(ĐọcNgón hoa, tập truyện ngắncủa Phạm Vân Anh - NXB Quân đội Nhân dân 2011)
Phạm Vân Anh vào làng văn bắt đầu từ 3 tập thơ (Tôi chào tôi 2004), (Mùa tình 2006), (Góc 2009) và liên tiếp gặt hái thành công từ lúc khởi nghiệp của những thập niên đầu thế kỷ này. Theo tôi, tác giả thực sự tự tin bước vào viết truyện từ khi về công tác tại Điện ảnh Biên phòng (do đi nhiều, viết khỏe, thâm nhập thực tế ở mảng đề tài còn ít người khai phá); mặc dù manh nha trước đó khi còn ở Hải Phòng, Phạm Vân Anh đã “phát lộ” khả năng muốn mở rộng chiều kích của hiện thực.
Có thể nói, cuốn Ngón hoa với 11 truyện và độ dày vừa phải (khoảng 230 trang sách), Phạm Vân Anh có dụng ý đan xen hai mảng sáng – tối của hiện thực được phơi bày với sự đa dạng, phức hợp mà chủ yếu dựng lên những góc khuất của những phận người mà nhà văn từng gặp gỡ, từng chia sẻ cảm thông (cũng là môi trường sống và công tác của tác giả).
Ký ức trước hương hồn Toại – người bạn lính ôm cột đá - mốc biên giới chấp nhận hy sinh ngày nào khiến ông Tuynh day dứt khôn nguôi trong khi làm công tác định mốc biên giới ám ảnh bạn đọc: Chỉ có điều tao không giữ được nơi mày nằm lại Toại ạ, mày đã thịt nát xương tan không còn thể phách, để hồn về trú ngụ, giờ thì cái vực ấy cũng không còn là nhà của mày nữa. Mày sống khôn thác thiêng thì cứ oán tao nhiều vào nhé. Tao sẽ chiêu hồn mày về bên này cột mốc. Rồi đây cột mốc mới sẽ là nhà mày. Mày sẽ luôn ở bên bảo vệ cột mốc được vững bền vạn thuở (Giữa tầng trời).
Cảm giác nhận biết trên những ngón tay của Lương – cô gái mù làm nghề mát-xa trên da thịt và khuôn mặt của gã đàn ông dày dạn hành nghề đấm đá thuê, mua vui cho thiên hạ, khiến gã hoàn lương làm ta cảm động bởi chi tiết thực: Người đàn ông im lặng, cô cũng lặng im giữa phố đông người hối hả. Ngồi sau xe, cô muốn hỏi ông thật nhiều rồi lại thôi. Thực ra ông là ai, từng làm gì, tại sao bị thương… đối với cô lúc này đâu còn quan trọng. Những ngón tay đã mách bảo cô rằng ông là người tốt và sẽ luôn là người tốt. Cô tin thế! (Ngón hoa).
Ân oán trong sự lợi dụng thân xác, trong mánh mung làm ăn, trong lợi dụng quyền lực dẫn đến cái chết bi thảm là cái giá phải trả quá đắt khi Hường nhận ra sự ác độc, thâm hiểm: Hường chưa hết bàng hoàng, cứ nhìn xác người bất động trên sàn lại nhìn bàn tay mình vấy máu. Trong cô chợt hiện lên khuôn mặt con thoang thoảng mùi sữa và đôi mắt long lanh như sắp khóc. Cô rút điện thoại rồi bấm số… (Lửa hoang).
Nghiệp cầm ca trải qua bao biến thiên của lịch sử làm cho kép Liễn và ông Nghị khi gặp lại xóa bỏ được tị hiềm, xích lại gần nhau (qua cái chết của Nhạn) và chung hòa trong canh hát ấy: Họ nhìn nhau cười vui vẻ. Ông Liễn với tay lấy cây đàn đáy treo trên tường xuống, khuôn mặt ông bừng sáng, những sợi tóc bạc lòa xòa trên trán. “Nào mời đào nương và quan viên vào canh hát cuối đời”. Bà Xoan ngồi xếp bằng trên chiếu, sắp phách ngăn ngắn, bà giáo ông: “- Sao lại canh hát cuối đời, ông phải nói là canh hát mừng chiến thắng. Mừng cho ca trù hồi sinh từ đây: “Bà nói phải. Mừng cho ca trù hồi sinh”. (Ba dây khoắc khoải).
Triết lý trong
Mưa từ đường chân trời là một truyện ngắn hay trong tập sách được ảo hóa bằng một ẩn dụ giữa sự giằng xé của “bản ngã” và “tình yêu” làm cho ta nhức lòng, xa xót:
Bản ngã chỉ tới khi có thể kiếm được gì đó. Cái cây chẳng còn gì, hoàn toàn không còn gì để cho. Bản ngã không tới nữa. Nó là kẻ ăn xin vĩnh viễn, trong trạng thái đòi hỏi liên tục. Tình yêu là nhà từ thiện, tình yêu là thượng đế! Liệu có ông vua nào, nhà từ thiện nào vĩ đại hơn tình yêu không!?Với cuốn Ngón hoa, Phạm Vân Anh đã trải lòng mình theo mọi kiếp nhân sinh với vốn trải nghiệm ban đầu, với vốn tích lũy đời sống thật đáng trân trọng, với lòng yêu đời, yêu người nhuần thấm nhân văn, cảm thông những thân phận nổi nênh, trôi dạt và cũng là minh chứng cho một khả năng bước đầu “nhập cuộc” với văn xuôi. Cuốn sách còn cho ta nhận ra tinh thần quả cảm, sự hy sinh thầm lặng, khuất lấp của các chiến sĩ, cán bộ bảo vệ biên cương hải đảo, hết lòng vì sự bình yên của đời sống hôm nay: Giữa tầng trời, Mười tám mảnh dù hoa, Hải lưu ấm, Bếp nồng đêm lạnh.Một giọng kể thật đằm, một lối dẫn chuyện tinh tế, không kém quyết liệt, dám dấn thân vào một thể loại thật khó, nhưng không kém phần hấp dẫn với những ai bước vào nghiệp văn chương. Tin rằng Phạm Vân Anh cóthể “trụ” được như nhà văn trẻ này từng mong muốn.
Nguyên Thanh