu được trong đời sống của chúng ta. Nếu mỗi con người cần có phần đời sống vật chất như ăn uống, hít thở khí trời và phần đời sống tinh thần như văn hóa, giải trí... thì chúng ta cũng cần một phần rất quan trọng là được chăm sóc để cho hai phần giá trị kia được thăng hoa có hiệu quả trong xã hội. Đó chính là công việc của người thầy thuốc, của ngành y tế.

Giới nhạc sĩ còn món nợ với ngành y 1
 Ban Giám khảo Cuộc thi Giai điệu yêu thương. Ảnh: Lan Hương

PV: Đã có lần nào các bác sĩ khiến ông cảm động và gây cảm hứng sáng tác về họ trong ông?

NS.ĐHQ: Tôi còn nhớ vào tháng 10/2012, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức Liên hoan âm nhạc tại thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, không may trong chuyến công tác đó, tôi bị lên cơn sốt li bì 39 - 40 độ suốt mấy ngày. Nhờ sự thăm khám và chẩn đoán của các bác sĩ Bệnh viện thành phố Đồng Hới đã tìm ra căn bệnh của tôi. Nếu không có sự tận tâm của các bác sĩ như thế có thể đã dẫn đến hậu quả xấu.

Khi bản thân mình là một bệnh nhân, nói như trong sân khấu là một diễn viên đóng vai bi kịch thì càng thấm thía hơn thái độ ân cần, chăm sóc tận tình của người thầy thuốc. Với tôi, điều đó vô cùng cao cả, dường như là một bài ca không lời được làm nên bởi những giai điệu đẹp nhất, đằm thắm nhất và nhân bản nhất. Nhưng để biến cái bè trầm về giai điệu, về tiết tấu thành tác phẩm thì phải qua sự thẩm thấu kỹ lưỡng.

PV: Đặc trưng công việc của nhạc sĩ là cảm xúc và thăng hoa, đặc trưng công việc của người thầy thuốc là tận tụy và nhân văn. Ông có thấy là công việc của hai lĩnh vực này tuy khác nhau nhưng lại có điểm tương đồng?

NS.ĐHQ: Đúng vậy, tôi cho rằng, công việc của ngành y cũng mang tính sáng tạo cao, một lần chữa bệnh, một ca phẫu thuật luôn cần sự chính xác và khéo léo của người thầy thuốc. Những tác phẩm yêu thương ấy được làm nên bởi những giọt mồ hôi thầm lặng. Ở đó, nhân cách và phẩm chất của người thầy thuốc luôn ngời sáng bởi giá trị cuộc sống con người cả về tinh thần và thể xác được giao vào một thành tố rất quan trọng là ngành y.

Tôi đã nghe nhiều bài hát của các nhạc sĩ tên tuổi viết về ngành y, từ những nhạc sĩ Phạm Tuyên, Tân Huyền, Hồng Đăng, Nguyễn Cường... đến các nhạc sĩ trẻ như Lê Minh Sơn, Đỗ Bảo..., có những nhạc sĩ viết 2 - 3 bài. Tôi hy vọng, trong tương lai sẽ có bài hát thật hay để xứng đáng với sự tận tụy hy sinh quên mình vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe cộng đồng của những người thầy thuốc, đó cũng là một thái độ nhìn nhận, một lời cảm ơn bằng nghệ thuật để bài hát đó trở thành bài ngành y ca. Làm sao để khi giai điệu cất lên, không phải chỉ để ca ngợi ngành y mà đó là tiếng lòng của công chúng, của cộng đồng đối với ngành y. Để có sự đóng góp bằng âm nhạc đối với sự nghiệp y tế, đó là trách nhiệm của chúng tôi. Nếu như ngành y còn những lo toan với cuộc sống, với con người thì đối với ngành âm nhạc, chúng tôi cũng còn món nợ bằng tác phẩm âm nhạc về ngành y. Tôi mong rằng, trong thời gian sắp tới, công việc của những người thầy thuốc, của những văn nghệ sĩ ngày càng gắn bó nhau hơn để đạt mục đích cuối cùng là xây dựng một xã hội tốt đẹp.

PV: Vậy thì theo ông, vì sao ngành y có nhiều điều thú vị, nhiều tấm gương hy sinh, nhiều câu chuyện xúc động nhưng dường như ít xuất hiện trong các tác phẩm văn học nghệ thuật nói chung và âm  nhạc nói riêng, các tác giả có vẻ lảng tránh đề tài này?

NS.ĐHQ: Tôi nghĩ rằng, sáng kiến của báo Sức khỏe&Đời sống tổ chức Cuộc vận động sáng tác ca khúc với chủ đề Giai điệu yêu thương là một chủ trương rất đúng, nó như một sự tiên phong đi vào lĩnh vực văn học nghệ thuật, cụ thể là chọn âm nhạc là môi trường có sức lan tỏa, phổ biến rộng rãi. Chúng ta đã gặt hái được những kết quả ban đầu, đã có sự thăng hoa của các nhạc sĩ chuyên và không chuyên, nhưng thẳng thắn mà nói, vẫn còn nhiều nhạc sĩ ngại đề cập đến vấn đề xã hội. Tôi nghĩ rằng, trong tương lai, nếu các nhạc sĩ trẻ, ca sĩ trẻ có ý thức hơn thì chính họ sẽ là tác giả tương lai của những bài hát đi sâu vào các đề tài xã hội, trong đó có ngành y. Những ca khúc đó không chỉ dành riêng cho những người trong ngành mà sẽ trở thành những bài hát cho cộng đồng, cho xã hội.

Sau Giai điệu yêu thương, báo Sức khỏe&Đời sống lại tổ chức hai cuộc thi Sự hy sinh thầm lặng cũng nói về y đức, về công việc của những cá nhân cụ thể, những anh hùng thời kỳ đổi mới trong ngành y, tôi nghĩ đây sẽ là những khởi nguồn sáng tạo, những tia lửa để thắp sáng ngọn lửa tình yêu đối với ngành y, bởi để  nhận ra cái đẹp của ngành y không phải dễ khi mà những vấn đề gọi là chưa tích cực của ngành y tác động đến tất cả mọi thành viên trong xã hội. Chắc chắn rồi đây, thông qua những cuộc thi viết về ngành y như thế này, những người mặc áo trắng sẽ trở thành đối tượng hấp dẫn với những người sáng tạo văn học nghệ thuật.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tố Lan (thực hiện)


Ý kiến của bạn