Hà Nội

Gìn giữ nghệ thuật tạc tượng dân gian Tây Nguyên

09-03-2018 10:22 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tây Nguyên đại ngàn không chỉ nổi tiếng với văn hóa cồng chiêng, những pho sử thi truyền miệng bên bếp lửa, mà còn được biết đến với những pho tượng gỗ thô mộc và hồn nhiên như chính con người và núi rừng nơi đây.

Tượng gỗ dân gian là một loại hình văn hóa khá độc đáo liên quan nhiều đến nghi lễ và lễ hội của các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Những nghệ nhân đã đưa sử thi của dân tộc mình vào nét điêu khắc gỗ, tạo nên các hình khối nhiều cảm xúc.

Môn nghệ thuật đồ sộ và độc đáo

Trước đây, tượng gỗ của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên chủ yếu sử dụng trong trang trí nhà mồ (hay còn gọi là tượng nhà mồ), nhằm tái hiện những tính cách đặc trưng nhất của người đã khuất, thể hiện tình cảm thương yêu của những người thân trong gia đình với người đã mất. Tượng được tạc thô, mộc, bằng những cây gỗ thường, với quan niệm rằng sau thời gian 3 năm (thời điểm bỏ mả) tượng mục nát sẽ về thế giới bên kia cùng người dưới mộ. Sau này, do tác động của văn hóa hiện đại, tạc tượng dân gian Tây Nguyên có thêm các nhóm tượng trang trí trong nhà, trên bàn thờ. Dụng cụ, thao tác tạc tượng cũng có nhiều nét mới, ngoài rìu, đục, cưa... Vì vậy, nhiều tượng tạc ra không chỉ để trang trí trong nhà như trước, mà còn được trưng bày như những tác phẩm nghệ thuật độc đáo. Có thể nói, những pho tượng gỗ dân gian Tây Nguyên được tạc đẽo thô mộc, dãi dầu mưa nắng nhưng luôn mang đến cho người thưởng ngoạn cảm giác mà trong đó vừa ẩn chứa hồn thiêng, vừa như toát lên cốt cách con người, núi rừng đại ngàn... Những dân tộc anh em của núi rừng Tây Nguyên có chung một niềm đam mê trong cuộc sống tinh thần là tạc tượng gỗ dân gian, họ yêu thương con người, yêu thiên nhiên cây cỏ, yêu sông, yêu suối, yêu đời sống văn hóa lễ hội.

Gìn giữ nghệ thuật tạc tượng dân gian Tây NguyênTạc tượng gỗ được duy trì theo hình thức cha truyền con nối, chính vì thế, theo thời gian, loại hình nghệ thuật này đang dần mai một.

Giống như những pho sử thi Tây Nguyên đồ sộ và độc đáo, tượng gỗ dân gian ở Tây Nguyên tuy đa dạng nhưng cũng thật dung dị và gần gũi. Hầu hết các bức tượng khắc họa hình ảnh đời thường từ lao động sản xuất đến sinh hoạt cộng đồng - một cách thể hiện rất “vật thể” trong một không gian văn hóa “phi vật thể” rộng lớn. Các nghệ nhân tạc tượng theo cảm nhận và sự sáng tạo của riêng mình, không bị ràng buộc bởi khuôn mẫu. Sự cộng hưởng giữa sáng tạo cá nhân dựa trên chiều sâu văn hóa nơi đây đã tạo nên những bức tượng độc đáo, không trùng lặp và mang đậm dấu ấn riêng của người nghệ nhân.

Tùy vị trí địa lý hay tộc người mà chủ đề tạc tượng của các nghệ nhân cũng thường khác nhau. Có người chuyên tạc những bức tượng về chủ đề muông thú, về đời sống thiên nhiên..., có những nghệ nhân lại thiên về chủ đề hôn nhân gia đình, tình cha con, vợ chồng, trong khi đó, các nghệ nhân khác lại ưa thích tạc tượng về chủ đề mang tính kế thừa, giữa người già và người trẻ, thế hệ trước và thế hệ sau. Cũng có không ít nghệ nhân hướng đến hình mẫu người phụ nữ, bởi theo họ, phụ nữ luôn đóng vai trò trung tâm trong cuộc sống, là người kết nối tình yêu thiêng liêng gia đình từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Tháo gỡ khó khăn trước mắt

Một nghệ nhân sinh sống tại huyện Đăk Glei cho biết, tạc tượng gỗ được duy trì theo hình thức cha truyền con nối, chính vì thế, theo thời gian, loại hình nghệ thuật này đang dần mai một. Nguyên nhân chính là do ngày nay lớp trẻ bận rộn làm kinh tế, cộng với ảnh hưởng của lối sống hiện đại, nên rất ít người theo đuổi loại hình nghệ thuật độc đáo này. Trước thực trạng đó, những năm qua, tỉnh Kon Tum thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm bảo tồn và phát triển giá trị của nghệ thuật tạc tượng gỗ dân gian như: tổ chức vinh danh các nghệ nhân tạc tượng; thường niên tổ chức cho các nghệ nhân tham gia các hoạt động tại Làng Văn hóa dân tộc Việt Nam tại Hà Nội, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam... Trong các hoạt động đó thì liên hoan tạc tượng gỗ dân gian là một hoạt động nổi bật, thu hút được sự quan tâm, tham gia của các nghệ nhân cũng như của người dân. Đây cũng là dịp để các nghệ nhân của tỉnh Kon Tum trao đổi, học hỏi và chia sẻ kinh nghiệm trong nghệ thuật và cuộc sống với nghệ nhân các tỉnh Tây Nguyên như Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng, qua đó góp phần làm cho nhân dân, du khách nhận thức sâu sắc hơn về những giá trị tinh thần, văn hóa của người Tây Nguyên nói chung, của đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum nói riêng cần được gìn giữ, bảo tồn và phát huy.

Hội thi tạc tượng gỗ dân gian các dân tộc Tây Nguyên được tổ chức thường xuyên đã góp phần đánh thức tình yêu nghệ thuật trong mỗi người dân trên mảnh đất này. Mẹ bồng con, đeo gùi, giã gạo, uống rượu cần, đánh chiêng, nhảy múa cùng muôn thú, chim chóc, cây cỏ... là những đề tài được các nghệ nhân khai thác, tái hiện lại một cách chân thật và bình dị. Nghệ nhân Y Nguin Knul, dân tộc Ê Đê, bày tỏ: “Tôi mong các cấp, ngành trong tỉnh, nhất là ngành văn hóa tổ chức nhiều hội thi tạc tượng gỗ hơn nữa, để bà con các buôn làng đều được tham gia và góp phần giữ gìn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình”.

Có thể nói, những hoạt động trên còn là cơ hội quảng bá, giới thiệu nét văn hóa truyền thống độc đáo, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc vùng Tây Nguyên đến với du khách trong nước và quốc tế.


Nam Phương
Ý kiến của bạn