Hà Nội

“Giấy đi đường” cho nhiều hoa quả “truyền thống” trong mùa dịch

17-09-2021 17:56 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiếm khi nào “chợ điện tử” lại trở thành kênh tiêu thụ nông sản rầm rộ như trong dịch COVID-19, đây vừa là hướng đi mới, vừa là “lối thoát” cho nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất, phân phối nông sản…

Nhiều "lính mới" lên mạng

Từ cuối tháng 8, đầu tháng 9-2021, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Sở Công Thương Hà Tĩnh kết nối và tổ chức phân phối bưởi Phúc Trạch thông qua chương trình "Gian hàng Việt trực tuyến Quốc gia" và trên các Sàn thương mại điện tử lớn như: Voso, Postmart, Sendo, Shopee, Tiki, Lazada...

Đáng chú ý, đây là lần đầu bưởi Phúc Trạch đăng ký gian hàng trên nhiều sàn thương mại điện tử lớn, trong bối cảnh được mùa song khâu tiêu thụ gặp khó do dịch bệnh.

Theo báo cáo của tỉnh Hà Tĩnh, năm 2021 tổng diện tích trồng bưởi tại 19 xã thuộc vùng chỉ dẫn địa lý bưởi Phúc Trạch là 2.593 ha, trong đó có 1.777 ha bưởi thời kỳ kinh doanh (cho quả); 160 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và gần 2.800 hộ sản xuất; tổng sản lượng trên 21.000 tấn, năng suất đạt trên 12 tấn/ha.

Ông Võ Tá Nghĩa, Phó giám đốc Sở Công Thương Hà Tĩnh cho biết, dịch bệnh khiến vận chuyển gặp khó khăn, việc bưởi Phúc Trạch lên sàn thương mại điện tử giúp người dân giảm bớt áp lực trong khâu tiêu thụ do dịch bệnh như hiện nay.

“Giấy đi đường” cho nhiều hoa quả “truyền thống” trong mùa dịch - Ảnh 1.

Nhiều phiên chợ "livestream" cho các sản phẩm nông sản tại Hà Nội được tổ chức

Bưởi Phúc Trạch được bán trên sàn thương mại điện tử với mức giá từ 30.000 - 70.000 đồng/quả tùy loại. Ông Trần Trung Kiên, Giám đốc sàn thương mại điện tử Vỏ Sò cho biết, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và các cơ quan quản lý, sàn đã nhanh chóng tiếp cận với 120 hộ trồng bưởi chính gốc Hà Tĩnh, đạt tiêu chuẩn VietGAP để đưa sản phẩm lên sàn Vỏ Sò, mở một đầu ra mới cho bà con nông dân trong bối cảnh dịch bệnh.

Quả nhãn lồng đặc sản của tỉnh Hưng Yên cũng là lần đầu tiên tham gia trên sàn thương mại điện tử Sendo. Nhãn lồng Hương Chi (Hưng Yên) – thứ đặc sản tiến vua xưa kia nay có mặt ngay cho khách hàng Hà Nội khi đặt hàng online.

Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, rất nhiều các sàn thương mại điện tử lớn khác cũng đã có phương án phối hợp để triển khai tiêu thụ nhãn lồng Hưng Yên trong cả mùa.

Mặc dù hiện tại việc giao hàng gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh giãn cách xã hội, tuy nhiên các sàn thương mại điện tử vẫn đang không ngừng cố gắng nhằm đảm bảo sau khi đơn hàng được đặt trên các sàn thương mại điện tử, các mặt hàng đặc sản vẫn sẽ được đảm bảo, giữ hương vị tươi ngon khi giao đến tay khách hàng.

“Giấy đi đường” cho nhiều hoa quả “truyền thống” trong mùa dịch - Ảnh 2.

Quả bưởi lần đầu lên sàn điện tử và tiêu thụ khá tốt

Về các tỉnh phía Nam, quả sầu riêng cũng được đẩy mạnh tiêu thụ "online" trong thời gian qua, một trong những kênh hiệu quả là thương mại điện tử. Sầu riêng Đắk Lắk đang vào mùa số lượng dự kiến tới 103.000 tấn. Do dịch bệnh, hoạt động lưu thông, thu mua gặp nhiều khó khăn, nên một số sàn thương mại điện tử cũng đã vào cuộc để góp phần tăng lượng tiêu thụ sản phẩm đến vụ của các địa phương.

Đại diện sàn thương mại điện tử Sendo cho biết đã kết nối với tỉnh Đắk Lắk, trước mắt do vận chuyển trong nội thành TP HCM và các tỉnh phía Nam đang giãn cách xã hội khó khăn, Sendo sẽ không phát triển tiêu thụ mặt hàng này qua kênh bán lẻ mà chuyển sang bán buôn, bỏ sỉ.

 

Kênh tiêu thụ mới của những mặt hàng truyền thống

Trước đó, một trong những mặt hàng "tiên phong" lên chợ mạng là quả vải thiều của Bắc Giang, Hải Dương. Hàng ngàn tấn vải đã được tiêu thụ, hỗ trợ người nông dân tìm thêm kênh bán hàng mới.

Các nông sản của tỉnh Sơn La như xoài, mận cũng gặp khó khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc tiêu thụ hàng hóa gặp trở ngại do việc lưu thông và xuất khẩu hàng hóa bị hạn chế, cũng đều tìm đến giải pháp lên các sàn thương mại điện tử, với sự hỗ trợ của các bộ ngành và doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Sản phẩm xoài tròn Yên Châu, mận của tỉnh Sơn La đã được bán trên sàn thương mại điện tử Shopee. Mức giá theo khảo sát của phóng viên dao động từ 15.000 đến 30.000 đồng/kg. Các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đều được Cục Xúc tiến Thương mại hỗ trợ truy xuất nguồn gốc sản phẩm, gắn tem nhãn, đảm bảo minh bạch thông tin sản phẩm.

Một số DN ứng phó linh hoạt hơn, đã coi đại dịch COVID-19 là cơ hội để tái cơ cấu, chuyển mình theo hướng đi mới. Đầu năm 2021, Công ty TNHH XNK Hoa Quả Sơn không nằm ngoài vòng xoáy dịch bệnh, nhiều mặt hàng nông sản của Công ty TNHH XNK Hoa Quả Sơn gặp rất nhiều khó khăn trong việc xuất nhập khẩu, công ty đã nhanh chóng chuyển hướng sang thị trường nội địa với việc "đào sâu" vào quả vải thiều.

Anh Trần Xuân Sơn – Giám đốc Công ty TNHH XNK Hoa quả Sơn chia sẻ: Khác với mọi năm, câu nói cửa miệng "Được mùa mất giá hay được giá mất mùa", không xuất hiện trong vụ vải năm nay tại Bắc Giang, mà thay vào đó là sự lo lắng của người nông dân khi "Được mùa đúng dịch COVID-19".

Anh và nhiều đồng nghiệp doanh nhân thực hiện tiểu dự án "Chung tay cùng người nông dân Bắc Giang tiêu thụ nông sản". Công ty hỗ trợ bà con nông dân Bắc Giang tiêu thụ hàng trăm tấn vải thiều vào cuối tháng 5 đầu tháng 6, không phải với tư duy "giải cứu", mà trái lại, "nâng cấp" quả vải bằng phương pháp đóng gói, phân loại sản phẩm chuyên nghiệp để giữ cho quả vải tươi ngon khi đến tay khách hàng sử dụng.

“Giấy đi đường” cho nhiều hoa quả “truyền thống” trong mùa dịch - Ảnh 4.

Quả vải Hải Dương, Bắc Giang năm nay được tiêu thụ rất tốt nhờ các DN đẩy mạnh cả kênh bán hàng truyền thống lẫn online

"Tiểu dự án này không chỉ hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm nông sản của quê hương Bắc Giang, mà cũng chính là nơi chúng tôi áp dụng những bài học kinh doanh tuyệt vời để tăng giá trị của quả vải thiều", anh Trần Xuân Sơn cho hay.

Bên cạnh đó, nhằm "sống chung" với đại dịch Covid-19, Công ty TNHH XNK Hoa Quả Sơn đã tận dụng công nghệ số để tồn tại.

Trải qua ảnh hưởng của các đợt giãn cách, thói quen mua sắm của người tiêu dùng đã và đang thay đổi với tốc độ nhanh chưa từng thấy. Sự thay đổi này buộc các doanh nghiệp phải thích ứng và thay đổi nếu muốn duy trì và tăng doanh thu. 


Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ.

8594897489089266919


Minh Thu
Ý kiến của bạn