Hà Nội

Gien cổ có làm tăng nặng bệnh nhân mắc COVID-19?

10-07-2020 12:51 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Mới đây các nhà khoa học Đức và Thụy Điển đã tìm thấy một nhóm gien cổ xưa có thể làm tăng nặng bệnh nhân mắc COVID-19.

Nghiên cứu trên 3.199 bệnh nhân mắc bệnh COVID-19 ở Italia và Tây Ban Nha, các nhà khoa học Đức và Thụy Điển đã phát hiện thấy dấu hiệu di truyền từ người cổ xưa làm cho bệnh COVID-19 nặng hơn. Theo đó, những người mang một bộ gien nhất định được di truyền từ người Neanderthal thì tỷ lệ tử vong cao hơn những người không mang các gien này. Mã di truyền lần đầu tiên được phát hiện ở một người Neanderthal từ Croatia 50.000 năm trước và nay vẫn còn phổ biến ở người Nam Á, đặc biệt là Bangladesh. Ngoài ra, các gien này cũng được tìm thấy ở khoảng 8% người châu Âu và 4% người Mỹ. Trong quá trình tiến hóa, những gien cổ xưa nói trên có thể đã ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch và nay nó lại tăng nguy cơ phản ứng miễn dịch quá mức. Những người mang đầy đủ nhóm gien này có nguy cơ mắc COVID-19 nặng gấp 3 lần người không mang gien này.

Liệu gien có làm tăng nặng ở bệnh nhân mắc COVID-19?

Cụ thể, các nhà khoa học đã tìm thấy 6 gien khiến bệnh nhân COVID-19 có thể trở nên nặng thêm, liên quan đến chủng tộc người Neanderthal từ khoảng 60.000 năm trước. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa hiểu nguyên nhân vì sao những đoạn gien này làm tăng nguy cơ nhiễm COVID-19 nặng hơn người bình thường. Đoạn mã này bao gồm 6 gien nằm trên nhiễm sắc thể số 3 và hiện vẫn phổ biến trong khoảng 63% dân số ở Bangladesh và 1/3 số người ở khu vực Bắc Á. Tuy nhiên, con số này thấp hơn nhiều ở những khu vực khác, 8% châu Âu và 4% ở khu vực Đông Á nhưng ở châu Phi nhóm gien này hầu như không tồn tại.

Phát hiện trên có gì đó trái ngược với những giả thiết trước đây, rằng nhóm máu không liên quan nhiều tới việc nhiễm SARS-CoV-2. Vì vậy nghiên cứu vẫn đang tiếp tục để tìm ra câu trả lời về mối liên quan giữa COVID-19 và nhóm gien cổ của người Neanderthal.


Khắc Hùng
Ý kiến của bạn