Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Trật tự, An toàn giao thông thay thế Luật Giao thông đường bộ năm 2008, trong đó Luật mới được ban hành có nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình giao thông tại Việt Nam, luật mới khắc phục được một số hạn chế, thiếu sót của Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Đặc biệt, tại điều 58 Luật mới nêu về điểm của GPLX, điểm của GPLX được dùng để quản lý việc chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ của người lái xe trên hệ thống cơ sở dữ liệu về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bao gồm 12 điểm.
Số điểm trừ mỗi lần vi phạm tùy thuộc tính chất, mức độ của hành vi vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ
Dữ liệu về điểm trừ GPLX của người vi phạm sẽ được cập nhật vào hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi quyết định xử phạt có hiệu lực thi hành và thông báo cho người bị trừ điểm GPLX biết.
Tại khoản 2 điều 58 Luật quy định, GPLX được phục hồi đủ 12 điểm khi chưa bị trừ hết điểm và không bị trừ điểm trong thời hạn 12 tháng kể từ ngày bị trừ điểm gần nhất.
Trường hợp người được cấp GPLX bị trừ hết điểm có được lái xe hay không và có phải thi lại không?
Luật sư Nguyễn Văn Nam - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, tại khoản 1 điều 56 Luật mới quy định, người lái xe tham gia giao thông đường bộ phải đủ tuổi, sức khỏe theo quy định; có GPLX còn hiệu lực phù hợp với loại xe đang điều khiển do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Như vậy, với quy định này, người lái xe mà có GPLX bị trừ hết điểm đương nhiên không được phép lái xe tương ứng với loại giấy phép bị trừ điểm.
Đồng thời, tại điều 58 Luật quy định, sau thời hạn ít nhất 6 tháng kể từ ngày bị trừ hết điểm, người có GPLX được tham gia kiểm tra nội dung kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có kết quả đạt yêu cầu thì được phục hồi đủ 12 điểm.
Theo quy định này, người có GPLX bị trừ hết điểm phải đợi trong khoảng thời gian ít nhất là 6 tháng mới được tham gia kiểm tra các kiến thức về tham gia giao thông và khi kết quả đạt được phục hồi với số điểm là 12.
Ngoài ra, tại khoản 1 điều 59 Luật quy định về độ tuổi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ như sau:
Người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy;
Người đủ 18 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng A1, A, B1, B, C1, được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để điều khiển xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ;
Người đủ 21 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng C, BE;
Người đủ 24 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D1, D2, C1E, CE;
Người đủ 27 tuổi trở lên được cấp giấy phép lái xe hạng D, D1E, D2E, DE;
Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người (kể cả xe buýt) trên 29 chỗ (không kể chỗ của người lái xe), xe ô tô chở người giường nằm là đủ 57 tuổi đối với nam, đủ 55 tuổi đối với nữ.