Hà Nội

“Giờ vàng” cứu người ngộ độc thuốc diệt cỏ

09-08-2017 10:24 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Paraquat là một chất cực độc và hầu hết các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vô phương cứu chữa.

Thế nhưng, mỗi năm cả nước vẫn có trên 1.000 bệnh nhân tử vong do thuốc diệt cỏ paraquat và đáng lo ngại khi số người bị ngộ độc do paraquat năm sau cao hơn năm trước. Số lượng ngộ độc loại thuốc này vào BV Bạch Mai cấp cứu không ngừng tăng qua từng năm, từ 300 ca năm 2014 lên 350 ca 2015 và đến 2016 tăng lên 450.

Paraquat  hủy diệt , tử vong nhanh

Ở đường tiêu hóa, paraquat được hấp thu rất nhanh nhưng ít (5-10%). Hấp thu chủ yếu ở ruột non. Khi dạ dày ruột bị tổn thương lan rộng, số lượng chất độc được hấp thu sẽ tăng lên. Paraquat không gắn với protein huyết tương. Nồng độ đỉnh của paraquat trong huyết tương đạt được trong vòng 2 giờ sau uống và sau 5 giờ paraquat tập trung cao gây tổn thương ở phổi, thận. Vì vậy, các biện pháp hạn chế hấp thu và tăng đào thải độc chất chỉ có hiệu quả khi được thực hiện trong vòng 5 giờ đầu tiên sau khi uống độc chất. Điều này cho thấy ngộ độc paraquat thì chiếm tỉ lệ tử vong khá cao, từ 58-90%. Kể cả áp dụng các biện pháp thuốc lọc máu, giải độc, rửa dạ dày... nhưng tỷ lệ sống sót không cao, chỉ khoảng 30% trong khi các loại ngộ độc như: ngộ độc thuốc trừ sâu, ngộ độc thực phẩm, ngộ độc thuốc... thì tỉ lệ tử vong chiếm khoảng 1%.

Nhận biết cách nào?

Các triệu chứng ban đầu của bệnh nhân ngộ độc paraquat có thể biểu hiện không nặng, thậm chí không có triệu chứng gì, nhưng triệu chứng tổn thương phổi vẫn tiếp diễn dẫn đến xơ phổi, suy hô hấp và tử vong sau vài ngày đến vài tuần.

Tuy nhiên, các biểu hiện ngộ độc cho thấy, ngay sau khi uống bệnh nhân thấy đau rát miệng, họng thực quản như bị bỏng, niêm mạc miệng đỏ rực, phù nề, có thể có giả mạc nuốt khó, đau bụng từng cơn, đau tăng lên khi ấn vào vùng thượng vị. Có thể nôn ra máu, tổn thương loét thực quản dạ dày, có thể thủng trong 24 giờ đầu và là dấu hiệu tiên lượng nặng.

Tại cơ quan hô hấp có các biểu hiện suy hô hấp và đây là nguyên nhân chủ yếu gây tử vong cho bệnh nhân. Bệnh nhân thở nhanh, tím, khó thở là biểu hiện của tổn thương phổi, có thể dẫn đến phù phổi cấp trong vòng 3 ngày đầu. Trong những trường hợp ngộ độc nhẹ và trung bình, bệnh nhân có thể không có triệu chứng gì trong vòng một tuần, sau đó tình trạng xơ phổi xuất hiện từ tuần thứ 2 với biểu hiện suy hô hấp tiến triển nặng dần: tím tái, thở ôxy mũi và các biện pháp hỗ trợ hô hấp thông thường không có kết quả. Khám lâm sàng tại phổi triệu chứng rất nghèo nàn không tương xứng với tình trạng suy hô hấp nặng.Chăm sóc người bệnh.

Chăm sóc người bệnh.

“Giờ vàng” để cứu sống bệnh nhân

Tùy thuộc liều uống, thời gian được cấp cứu, nếu bệnh nhân dùng trên 40mg/kg (0,2ml/kg loại dung dịch 20%) đến cấp cứu sau 1 giờ thì tỷ lệ tử vong là 100%. Uống 20 - 40mg/kg (0,1 - 0,2ml/kg loại dung dịch 20%), đến muộn sau 1 giờ hoặc uống trên 40mg/kg nhưng đến sớm trước 1 giờ với tiên lượng nặng, tỷ lệ tử vong cao.  Uống dưới 20mg/kg (0,1ml/kg loại dung dịch 20%), đến cấp cứu sau 1 giờ được coi là ngộ độc nhẹ, nếu được cứu chữa tích cực có thể sống. Như vậy có thể nói thời gian “giờ vàng” chỉ là từ 1-2 giờ đầu sau khi uống thì bệnh nhân có cơ hội được cứu sống. Nếu đến sớm trong vòng 1 giờ sau uống thì tiên lượng nhẹ đi 1 bậc. Tuy nhiên, theo ghi nhận, ngộ độc paraquat thường dài hơn 6 giờ sau khi uống. Chưa kể, nhiều bệnh nhân đến viện cấp cứu rất muộn và việc xác định ngộ độc paraquat cũng cần những khoảng thời gian nhất định. Chính vì vậy, khi phát hiện bệnh nhân uống thuốc diệt cỏ, phải nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu ban đầu cho bệnh nhân.

Xử trí ban đầu khi ngộ độc

Chẩn đoán xác định bệnh nhân ngộ độc tại hiện trường thường dựa vào các biểu hiện và bệnh nhân có  uống thuốc diệt cỏ, có bao bì thuốc tên là paraquat hoặc gramoxon gần bệnh nhân hoặc nơi bệnh nhân sinh sống, có tổn thương niêm mạc miệng họng thì cần đưa cấp cứu càng sớm càng tốt.

Đối với trường hợp phải chờ người hỗ trợ cần xử trí ban đầu tại hiện trường chủ yếu là nhanh chóng hạn chế hấp thu bằng cách cho bệnh nhân uống: than hoạt antipois bmai 5ml/kg cân nặng. Hoặc than hoạt dạng bột mịn 1 - 2g/kg cung với sorbitol 2 - 4g/kg hòa trong 50 - 100ml nước, có thể cho uống nhắc lại sau 2 giờ. Hoặc fullers earth (đất sét) 1g/ kg hòa cùng nước uống. Nếu không có cả hai loại trên: uống đất sét hòa loãng thành bùn, uống 100ml/lần và cho uống nhiều lần (nếu không có đất sét thì lấy đất thịt hoặc đất thường) sau đó tiến hành gây nôn, nếu không có chống chỉ định. Sau đó nhanh chóng đưa nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất có thể để được xử trí tiếp và có phương tiện chuyển viện.

Tại cơ sở y tế địa phương cần tiến hành rửa dạ dày nếu có điều kiện với nước pha 5 - 9g muối cho 1 lít nước. Số lượng nước rửa dạ dày thường khoảng 2 - 5 lít. Rửa dạ dày càng sớm càng tốt. Có thể rửa dạ dày ở tuyến xã với điều kiện nhân viên y tế đã được huấn luyện kỹ thuật rửa dạ dày. Sau rửa dạ dày cần hút hết dịch trong dạ dày và cho bệnh nhân uống 1 liều than hoạt 20 - 40g kèm theo 1 liều sorbitol gấp đôi và cho chuyển tuyến trên.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để phòng tránh ngộ độc các loại hóa chất bảo vệ thực vật độc hại, cần chú ý: Nhãn mác sản phẩm phải ghi rõ các loại hóa chất, độc tính, cách cấp cứu khi nhiễm độc; cất giữ thuốc ở nơi riêng biệt có khóa, ngoài tầm với của trẻ em... Không được đựng thuốc trong các vật dụng khác vì dễ nhầm lẫn dẫn đến việc có thể uống nhầm. Cửa hàng kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật không bán thuốc bảo vệ thực vật độc hại hoặc phải suy xét kỹ khi bán thuốc cho các trường hợp ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Trong các gia đình cần phải quan tâm chia sẻ lẫn nhau, giải quyết tốt những mâu thuẫn để không dẫn đến ý muốn tự vẫn của người thân.

Khi phát hiện có người uống thuốc bảo vệ thực vật tự tử cần phải lập tức đưa đến cơ sở y tế gần để súc rửa ruột và chuyển viện sớm. Khi đưa nạn nhân đi cấp cứu cần mang theo chai thuốc mà nạn nhân đã uống để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác loại thuốc gây ngộ độc. Chú ý: Người thân hoặc người xung quanh không nên tự ý xử lý khi không biết về chuyên môn và tuyệt đối không cho uống các thuốc theo mách bảo, vì đã có một số trường hợp do người nhà cho uống sừng tê giác khiến tình trạng bệnh nhân trở nên trầm trọng hơn.


BS. Lê Thị Nga
Ý kiến của bạn