Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 (âm lịch) cuộc hành hương từ Thăng Long đến Ðền Hùng và Nhà Quốc hội

06-04-2017 08:23 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo doanh nhân, cựu chiến binh, những người hoạt động văn hóa dân tộc và bà con Kiều bào yêu nước muốn được tham quan...

Để đáp ứng nguyện vọng của đông đảo doanh nhân, cựu chiến binh, những người hoạt động văn hóa dân tộc và bà con Kiều bào yêu nước muốn được tham quan, chiêm bái đền Hùng nhân Ngày Giỗ tổ Vua Hùng mồng 10 tháng 3 năm Đinh Dậu, Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu phát triển văn hóa Hùng Vương và Tập đoàn truyền thông Quốc gia tổ chức cuộc hành hương về đất tổ với chủ đề: Vinh quy bái tổ xứng danh con cháu Lạc Hồng.

Sau khi chiêm bái bàn thờ Quốc tổ và các di tích chính ở Khu văn hóa Hùng Vương, hơn 500 người trong lễ phục trang nghiêm đã tập họp về hội trường dưới chân đồi lịch sử, nơi Bác Hồ cách đây hơn nửa thế kỷ đã dừng chân và có câu nói nổi tiếng: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Tham gia chương trình “Vinh quy bái tổ, xứng danh con cháu Lạc Hồng” có GS. Hoàng Chương - Trưởng ban tổ chức, chỉ đạo chương trình, cùng các vị TS. Bùi Thế Đức - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, NSND Vương Duy Biên - Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch, TS. Trương Nguyệt Ánh - Phó Chủ tịch Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thiếu tướng Phạm Văn Dần - Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu phát triển văn hóa Hùng Vương cùng một số vị lãnh đạo huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Buổi lễ được diễn ra trong không khí tưng bừng của dàn trống hội và những tiết mục múa hát đậm đà sắc màu dân tộc của các nghệ sĩ đến từ quê hương quan họ Bắc Ninh và Phú Thọ. Hàng trăm doanh nhân, cựu chiến binh và nhà hoạt động văn hóa xã hội được nhận những bông hoa rực rỡ, cùng biểu tượng trống đồng rất đẹp.

Các đại biểu tham dự lễ vinh quy bái tổ.

Các đại biểu tham dự lễ vinh quy bái tổ.

Sau bữa cơm đặc sản ở miền Trung du đất Tổ, mọi người lại lên xe, xe có cảnh sát dẫn đường hướng về Nhà Quốc hội ở giữa lòng Thủ đô Hà Nội. Dường như ai cũng lưu luyến và nhớ lại những câu thơ nổi tiếng của Tố Hữu xưa: Sông Thao nao nức sóng dồi/Ai về Hà Nội thì xuôi cùng thuyềnMưa rơi đầm lá cọ/Đôi má em ửng đỏ/Mái tóc ướt cả rồi/Cầm hai bàn tay nhỏ/Muốn hôn quá mà thôi... Sợ em mình xấu hổ/Em đi đường đất mưa rơi/Bùn non son quánh chân đồi Phù Ninh...

Bây giờ từ chân đồi Phù Ninh xuôi về Hà Nội không còn đi bằng thuyền mà đi bằng ôtô trên đường cao tốc chỉ mất 1 giờ 30 phút là đã tới Nhà Quốc hội, hơn 500 con người đã ngồi chật kín cả một hội trường lớn. Thật đẹp lạ lùng! Dường như ai cũng vui sướng, cũng tự hào vì được ngồi trên những chiếc ghế danh dự mà chỉ dành riêng cho những đại biểu của nhân dân cả nước. Những người được ngồi trong Hội trường Quốc hội hôm nay tuy không phải là đại biểu Quốc hội, nhưng đều là những công dân tốt, những cán bộ, những trí thức tốt.

Mở đầu buổi họp mặt Đoàn vinh quy bái tổ xứng danh con cháu Lạc Hồng, GS. Hoàng Chương thay mặt cho hơn 500 đại biểu lên phát biểu. GS xúc động nói về ý nghĩa của cuộc viếng thăm Đền Hùng nhân dịp Giỗ tổ Hùng Vương và nói về lao động sáng tạo đóng góp cho đất nước của đội ngũ tri thức Việt Nam và những điển hình tiên tiến, những người được ngồi trong hội trường lịch sử hôm nay để phát biểu với lãnh đạo Quốc hội, đồng thời tiếp thu những ý kiến chỉ đạo quan trọng của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Tiếp theo là phát biểu của các ông: Thanh Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển văn hóa Hùng Vương, ông Phạm Thiên Hưng - Chủ tịch Hội đồng y Việt - Nga tại Matxcơva, Liên bang Nga, ông Đào Ngọc Quỳnh - Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, tất cả đều bộc lộ lòng tôn kính và biết ơn công đức của các Vua Hùng, biết ơn Đảng, Chính phủ và Quốc hội.

Cả hội trường trở nên lặng yên, tất cả hướng về sân khấu để lắng nghe ý kiến của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Với chất giọng ấm áp, Phó Chủ tịch đã truyền tới từng người tình cảm tốt đẹp của Quốc hội đối với những người lao động, những điển hình trong lao động sáng tạo.

Ông nói: “Trải qua mấy nghìn năm lịch sử, nhân dân Việt Nam lao động cần cù sáng tạo, đấu tranh anh dũng để dựng nước và giữ nước, đã hun đúc nên truyền thống yêu nước đoàn kết nhân nghĩa kiên cường và xây dựng nên nền văn hiến Việt Nam. Trong tâm thức của người Việt Nam từ bao đời nay, Vua Hùng được coi là vị Tổ dựng nước, là Tổ tiên của cả dân tộc Việt Nam và tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị trí quan trọng trong đời sống tâm linh, đã trở thành bản sắc văn hóa, đạo lý truyền thống của người Việt Nam. Tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc đã chính thức vinh danh và công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương tại Phú Thọ là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đó là niềm vinh dự, tự hào và cũng là trách nhiệm lớn lao của nhân dân cả nước để tiếp tục bảo tồn, phát huy Di sản văn hóa Hùng Vương.

Qua nghe báo cáo và các ý kiến phát biểu của các đồng chí, tôi rất vui mừng được biết và đánh giá cao các hoạt động hướng tới ngày Quốc giỗ mồng 10 tháng 3 sắp tới của Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu phát triển văn hóa Hùng Vương, Tạp chí Văn hiến Việt Nam, Ban quản lý khu Di tích Lịch sử Quốc gia Đền Hùng tỉnh Phú Thọ mang ý nghĩa lớn để nhớ về nguồn cội, thành kính tri ân công đức các Vua Hùng, trong đó có chương trình truyền hình trực tiếp “Vinh quy bái tổ - Xứng danh con cháu Lạc Hồng”.

Nhân dịp này, tôi cũng đề nghị thời gian tới, khi đất nước ta đang hội nhập sâu rộng trên các lĩnh vực, cùng với đó là những ảnh hưởng, giao thoa về văn hóa:

Các ngành, các cấp, các cơ quan và các cá nhân phải có những hành động thiết thực để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc, điển hình là Di sản văn hóa Hùng Vương, chú trọng chính sách đầu tư, chính sách sử dụng di sản, phát triển các nguồn lực kinh tế, du lịch, văn hóa một cách bền vững nhằm tiếp tục quảng bá hình ảnh và ý nghĩa nhân văn của Di sản văn hóa Hùng Vương trên khắp cả nước và bạn bè thế giới. Tiếp tục kiên trì, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ý thức về cội nguồn dân tộc, gắn với việc thường xuyên rà soát, điều chỉnh chính sách, cơ chế về bảo vệ di sản. Tiếp tục điều tra, thống kê, đánh giá rõ thêm các di tích thờ cúng Vua Hùng trên phạm vi cả nước để có kế hoạch trùng tu, tôn thờ nơi thờ tự cho trang nghiêm và xứng tầm, sưu tầm, chuẩn hóa điển tích, trình tự nghi lễ thờ cúng Vua Hùng để tạo sự thống nhất trong cả nước.

Đảng, Nhà nước đang và sẽ tiếp tục quan tâm tạo điều kiện cho việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa và ủng hộ những sáng kiến tổ chức những hoạt động mang ý nghĩa sâu sắc nhằm mục đích hiện thực hóa, cụ thể hóa chính sách pháp luật về văn hóa.

Với tình cảm chân thành, quý trọng, tôi tin rằng các đồng chí sẽ tiếp tục cố gắng trong công tác để đóng góp vào nhiệm vụ chung xây dựng đất nước, đưa đất nước ngày càng phát triển. Một lần nữa, tôi xin chúc các đồng chí, các vị đại biểu mạnh khỏe, hạnh phúc, có nhiều sáng tạo, cống hiến mới cho đất nước”.


Hoàng Hoa
Ý kiến của bạn