Đó là câu nói của ông bà ta từ ngàn xưa mà đến nay vẫn như một chân lý. Có đôi mắt là có tất cả. Tuy nhiên, khi theo chân chương trình khám mắt cộng đồng thường niên của công ty Rohto-Mentholatum (Việt Nam) năm 2014, chúng tôi có dịp gặp gỡ và trò chuyện với nhiều người dân. Có những bác dù lớn tuổi nhưng chưa một lần được khám mắt, hay có những em nhỏ mắt bị cận từ lâu nhưng gia đình không phát hiện. Điều kiện kinh tế và phương tiện đi lại còn nhiều khó khăn khiến tình trạng bệnh mắt của người dân ở các vùng sâu, vùng xa ngày một nặng thêm, vì không được phát hiện và chữa trị kịp thời.
Theo thống kê từ chương trình Chăm sóc Mắt cộng đồng năm 2013, có hơn 62% trong số hơn 30.000 người dân được khám mắc nhiều bệnh về mắt như: tật khúc xạ (cận, viễn, loạn thị), sung huyết kết mạc, đục thủy tinh thể… nhưng ít ai có điều kiện chăm sóc và điều trị cho chính đôi mắt mình. Từ số liệu trên cho thấy, công tác phòng ngừa các bệnh mắt là hết sức cấp thiết, đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội, các tổ chức và ý thức của mỗi người dân.

Tại chương trình Khám mắt cộng đồng 2014 “Nâng niu đôi mắt cho thế giới tốt đẹp hơn” được công ty Rohto-Mentholatum (Việt Nam) tổ chức đầu tiên ở Đồng Tháp, đã có khoảng 4.000 người dân được các bác sĩ, là những chuyên gia trong lĩnh vực nhãn khoa Bệnh viện mắt Cao Thắng, khám và tư vấn các bệnh về mắt, cũng như hướng dẫn cách chăm sóc và bảo vệ mắt đúng cách. Đây là nguồn động viên tinh thần to lớn đối với người dân Đồng Tháp, giúp họ hiểu hơn về tình trạng sức khỏe mắt của mình, từ đó nâng cao ý thức chăm sóc đôi mắt cho bản thân và gia đình.
Bác sĩ N.T nhiều lần đến với chương trình Khám mắt cộng đồng, tâm sự: “Đến với người dân nơi đây, chúng tôi hướng dẫn họ cách chăm sóc; trực tiếp khám, tư vấn các bệnh về mắt và phát thuốc. Càng tiếp xúc nhiều, càng thấu hiểu sự thiếu thốn của họ về điều kiện chăm sóc mắt, chúng tôi càng thêm trân trọng và đồng cảm với mong muốn có đôi mắt sáng khỏe”.
Ông Nguyễn Minh L chia sẻ: “Tôi thuộc diện vùng kinh tế khó khăn. Mắt mờ từ 10 năm nay. Sống trong cảnh “tranh tối, tranh sáng”, mọi sinh hoạt hằng ngày của tôi cũng vì thế mà gặp nhiều khó khăn. May nhờ các bác sĩ của chương trình Khám mắt cộng đồng tư vấn, khám và cấp phát thuốc. Tôi rất vui mừng và xúc động. Ngoài ra, chương trình còn tài trợ một phần kinh phí cho tôi để mổ mắt. Tôi rất cảm ơn đoàn bác sĩ của chương trình Khám mắt cộng đồng đã đến Đồng Tháp.”
Mỗi năm, hành trình thiện nguyện khám mắt cộng đồng đã đến các vùng miền khác nhau nhằm tạo điều kiện để người dân trên cả nước có cơ hội được khám mắt, nâng cao ý thức chăm sóc và bảo vệ mắt cho một thế giới tốt đẹp hơn. Đây là điều hết sức đáng quý và hy vọng ngày càng nhiều nghĩa tình cao đẹp vươn rộng đến với bà con nghèo.
Lời khuyên của thầy thuốc
Giữ cho mắt sạch sẽ
Trước hết phải giữ đôi bàn tay sạch sẽ, rửa tay bằng xà phòng. Tránh đưa tay lên dụi mắt nhiều lần, nhất là trong trường hợp đỏ mắt. Nếu cần chậm nước mắt, nên dùng một cục bông nhỏ hoặc gạc vô trùng, dùng xong bỏ ngay.
Sau một ngày làm việc nên rủa mặt sạch, trường hợp cần thiết (cảm giác cộm xốn bụi mắt) có thể nhỏ vài giọt thuốc nhỏ mắt.
Mắt và ánh sáng
Ban ngày lúc đọc viết, nên dùng ánh sáng tự nhiên, phân bố đều, dịu, sẽ không làm mỏi mắt. Ban đêm, khi dùng ánh sáng nhân tạo như đèn neon, đèn dây tóc… phải chú ý đến cường độ ánh sáng và hướng chiếu sáng. Cường độ ánh sáng phải đủ, không nên đọc sách nơi tranh tối tranh sáng.
Khoảng cách từ trang sách đến mắt
Khoảng từ 30 - 40cm. Để gần quá mắt phải điều tiết nhiều gây mỏi mắt, để xa khó nhìn. Khi đọc, viết độ 1 giờ nên cho mắt nghỉ ngơi bằng cách khép hờ mắt hoặc nhìn ra xa vài phút.
Vệ sinh mắt khi ngủ
Khi ngủ nên hạn chế ánh sáng tối đa bởi vì ánh sáng kích thích thị giác, tạo hưng phấn vỏ não gây khó ngủ. Nên mở cửa sổ cho thông thoáng vì lúc ngủ mắt cũng cần oxy để “thở”.
Đăng Khoa