Hà Nội

Gió độc từ Trung Quốc - Thủ phạm gây bệnh ở nhiều nước?

31-05-2014 11:03 | Dược
google news

SKĐS - Luồng gió độc thổi từ vùng Đông Bắc Trung Quốc vào Nhật Bản làm cho bệnh Kawasaki bùng phát.

Theo nguồn tin nước ngoài, trung tuần tháng 5 vừa qua, luồng gió mang khí độc thổi từ vùng Đông Bắc Trung Quốc vào Nhật Bản đã làm cho căn bệnh có tên Kawasaki bùng phát.

Bệnh từ Trung Quốc?

Trung bình, mỗi năm tại Nhật Bản có khoảng 12.000 trẻ em mắc bệnh Kawasaki, căn bệnh rất bí ẩn trên 40 năm nay khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân gây bệnh, nên kết quả điều trị còn hạn chế. Bệnh gây phát ban và sưng lưỡi, sốt cao, nếu nặng và không được điều trị có thể gây sưng động mạch, phình động mạch và nhồi máu cơ tim, thậm chí có thể gây tử vong. Căn bệnh bùng phát gần đây khi người ta phát hiện thấy những cơn gió độc thổi từ vùng Đông Bắc Trung Quốc vào. Trước đó, người ta cũng phát hiện thấy căn bệnh này tại Hàn Quốc và Mỹ, nơi bị ảnh hưởng bởi những luồng gió độc từ Trung Quốc tràn sang, nhưng nó chỉ xuất hiện trong thời gian tương đối ngắn.

Một số triệu chứng của bệnh Kawasaki gồm sốt trên 5 ngày, khô môi, sưng lưỡi, sưng phồng tay chân

Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Kỷ yếu của Viện Hàn lâm khoa học Mỹ (PNAS), thủ phạm gây bệnh trẻ em ở Nhật Bản gần đây là do gió độc từ Trung Quốc, nhưng chỉ trong 2 ngày số trẻ em nhập viện đã giảm khi những cơn gió này đổi chiều, điều này có nghĩa, đây không phải là bệnh truyền nhiễm, lan truyền từ người sang người.

Theo GS. Jane Burns - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh Kawasaki, Đại học California (Mỹ), thì rất có thể còn nhiều nơi khác trên thế giới cũng có người mắc bệnh này, nhưng khoa học đã tập trung vào vùng Đông Bắc Trung Quốc, Nhật Bản, Hawaii và bờ biển phía Tây thuộc Bắc Mỹ để tìm ra tác nhân gây bệnh. Qua nghiên cứu mẫu dòng không khí thu được tại các địa điểm tình nghi cho thấy, bệnh Kawasaki đạt tới mức đỉnh điểm khi gió độc từ một khu vực trồng ngũ cốc rộng lớn ở phía Đông Bắc Trung Quốc tràn sang. Trong nghiên cứu, người ta đã sử dụng máy bay lấy mẫu không khí ở độ cao trên 2km thuộc lãnh thổ Nhật Bản để đưa đi phân tích. Hầu hết, các mẫu không khí này đều có chứa các loại nấm, đặc biệt là Candida, thành viên của họ nấm men, thủ phạm gây ra nhiều loại bệnh phổ biến cho con người trên toàn thế giới. Khi nghiên cứu trên chuột, nấm Candida có liên quan đến hội chứng động mạch vành, tương tự như ở người bệnh Kawasaki.

Sưng đỏ lưỡi là một trong những triệu chứng của bệnh Kawasaki
Sưng đỏ lưỡi là một trong những triệu chứng của bệnh Kawasaki

Do bệnh được tạo ra bởi gió, thời gian ủ bệnh khoảng nửa ngày nên các nhà khoa học cũng tính đến khả năng nhiễm trùng lây lan, nhưng thực tế tại các thành phố lớn, hầu hết trẻ em bị bệnh trong cùng một ngày và giảm ngay sau khi gió đổi hướng. Điều này cho thấy yếu tố lây nhiễm giữa trẻ với trẻ bị loại trừ. Dựa trên những phân tích này, các nhà khoa học cho rằng, một loại độc tố được tạo ra do loại nấm sống trên các loại cây trồng chính là thủ phạm gây bệnh sau đó được gió đưa sang Nhật Bản, tuy nhiên, nguyên nhân chính xác gây bệnh Kawasaki đến nay khoa học chưa có đủ bằng chứng.

Vài nét về bệnh Kawasaki

Kawasaki Diseas (KD) là căn bệnh hàng đầu dẫn đến bệnh tim ở trẻ em, căn bệnh chứa nhiều bí ẩn, thách thức đối với ngành y trong suốt hơn 40 năm qua, đặc biệt là biến chứng viêm mạch cấp tính động mạch vành ở trẻ em. Nguyên nhân gây bệnh Kawasaki vẫn chưa biết hết nên chưa có cách phòng tránh, chữa trị đặc hiệu. Đây là căn bệnh không lây lan nên cũng không cần phải cách ly trẻ tránh tiếp xúc với trẻ đã mắc bệnh.

Bệnh Kawasaki thường tấn công trẻ em từ 6 tháng đến 5 tuổi. Triệu chứng phổ biến gồm sốt, phát ban đỏ kèm vết loang lổ, tấy đỏ và đôi khi xuất hiện ở cả lòng bàn tay và bàn chân, đây thực chất là dấu hiệu của viêm mạch máu.

Tuy chưa thể ngăn ngừa được nhưng bệnh Kawasaki lại có thể được điều trị bằng Gamma globulin, tức là truyền một protein miễn dịch (gamma globulin) qua đường tĩnh mạch để làm giảm nguy cơ xấu đến động mạch vành. Hoặc dùng aspirin liều cao để ngăn ngừa cục máu đông và các phương pháp khác do bác sĩ chỉ định nhằm ngăn chặn biến chứng.

Khắc Nam (Theo DM, 5/2014)

 

Bệnh Sởi
Sởi và biến chứng
(cập nhật liên tục)
Sởi và cách phòng chống

 


Ý kiến của bạn