Gìn giữ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam: Cuộc hành trình gian nan...

23-12-2016 10:48 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ngành múa Việt Nam những ngày cuối năm được “hâm nóng” bằng cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam...

Ngành múa Việt Nam những ngày cuối năm được “hâm nóng” bằng cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam, lần thứ nhất, khu vực phía Bắc và Hội thảo “Từ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam cho đến tác phẩm múa chuyên nghiệp”. Nhiều tín hiệu vui từ cuộc thi múa đã xuất hiện nhưng bên cạnh đó cũng có không ít trăn trở của người làm nghề về việc gìn giữ và phát triển vốn múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Cần những hướng tiếp cận múa dân gian mới

Đây là lần đầu tiên, Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam tổ chức Cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam. 30 tác phẩm được chia thành hai buổi thi là kết quả đáng mừng, vượt xa so với dự đoán ban đầu của Ban Tổ chức. Điều đó chứng tỏ rằng, trong nhịp sống hiện đại, múa dân gian dân tộc vẫn có sức sống bền bỉ và là đề tài được các biên đạo múa quan tâm, khai thác, trong đó có cả đội ngũ biên đạo trẻ. 3 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc, 7 Huy chương Đồng được trao cho các tác phẩm xuất sắc nhất.Gìn giữ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Gìn giữ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam.

Theo đánh giá của NSND Vũ Hoài, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi thì cuộc thi là “bữa tiệc” văn hóa các vùng miền. Các tác phẩm tham gia cuộc thi đã mang đến bức tranh đa sắc về múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, phản ánh sinh động con người, thiên nhiên, bản sắc văn hóa, đời sống lao động, tâm linh, tín ngưỡng, tập quán của đồng bào. Ngôn ngữ, chất liệu múa của 15 dân tộc đã được khai thác, sử dụng, trong đó có cả múa của một số dân tộc ít được biết đến như Sila, Đan Lai, Sán chay, Pa Dí...

Nhiều người nhận định rằng, “điểm sáng” rất đáng quan tâm trong cuộc thi tác phẩm múa chuyên nghiệp các dân tộc thiểu số Việt Nam là đã xuất hiện cách tiếp cận múa dân gian mới, phù hợp với sự phát triển chung của nghệ thuật múa. Có người còn nói rằng, đó là “chìa khóa” để múa dân gian có thể đi đường dài, hòa nhịp với sự phát triển của nhịp sống hiện đại.

Trước đây, khi nói đến múa dân gian, mảng đề tài mang tính “truyền thống” được khai thác nhiều nhất vẫn là hội hè, tình yêu đôi lứa, nghi lễ tâm linh như cầu mùa, cầu mưa, cấp sắc, lễ trưởng thành... Tuy nhiên, giờ đây, mảng đề tài này không còn mới mẻ, dễ trùng lặp với sáng tạo nghệ thuật của các biên đạo trước đó. Hướng tiếp cận múa dân gian mới được đánh giá cao của các biên đạo khi tham gia cuộc thi lần này là tập trung khai thác đời sống, tâm tư tình cảm người dân các dân tộc thiểu số. Đây là cách tiếp cận múa dân gian dân tộc đúng hướng.Muốn có tác phẩm hay, người biên đạo phải có ý tưởng, câu chuyện làm sợi dây xuyên suốt tác phẩm của mình.

Tác phẩm múa Chơi trống (biên đạo Xuân Chiến, âm nhạc Mạnh Tiến) đã thành công khi tái hiện cảnh những người già làng, trưởng bản truyền dạy cách đánh trống cho thế hệ con cháu. Ngôn ngữ múa dân tộc Dao được kết hợp nhuần nhuyễn với ngôn ngữ múa hiện đại phương Tây với tạo hình đẹp mắt, ấn tượng, cách biên bài chặt chẽ đã giúp Chơi trống đạt Huy chương Vàng của cuộc thi.

Tác phẩm Hạt mầm (biên đạo Thanh Tùng, âm nhạc Xuân Dũng, tác phẩm đạt Huy chương Bạc) được đánh giá cao ở ý tưởng và bố cục tác phẩm. Hạt mầm được xây dựng trên chất liệu múa dân gian dân tộc Mông. Đây là tác phẩm múa đôi (múa duo) duy nhất trong tổng số 30 tác phẩm tham gia dự thi. Với múa dân gian dân tộc, việc biên đạo múa ít người khó hơn so với sử dụng đông diễn viên. Thay vì khai thác đề tài vui xuân, chợ tình thường thấy trong múa Mông, Hạt mầm kể về câu chuyện hai vợ chồng sống trên đỉnh núi cao với tình yêu lao động, những đứa con được sinh ra từ tình yêu vợ chồng son sắt. Những luật động, động tác múa dân tộc Mông được hòa quyện tinh tế, uyển chuyển với múa hiện đại, kể rất “ngọt” câu chuyện xuyêt suốt của đôi vợ chồng trẻ.Múa dân gian

Múa dân gian cần có hướng tiếp cận mới.

Vẫn ngổn ngang trăm mối

Trong Hội thảo “Từ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam cho đến tác phẩm múa chuyên nghiệp” có ý kiến cho rằng, điều đáng lo ngại nhất trong sáng tác múa dân gian các dân tộc thiểu số là một số biên đạo, nhất là biên đạo trẻ chưa có trải nghiệm, thực địa để hiểu sâu sắc, tường tận đặc trưng văn hóa của mỗi dân tộc, vùng miền, giá trị văn hóa ẩn sau những động tác, luật động múa. Chính điều này dẫn đến sự khiên cưỡng, thậm chí là nông cạn trong sáng tác múa.

Sự kết hợp giữa múa dân gian với múa đương đại phương Tây là xu thế phát triển tất yếu của nghệ thuật múa. Đây cũng là cách để xây dựng nền nghệ thuật múa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm cũng như hiểu biết về văn hóa dân tộc, vùng miền nên có chỗ sử dụng ngôn ngữ múa sống sượng, phản cảm. Do quá “tham” về việc phô diễn kỹ thuật mà các biên đạo đã cố đưa vào tác phẩm múa những động tác kỹ thuật khó khiến khán giả trầm trồ, thậm chí là “thót tim” như diễn xiếc mà lại chẳng liên quan đến nội dung tác phẩm múa. Những cô gái Mông xinh đẹp được bạn diễn nâng lên, lộn ra phía sau, lộ cả nội y rất phản cảm.Trên thực tế, những động tác múa kiểu này không đúng, không phù hợp với phong tục tập quán, đặc trưng văn hóa của phụ nữ Mông.

Một số biên đạo đã cố gắng khai thác, sử dụng chất liệu múa của các dân tộc “hiếm” tham gia cuộc thi. Do là ngôn ngữ múa mới, chưa được nghiên cứu kỹ lưỡng nên khán giả không thấy được nét đặc trưng riêng trong múa của dân tộc đó. Tác phẩm múa Lằm tửng (biên đạo NSƯT Lâm Nguyên, âm nhạc Hoàng Tuấn) gây nên những luồng dư luận trái chiều. Tác phẩm sử dụng ngôn ngữ múa của dân tộc Đan Lai nhưng chỉ thấy trong đó ngôn ngữ của múa hiện đại phương Tây. Có khán giả còn nhận xét rằng, tác phẩm “lạc đề” khi tham gia cuộc thi, như sử dụng đáp án toán trong một bài thi văn vậy.

Âm nhạc sử dụng cho múa cũng là vấn đề đáng bàn. NSND Vũ Hoài, Trưởng ban Giám khảo cuộc thi nhận xét rằng, một số tác phẩm âm nhạc là sự chắp vá sống sượng các thể loại âm nhạc, tạo nên bản nhạc múa không hoàn chỉnh. Trong Hội thảo “Từ múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam cho đến tác phẩm múa chuyên nghiệp”, NSƯT Vũ Lân bày tỏ sự lo ngại sâu sắc rằng về việc lạm dụng nhạc điện tử trong sáng tác âm nhạc cho múa các dân tộc thiểu số.


Phạm Tường
Ý kiến của bạn