Xung phong lên vùng cao, vùng khó khăn
Chúng tôi gặp chị Bùi Thị Lan trong một chuyến công tác vào vùng lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, huyện biên giới Tương Dương (Nghệ An). Lúc này chị đang một mình hì hục cố vần một bao tải lớn. Dọc chuyến đi tâm sự cùng chị chúng tôi mới biết mấy bao tải nặng đó là quần áo ấm trẻ em mà chị mới kêu gọi, quyên góp được của một tổ chức từ thiện ở TP. Hồ Chí Minh gửi tặng cho trẻ em nghèo nơi chị đang làm việc.
Tốt nghiệp Đại học Văn thư lưu trữ (nay là trường Đại học Nội vụ Hà Nội), chị về công tác tại quê nhà xã Hội Sơn, huyện Anh Sơn, Nghệ An được một thời gian. Đến năm 2004, trong một đợt thu hút lực lượng trẻ lên công tác ở vùng biên giới khó khăn chị đã đăng ký tình nguyện đi. Nơi chị đến nhận công tác là xã Mai Sơn.
Mai Sơn là một trong những xã vùng sâu, vùng xa của huyện Tương Dương, nơi sinh sống tập trung của đa số đồng bào dân tộc Khơ Mú. Hiện toàn xã vẫn còn có hàng trăm hộ dân chưa được sử dụng điện lưới Quốc gia. Do chưa có điện lưới, không sóng điện thoại, các hộ dân không được tiếp cận thông tin liên lạc, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn.
Ngược miền kí ức, nhiều năm về trước, chị Lan nhớ lại: Ngày tôi lên nhận công tác, khi đó con đường phía Tây Nghệ An chưa triển khai nên cách duy nhất để vào các xã lòng hồ thủy điện Bản Vẽ là bằng đi thuyền. Đi lại khó khăn, không điện, không sóng điện thoại, quyết định bỏ công tác không phải là đột ngột mà chính xuất phát từ thực tế quá gian khổ.
Nhưng rồi, hình ảnh nhà tranh vách nứa, những đứa trẻ chẳng đủ ăn, đủ mặc đứng trước hiên nhà suốt dọc hai bên lòng hồ khiến chị Lan thay đổi suy nghĩ, phải làm gì đó có ích cho bà con. Sống với đồng bào một thời gian dài, hơn ai hết, chị thấu hiểu cuộc sống cơ cực của người dân cũng như những gian nan trên đường đến trường của các em nhỏ.
Gieo yêu thương tới trẻ em nghèo
Chị Lan tâm sự: "Mỗi lần nhìn thấy cảnh các em nhỏ đến lớp với đôi chân trần, tấm áo mỏng manh, khuôn mặt tím tái do những cơn gió lạnh mùa đông, tôi lại không kìm được nước mắt. Vì vậy, mỗi lần về quê, tôi đều xin quần áo cũ của gia đình, bạn bè tặng cho các em. Nhưng sức một người sao đủ, tôi bèn nghĩ cách tốt hơn để các em nhận được sự giúp đỡ của cộng đồng.
Thời gian đầu, sóng điện thoại không có, cũng chẳng có điện thoại chụp được ảnh như giờ nên tôi chẳng biết xin thế nào. Mãi đến sau này khi có mạng xã hội và có điện thoại chụp được ảnh tôi cứ chụp lại ảnh những đứa trẻ khó khăn và chia sẻ lên trang cá nhân. Lúc đó mong sao mọi người chia sẻ và biết về sự thiếu thốn, thiệt thòi của trẻ em vùng lòng hồ Bản Vẽ để chia sẻ cho các em".
Rồi những hình ảnh cảm động của chị về những khó khăn của trẻ em vùng lòng hồ cũng được đông đảo mọi người trên mạng xã hội chia sẻ. Nhiều nhóm thiện nguyện, các tấm lòng hảo tâm gần đó cũng biết đến và liên lạc với chị để gửi áo quần, giày dép cho chị vào bản trao cho các cháu.
Nhận thấy việc làm cho trẻ em nghèo của chị rất thiết thực, nhiều cán bộ và giáo viên trong xã Mai Sơn cũng hưởng ứng hỗ trợ chị đi nhận đồ và phát đồ từ thiện cho trẻ tại các bản.
Cũng từ những lần đi vào bản thăm những đứa trẻ nghèo chị đem lòng yêu mến thầy giáo Lữ Văn Thịnh (SN 1977) dạy trường THCS bán trú Mai Sơn, cũng là một người con đồng bào Khơ Mú ờ đây, người hiếm hoi quyết tâm học lên cao và được gia đình tạo điều kiện. Đến năm 2007, anh và chị tổ chức đám cưới và sinh sống cùng gia đình chồng tại bản Huồi Tố 1, xã Mai Sơn.
Từ năm 2015, khi con đường miền tây Nghệ An đi vào hoạt động việc đi lại thuận tiện hơn, các nhóm thiện nguyện qua những thông tin mà chị cung cấp đã vào đến tận xã Mai Sơn phát quà, tổ chức trung thu, tết ấm cho những trẻ em nghèo nơi đây. Những ngày nghỉ chị lại cùng các cán bộ, giáo viên nơi đây đưa quần áo đi phát cho học sinh, trẻ em từng bản nghèo.
Gần 20 năm gắn bó với vùng biên giới, chị Bùi Thị Lan, thấu hiểu sự những khó khăn, vất vả của bà con nơi đây, nhất là các em học sinh. Bởi vậy, chị luôn nỗ lực, tìm cách kêu gọi ủng hộ quà, sách vở, quần áo để cho các em vơi bớt đi sự thiếu thốn, hướng tới một tương lai tươi sáng hơn. Dù vẫn còn nhiều gian nan, nhưng chị rất vui khi thấy những cống hiến của mình mang lại đời sống tốt cho bà con nơi đây.