Giấy dó - Chất liệu hội họa đương đại

25-07-2013 15:04 | Văn hóa – Giải trí
google news

Một chất liệu truyền thống từ xa xưa ban đầu được sử dụng để viết văn bản chữ Hán nôm, làm giấy sắc phong, in tranh khắc cho các triều đình nhà nước phong kiến nay trở thành chất liệu sáng tác hội họa thông dụng, tuyệt vời.

Một chất liệu truyền thống từ xa xưa ban đầu được sử dụng để viết văn bản chữ Hán nôm, làm giấy sắc phong, in tranh khắc cho các triều đình nhà nước phong kiến nay trở thành chất liệu sáng tác hội họa thông dụng, tuyệt vời.

Những bước đi đầu tiên

Dó là một loại giấy để càng lâu càng vẽ đẹp, ăn màu rất chuẩn theo đôi tay điều chỉnh của họa sĩ. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể vẽ đẹp trên giấy dó, một khi chất liệu này đã sa bút lỡ tay bị lỗi thì khó khắc phục hơn các chất liệu khác. Đó là chân dung của giấy dó. Trong bối cảnh mà các chất liệu sáng tác hội họa ngày càng phong phú, nhiều họa sĩ vẫn lựa chọn giấy dó để ký gửi cảm hứng, tâm sự và tài năng. Từ một thể nghiệm, vốn chỉ được dùng để in hay ký họa, giấy dó đã trở thành bạn đồng hành của họ trên con đường tìm đến với vẻ đẹp hội họa trên một giá trị truyền thống. Những triển lãm chuyên đề riêng về tranh giấy dó của các họa sĩ trong nước như họa sĩ Chóe, Ngô Bình Thiểm, Đỗ Đức Văn Bắc, Phan Cẩm Thượng, Lê Quốc Việt, Nguyễn Xuân Tiệp... đã trực tiếp khẳng định vai trò của giấy dó trong đời sống hội họa Việt Nam.

Giấy dó - Chất liệu hội họa đương đại 1
Chất liệu giấy dó ngày càng được các nghệ sĩ ưa chuộng.    

Gần đây, nhiều họa sĩ có tên tuổi cũng lần lượt trình làng sáng tạo hội họa trên giấy dó. Đó là 36 tác phẩm được vẽ trên giấy dó của họa sĩ Đặng Tin Tưởng, một trong những họa sĩ gạo cội của mỹ thuật Việt Nam. Như một cơ duyên, từ sơn khắc, họa sĩ Đặng Tin Tưởng đã chuyển sang vẽ bằng mực tàu trên giấy dó. Các tác phẩm càng trở nên tượng hình duyên dáng khi chủ đề chính là những phong cảnh tuyệt đẹp mang đậm dấu ấn của đất nước như Sapa, Hạ Long...

Tương tự, họa sĩ Lý Trực Sơn vốn là một cái tên được biết đến với kỹ thuật sơn mài đặc sắc đã âm thầm vẽ tranh trên giấy gió cách đây 27 năm, nay mới mang ra trình làng. Đặc biệt, họa sĩ Lý Trực Sơn còn kỳ công mày mò, tìm kiếm những chất liệu, màu sắc mới để dùng thay màu công nghiệp. Đó là những màu sắc tự nhiên được chế xuất từ thảo mộc như củ nâu, cây nghệ đen, hoa đậu biếc mua từ khắp nơi, trên các vùng dân tộc. Sự tươi tắn, đẹp mắt của những bức tranh thực sự hút hồn công chúng thưởng thức.

Chất liệu hội họa đương đại

Không những các họa sĩ có tay nghề lâu năm mà ngay cả những người trẻ, người nước ngoài cũng có cảm hứng khám phá và có niềm đam mê sáng tạo trên chất liệu giấy dó truyền thống. Đó là trường hợp của họa sĩ trẻ Lê Hiền Minh. 4 tranh, 9 tác phẩm điêu khắc sắp đặt quy mô lớn, giấy dó là chất liệu xuyên suốt triển lãm Dó 10 của họa sĩ trẻ hiện đang định cư ở nước ngoài. Từ những tờ giấy dó được người nhà gửi sang, Lê Hiền Minh đã thử nghiệm vẽ bằng bột màu những bức tranh đầu tiên trên chất liệu này. Từ đó, họa sĩ trẻ nảy ra nhiều ý tưởng mới khi vẽ bằng bột mì Hàn Quốc, "biến hóa" giấy dó thành vật thể điêu khắc hay giữ nguyên màu cơ bản của dó, tinh giản hình thể, màu sắc, tạo hình. Các tác phẩm này đã giúp chị dành được nhiều giải thưởng hội họa lớn của Mỹ và Hàn Quốc.

Triển lãm gồm 31 bức vẽ bằng chất liệu màu tro tự nhiên (màu lấy từ lá tre đốt lên) trên chất liệu giấy dó của họa sĩ tự do người Pháp, Jean Cabane thực sự là một bất ngờ quá lớn với công chúng yêu hội họa. Ở đó, những vùng đất từng đi qua, những câu chuyện từng biết đến được kể lại hết sức duyên dáng, thuần Việt. Những họa phẩm của Jean Cabane thoát thai trên mặt giấy như mời gọi người xem thử dấn mình vào sự khai mở vạn vật muôn hình vạn trạng hay muôn cảnh vật thấp thoáng nhân hình. “Không có màu gì để diễn tả sự trong sáng, cũng không có màu gì tải hết sự sâu sắc tâm hồn Việt, vẻ đẹp Việt, tôi dùng nguyên liệu giấy dó như một cách để chính nó tự nói về mình”, họa sĩ người Pháp tâm sự.

Một loại hình sáng tạo cũng được ca ngợi gần đây, đó là tranh thêu trên giấy dó. Độ xù xì tự nhiên, độ dai vừa phải nhưng vẫn rất tinh khôi, mỏng manh, mềm mại đầy nét tự nhiên của giấy dó đã khiến một số nghệ nhân thêu tranh chọn lựa chất liệu này để mang đến những sản phẩm thanh tao, quý giá cho công chúng. Giấy dó đã đi vào đời sống thêm một loại hình nghệ thuật như thế.

Với những bước đệm thành công, giấy dó đang dần trở thành một chất liệu được chú ý khi người họa sĩ muốn thể hiện tinh thần thuần Việt cũng như lột tả tâm hồn con người trong tác phẩm. Một chất liệu truyền thống tưởng đã bị lãng quên đã dần bước vào hành trình sáng tạo nghệ thuật đương đại và có tầm quan trọng như thế.

Diệu Yến



Ý kiến của bạn