Giết người, dưới góc nhìn của tâm thần học

24-07-2015 08:00 | Thời sự

SKĐS - Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ án giết người man rợ khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, lo sợ.

Gần đây liên tiếp xảy ra những vụ án giết người man rợ khiến dư luận không khỏi bàng hoàng, lo sợ. Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về tâm lý tội phạm, xin cung cấp tới bạn đọc một số thông tin dưới góc độ chuyên môn.

Những kiểu giết người man rợ

Giết người là hành vi man rợ, bị lên án và trừng phạt ở tất cả các nền văn hóa. Về góc độ tâm lý tội phạm, có thể chia ra làm bốn kiểu giết người sau:

Giết người với mục đích cướp của, trả thù... loại này đương nhiên bị coi là tội phạm và sẽ bị pháp luật trừng phạt nghiêm khắc.

Ngộ sát, nạn nhân chết là ngoài ý muốn của thủ phạm. Tội ngộ sát thường được “thông cảm” phần nào và bị trừng phạt nhẹ hơn tội giết người cố ý ở trên.

Một cách điều trị bệnh trầm cảm là sốc điện (ảnh minh họa).

Giết người tự sát. Loại tội này hay gặp ở bệnh nhân trầm cảm. Nạn nhân thường là người thân yêu trong gia đình họ (vợ, con, bố mẹ,...). Bệnh nhân có hoang tưởng tự buộc tội, cho rằng mình đáng chết và lập kế hoạch để tự tử. Trước khi tự tử, họ giết chết nạn nhân cho họ “đỡ khổ” rồi mới tự sát. Đa số các phạm nhân trong trường hợp này thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật vì một lý do duy nhất là họ đã chết. Trường hợp nguy hiểm nhất là trầm cảm sau đẻ, bệnh nhân giết chết em bé sơ sinh hoặc các em bé nhỏ tuổi khác của chính nạn nhân. Các em bé này do còn quá nhỏ nên không có khả năng tự vệ. Bệnh nhân thường lên kế hoạch trước đó vài ngày đến 1-2 tuần. Họ chọn thời điểm gia đình mọi người đi vắng để hành động. Do có sự chuẩn bị trước nên hành động của họ thường là thành công. Có điều, nếu để ý quan tâm đến bệnh nhân, người ta sẽ thấy thủ phạm luôn kêu ca, phàn nàn, tỏ ra bi quan chán nản và muốn chết. Họ thường nói ý định giết người, tự sát của mình với những người thân, nhưng do chủ quan, những người thân trong gia đình thường bỏ qua các lời cảnh báo này. Trầm cảm sau đẻ nhìn chung chữa dễ, chóng hồi phục và hầu như không cần điều trị củng cố. Có điều, lần sinh sau, bệnh nhân sẽ lại bị trầm cảm và lại có ý định giết người, tự sát. Cách điều trị hiệu quả nhất trong trường hợp này là cho bệnh nhân vào khoa tâm thần và điều trị bằng sốc điện...

Xung động giết người. Đây là hành vi rất nguy hiểm, thủ phạm có thể giết một hoặc nhiều người một cách tàn bạo. Họ không cảm thấy ghê tay khi hành động và cũng không dừng lại khi giết đến người cuối cùng. Sau khi giết người, họ có thể tìm cách xóa dấu vết, thái độ lạnh lùng, dửng dưng khiến mọi người sau này sẽ bị bất ngờ khi biết đó là thủ phạm. Các sát thủ này thường có trình độ văn hóa trung học cơ sở hoặc cao hơn. Họ không hề có ý định giết người trước đó nên không chuẩn bị trước hung khí. Khi xuất hiện một va vấp nhỏ với nạn nhân, họ vớ lấy bất cứ thứ gì trong tầm tay để làm hung khí như dao, cành cây, dây thừng, tảng đá,...

Lý giải nguyên nhân của xung động giết người

Có vài loại nguyên nhân dẫn đến hành vi trên, đó là:

Bệnh trầm cảm. Các thủ phạm ra tay tàn độc và lạnh lùng, họ giết một hoặc nhiều người mà không ghê tay. Các bệnh nhân cao tuổi nguy hiểm hơn bệnh nhân ít tuổi. Điều đáng ngạc nhiên là thủ phạm cao tuổi ít bị ngờ đến nhất.

Bệnh tâm thần phân liệt, dưới sự chi phối hành vi của hoang tưởng và ảo giác. Loại này thủ phạm thường bị bệnh từ trước nhưng không được điều trị. Hành vi giết người của họ hay tái diễn khi bệnh tái phát. Bệnh nhân nên được giam giữ suốt đời ở các nhà tù - bệnh viện tâm thần để tránh nguy hiểm cho người khác.

Động kinh, nhất là động kinh cục bộ, phức tạp. Thủ phạm giết người tàn độc với các hành vi cắt cổ, chặt xác nạn nhân ra làm nhiều mảnh. Loại này cũng hay tái phát và đáng bị đối xử như loại trên.

Không có bệnh gì cả. Họ giết người để trả thù cho các mâu thuẫn rất lặt vặt trước đó với nạn nhân. Họ cảm thấy bị kích động khi hạ sát được nạn nhân, sau đó, thủ phạm đủ khôn ngoan để đánh lừa cơ quan điều tra hòng trốn tội. Điều đáng ngạc nhiên là các mâu thuẫn bị coi là động cơ gây án rất nhỏ nhặt. Đa số các trường hợp, kẻ giết người lợi dụng cướp tài sản, hãm hiếp nạn nhân khi hạ sát họ.

Như vậy, tâm lý tội phạm của những kẻ giết người rất phức tạp. Dù là do nguyên nhân gì dẫn đến hành vi gây chết người thì họ cũng đáng bị trừng phạt. Khi xét xử tội của họ, tòa có tính đến các yếu tố bệnh lý tâm thần để xem xét giảm nhẹ tội cho họ. Dù sao đi nữa thì người chết cũng không bao giờ sống lại được. Xã hội cần tìm và triển khai các biện pháp ngăn chặn, tránh để các trường hợp đáng tiếc xảy ra.

PGS.TS. Bùi Quang Huy (Chủ nhiệm Khoa Tâm thần, Bệnh viện 103)

 

 


Ý kiến của bạn