Hà Nội

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

29-04-2023 07:30 | Thời sự
google news

Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt, Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng, là điểm hội tụ tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương là ngày mà mỗi người dân Việt Nam, dù ở quê hương hay cách xa Tổ quốc muôn trùng, đều hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn.”

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 1.

... Biểu tượng văn hóa - tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại

Theo truyền thuyết, vị vua đầu tiên ở nước ta là Kinh Dương Vương đã truyền ngôi cho con trai là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ, sinh hạ được 100 người con trai, 50 người con theo mẹ lên núi và 50 người con theo cha xuống biển để lập cơ nghiệp dài lâu.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 2.

Con trai trưởng được Lạc Long Quân phong làm Vua, lấy hiệu là Hùng Vương. Vua đặt tên nước là Văn Lang lấy đất Phong Châu (Phú Thọ) làm thủ phủ. Vua quan đều cha truyền con nối qua nhiều đời nhưng lịch sử ghi lại được 18 đời vua Hùng.

Lịch sử của dân tộc Việt Nam được mở đầu bằng thời đại Hùng Vương với công lao của các Vua Hùng khai sơn, phá thạch, mở mang, bồi đắp xây dựng nên Nhà nước Văn Lang. Khắc ghi công lao to lớn ấy, người Việt đã suy tôn các vua Hùng là thủy tổ của dân tộc từ hàng ngàn năm trước.

Quá trình hình thành và phát triển của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là quá trình diễn tiến từ thấp đến cao và liên tục được bồi đắp qua nhiều thế hệ. Các Vua Hùng được suy tôn chính là tổ tiên chung của cả dân tộc Việt Nam.

Chính vì vậy, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã trở thành loại hình tín ngưỡng văn hóa tôn giáo đặc sắc trong đời sống văn hóa tinh thần/tâm linh của các thế hệ người dân Việt Nam; là điểm tựa tinh thần tạo nên sức mạnh dân tộc Việt.

Đây cũng là biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam trong suốt những chặng đường lịch sử của mình.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương khẳng định người Việt có chung một nguồn gốc riêng biệt, tạo nên niềm tin tâm linh mạnh mẽ, tạo nên truyền thống đoàn kết thương yêu, đùm bọc lẫn nhau. Thờ cúng Hùng Vương đã trở thành một biểu tượng văn hóa-tín ngưỡng kết nối quá khứ với hiện tại, có tác dụng vun đắp tình cảm gia đình, làng xã và dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 3.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương hay lễ Giỗ Tổ Hùng Vương được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng (quần thể di tích gồm Đền thượng, Đền Trung, Đền Hạ, Đền Mẫu Âu Cơ, lăng mộ …) trên núi Nghĩa Lĩnh, thành phố Việt Trì.

Đến cuối thế kỷ XIX và trước khi trùng tu Đền Thượng vào năm 1917, tín ngưỡng thờ cúng thần linh ở đây vẫn là sự đan xen giữa thờ thần núi, thần lúa và thờ các Vua Hùng. Theo thần tích và văn bia ở đền thì chính An Dương Vương Thục Phán đã cảm kích vì được Hùng Vương nhường ngôi nên sau khi Hùng Vương mất, An Dương Vương đã lên núi Nghĩa Lĩnh dựng đền thờ.

Với niềm tin thành kính tri ân công đức, từ hàng nghìn năm qua, các thế hệ người Việt đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Từ thời Hậu Lê, việc thờ cúng các Vua Hùng do người dân địa phương tự thực hiện. Từ thời Hồng Đức đời Vua Lê Thánh Tông, hội Đền Hùng được đưa vào cấp quốc gia, được “gia ban quốc tế,” việc tế lễ từ đó có quan đầu trấn thay mặt triều đình chủ trì.

Đến thời Nguyễn, Vua Minh Mạng cho rước bài vị các Vua Hùng ở Đền Hùng vào Huế thờ tại miếu Lịch đại đế vương, một mặt vẫn cấp sắc ở Đền Hùng cho dân sở tại thờ phụng. Thời Khải Định năm thứ hai (1917) chính thức lấy ngày 10 tháng 3 âm lịch làm ngày lễ chính, có tổ chức tế lễ theo nghi thức trang trọng.

Kế tục truyền thống của ông cha, nhất là truyền thống “uống nước nhớ nguồn,” ngay sau cách mạng thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22/SL-CTN ngày 18/2/1946 cho công chức nghỉ ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm để tham gia tổ chức các hoạt động Giỗ Tổ Hùng Vương-hướng về cội nguồn dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 4.

Và Người đã hai lần về thăm Đền Hùng, lần thứ nhất vào ngày 19/9/1954 và lần thứ hai ngày 19/8/1962. Trong đó, lần về thăm thứ hai, Người đã có câu nói bất hủ: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước - Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước.”

Người còn nhắc: “Phải chú ý bảo vệ, trồng thêm hoa, thêm cây cối để Đền Hùng ngày càng trang nghiêm và đẹp đẽ, thành công viên lịch sử cho con cháu sau này đến tham quan."

Từ năm 1995, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã được Ban Bí thư ghi trong thông báo là ngày lễ lớn trong năm.

Sau đó, ngày 2/4/2007, Quốc hội đã phê chuẩn sửa đổi, bổ sung Điều 73 của Luật Lao động cho người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Từ đây, ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm đã trở thành ngày lễ trọng của toàn dân, là Quốc lễ mang ý nghĩa bản sắc văn hóa dân tộc.

Và ngày 6/12/2012, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ,” biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo đánh giá của các chuyên gia UNESCO, “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” đã đáp ứng được tiêu chí quan trọng nhất trong 5 tiêu chí, đó là di sản có giá trị nổi bật mang tính toàn cầu, khích lệ ý thức chung của mọi dân tộc trong việc thúc đẩy giá trị đó.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 5.

Được bồi đắp qua nhiều thế hệ

Đối với người dân, việc hành hương về Đền Hùng chính là niềm mong mỏi, khát khao của nhiều thế hệ người Việt Nam. Đây được cho là cuộc hành hương trở về cội nguồn lịch sử.

Từ huyền thoại “bọc trăm trứng,” mọi người dân Việt Nam đều nhận nhau là anh em, có chung cội nguồn, chung dòng máu Lạc Hồng và có chung Quốc Tổ là các Vua Hùng.

Chung một gốc gác tổ tiên và ngày Giỗ Tổ là mạch nguồn tâm linh đặc biệt gắn kết dân tộc Việt Nam thành một khối đại đoàn kết, làm nên sức sống Việt Nam mãnh liệt, trường tồn.

Mỗi dịp Giỗ Tổ Hùng Vương là thời khắc đặc biệt để mỗi người mang trong mình dòng máu Việt cùng hướng về Đền Hùng linh thiêng, nơi phụng thờ công đức tổ tiên, biểu tượng tinh thần dân tộc.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 6.

Trên phương diện cộng đồng, xã hội, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được hiểu như là một ký ức tập thể, kỷ niệm của nhân dân về quá khứ dân tộc, mang tính gắn kết cộng đồng cao. Nói cách khác, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt Nam là sợi dây kết nối quá khứ, hiện tại và tương lai.

Giáo dục ý thức về tổ tiên, về lòng tự hào dân tộc cũng chính là những tiền đề, cơ sở hình thành lòng nhân ái, đạo đức cộng đồng, nhắc nhở mỗi cá nhân hành động theo các chuẩn mực xã hội và củng cố niềm tin vào sự chứng giám, phù hộ, che chở của các đấng thần linh là tổ tiên, anh hùng dân tộc.

Thông qua đó khơi dậy lòng tự tôn, tự hào dân tộc, nêu cao ý nghĩa của lòng yêu nước thương nòi, biết ơn công lao gây dựng đất nước, được nhân dân ghi nhận và tôn thờ.

Ở phương diện xã hội, đó còn là sợi dây tinh thần kết nối cộng đồng, biểu tượng của đoàn kết dân tộc.

Trong suốt tiến trình lịch sử phát triển, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, mà tiêu biểu là tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã có sự biến đổi nhất định để thích nghi với văn hóa dân tộc ở mỗi giai đoạn lịch sử cụ thể, thậm chí đã được các hệ tư tưởng của các tín ngưỡng, tôn giáo khác bổ sung, hoàn chỉnh để trở thành tín ngưỡng mang tầm quốc gia, có những đóng góp giá trị tích cực và trở thành di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 7.

Lan tỏa trong đời sống đương đại, tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân

Bắt nguồn từ vùng đất cổ Phú Thọ, rồi lan tỏa ra phạm vi cả nước, nhất là các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ, miền Trung và vào phương Nam theo dấu chân của người Việt. Giờ đây, thờ cúng Hùng Vương đã có ở nhiều nước trên thế giới, những nơi có cộng đồng người Việt sinh sống.

Hiện nay, cả nước có hơn 1.410 di tích thờ Hùng Vương và liên quan đến thời đại Hùng Vương, trải khắp các vùng miền, từ Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Nghệ An, Thừa Thiên Huế, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh, Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ…

Vì vậy, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương đã trở thành ngày hội của đồng bào cả nước với nhiều chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống, hoạt động văn hóa dân gian. Riêng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có hơn 340 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 8.

Cùng với đồng bào trong nước, từ nhiều năm nay, người Việt Nam ở nước ngoài vẫn luôn thành tâm hướng về nguồn cội. Nhưng không phải ai cũng vinh hạnh được về dự ngày Giỗ Tổ ở quê nhà. Vì vậy, việc tổ chức ngày Giỗ Tổ Hùng Vương ở nước ngoài để bà con có dịp hướng về với cội nguồn dân tộc là nhu cầu hết sức cần thiết.

Đó là lý do vì sao ý tưởng tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của xã hội với mong muốn trở thành ngày đại đoàn kết dân tộc và tôn vinh giá trị Việt, để người Việt khắp 5 châu không quên tổ tiên của mình, cùng nhau hướng về nguồn cội.

Và Lễ giỗ Tổ và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương sẽ theo chân những người con đất Việt tỏa đi khắp 5 châu, mang theo những giá trị văn hóa truyền thống, phong tục, ẩm thực, đặc biệt là văn hóa tâm linh, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên... đến với cộng đồng, góp phần làm cầu nối giữa bà con Việt kiều với đồng bào trong nước.

Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn, dân tộc nào trên thế giới đều có nguồn cội của mình nhưng người Việt Nam khác các dân tộc khác ở chỗ cùng thờ chung một ông Tổ - Vua Hùng. Chính điều này tạo nên một bản sắc riêng có của Việt Nam, được UNESCO công nhận. Với Việt Nam, tín ngưỡng Hùng Vương là một biểu tượng của quốc gia.

Chúng ta luôn coi đó là vị tổ của dân tộc, là yếu tố đã gắn kết cộng đồng trên một không gian lãnh thổ để trở thành một cộng đồng có sức mạnh, tồn tại, phát triển và giữ vững được bản sắc văn hóa.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 9.

Ngày nay, trên dải đất hình chữ S với 54 dân tộc anh em sinh sống với những nét văn hóa riêng biệt khác nhau nhưng vẫn cùng chung một vị thủy tổ - Hùng Vương.

Và đây là yếu tố gắn kết các dân tộc Việt Nam trong thời kỳ hiện đại, thực hành tín ngưỡng thờ tổ Hùng Vương được thế giới ghi nhận như là một cái giá trị nổi trội của trong đời sống văn hóa của người Việt.

Trách nhiệm của thế hệ chúng ta là làm sao phát huy tinh thần đoàn kết, hướng về cội nguồn ấy thành sức mạnh nội sinh vượt qua khó khăn, giữ gìn di sản, ghi nhớ công đức tổ tiên.

Càng ý thức được giá trị năm xưa, chúng ta càng hiểu hơn về tinh thần đại đoàn kết để không chỉ 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S thấm nghĩa đồng bào mà còn gắn kết để hơn 5 nghìn công dân Việt Nam đang sinh sống ở rất nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới đều hướng về nguồn cội và cảm nhận giá trị thiêng liêng của hai tiếng “đồng bào.”

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 10.

....

Trở thành điểm du lịch mang tầm quốc gia

Ngày 22/10/2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 3040/QĐ-BVHTTDL công nhận Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ.

Việc công nhận Khu du lịch Quốc gia Đền Hùng là cơ hội tạo nên thương hiệu mạnh mẽ, bền vững cho du lịch Phú Thọ, đồng thời quảng bá mạnh mẽ hơn nữa đến đồng bào và du khách quốc tế về di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan Phú Thọ.

Ông Lê Trường Giang, Giám đốc Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, những năm gần đây tỉnh Phú Thọ đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng thêm nhiều khu chức năng như: rừng quốc gia Đền Hùng, khu trung tâm lễ hội, khu tháp Hùng Vương, Làng du lịch văn hóa Hùng Vương, khu nhà văn hóa Hùng Vương, khu trồng cây lưu niệm phía Bắc và phía Nam…

Các di tích Đền Hạ, Đền Trung, Đền Thượng, Đền Giếng, Đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Đền Quốc tổ Lạc Long Quân và nhiều công trình văn hóa khác được tôn tạo ngày càng khang trang và tôn nghiêm phục vụ đồng bào cả nước về thăm viếng tổ tiên.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 11.

Bảo tàng Hùng Vương có hàng nghìn hiện vật, tài liệu khoa học được lưu giữ và trưng bày thuộc các giai đoạn thời kỳ đầu dựng nước của dân tộc Việt Nam.

Ban quản lý Khu di tích lịch sử Đền Hùng đang đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá những giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của di tích lịch sử đền Hùng; không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả, phục vụ chu đáo đồng bào, thu hút du khách về Đền Hùng; chủ động trong việc kết nối Đền Hùng với các tuyến, điểm di tích trong tỉnh; xây dựng và tổ chức chương trình du lịch trải nghiệm, các sản phẩm du lịch học đường, giáo dục truyền thống lịch sử cội nguồn; tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ các hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch, đa dạng các mặt hàng lưu niệm, xây dựng môi trường du lịch sinh thái, đảm bảo văn hóa, văn minh trong khu vực di tích, kích cầu du lịch.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ cho biết khu di tích lịch sử Đền Hùng và Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là hai di sản có giá trị to lớn, thuận lợi cho việc phát triển du lịch tâm linh trở về với cội nguồn dân tộc.

Để gắn bảo tồn và phát triển du lịch bền vững, tỉnh đã giao cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ tổ chức các nhóm truyền dạy nghi lễ, trò diễn, các thực hành xã hội của tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở Phú Thọ; gắn di sản với các tour, tuyến du lịch trải nghiệm văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ Hùng Vương và các di tích lịch sử thờ Vua Hùng, các nhân vật thời Hùng trong cả nước; tích cực sưu tầm, nghiên cứu các nghi thức, trò diễn liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương của người Việt ở các làng quê; sưu tập, phân loại, dịch ra chữ quốc ngữ các ngọc phả, văn bia, thần tích, sắc phong liên quan đến tín ngưỡng thờ Hùng Vương giúp người dân hiểu thêm giá trị của di sản; bảo tồn, tôn tạo những di sản vật thể ở Đền thờ Vua Hùng tại các làng thuộc tỉnh Phú Thọ.

Với niềm tin thành kính tri ân công đức, từ hàng nghìn năm qua, các thế hệ người Việt đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có nhiều lớp văn hóa phong phú và một không gian rộng Các lớp văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương chồng xếp lên nhau. Lớp văn hóa đầu tiên là nghi lễ thờ thần núi ở các làng, xã ở Phú Thọ rất phổ biến. Sau đó, tín ngưỡng thờ cúng được chuyển hóa.

Từ đất nước, núi non, trở thành thờ cúng ông Tổ. Không gian của tín ngưỡng này rất rộng. Một cuốn sách chữ Hán ở thế kỷ XVII cho biết lúc đó có 73 làng xung quanh núi Nghĩa Lĩnh thờ cúng Hùng Vương.

Kết quả điều tra năm 1938 của Viện Viễn Đông Bác cổ, và kết quả điều tra năm 1964 của Ty văn hóa tỉnh Phú Thọ khẳng định, có hơn 100 làng thờ cúng Hùng Vương. Còn hiện nay, không gian văn hóa tín ngưỡng thờ Hùng Vương tồn tại ở hơn 180 làng, xã của các huyện ở Phú Thọ.

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 12.

...

Tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương gắn với Tuần văn hóa - Du lịch Đất Tổ 2023

Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng 2023 diễn ra từ ngày 20-29/4 (tức mùng 1-10 tháng 3 âm lịch) tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng và các huyện, thị xã trong tỉnh.

Phần lễ được tổ chức trang trọng thể, tập trung vào các hoạt động chính như Lễ giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ; lễ Giỗ Tổ Hùng Vương và dâng hoa tại Bức phù điêu “Bác Hồ nói chuyện với cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân tiên phong”; lễ dâng hương tại các di tích thờ Hùng Vương, các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương trên địa bàn tỉnh; lễ dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng của các huyện, thành phố, thị xã trong tỉnh.

Bên cạnh nghi lễ truyền thống, các hoạt động phần hội năm nay có nhiều điểm mới, gắn kết chặt chẽ với du lịch, tạo thành các chuỗi hoạt động Tuần Văn hóa - Du lịch, thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo vùng đất Tổ.

Năm nay, Phú Thọ tiếp tục vận động, khuyến khích các gia đình trên địa bàn chuẩn bị mâm cơm đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức Tổ tiên của dân tộc trong ngày 10/3 âm lịch.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh và tình cảm thiêng liêng, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước."

Chính sự linh nghiệm của hồn thiêng, nơi đỉnh núi Nghĩa Linh đã lan tỏa, thổi hồn cho câu ca dao đi vào lịch sử:

“Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ Tổ mùng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non, vẫn nước non này ngàn năm!”

Giỗ Tổ Hùng Vương - Biểu tượng khơi nguồn và tạo sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc - Ảnh 13.


theo Vietnam Plus
Ý kiến của bạn