Đây là những suy nghĩ sai lầm, để lại hậu quả tai hại cho sức khỏe người bệnh và cộng đồng.
Thiếu kiến thức về HIV khiến một số thanh niên không sợ mắc HIV
ThS.BS. Hoàng Nam Thái, Phó trưởng ban Dự phòng và Điều trị HIV, Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ tại Việt Nam cho biết, thực tế là nhiều học sinh ở bậc THCS, THPT không biết HIV là gì, không có kiến thức, hiểu biết về HIV/AIDS.
Có những bạn trẻ sợ mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục như chlamydia, giang mai, lậu hơn cả HIV. Họ cho rằng, nếu nhiễm HIV sau 5-7 năm mới chuyển sang AIDS và gây nguy hiểm đến tính mạng, trong khi mắc giang mai có thể gây ảnh hưởng đến vẻ ngoài của họ ngay. Điều này phản ánh nhu cầu của giới trẻ rất đa dạng, họ có nhiều mối quan tâm khác về sức khỏe và cơ thể của mình hơn là căn bệnh HIV.
Theo ThS.BS. Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng Phòng Giám sát và Xét nghiệm, Cục Phòng, Chống HIV/AIDS một trong những mục tiêu Việt Nam phải đạt được là 80% người dân phải có kiến thức, thông tin, hiểu biết về HIV. Tuy nhiên một điều tra được Tổng cục Thống kê thực hiện vào năm 2021 cho thấy, chưa đến 50% những người được khảo sát (trong 2 nhóm tuổi dưới 24 và từ 24-30 tuổi) có hiểu biết về HIV. Như vậy để đạt được con số 80% là điều không dễ dàng.
"Tình trạng gia tăng lây nhiễm HIV ở độ tuổi từ 15-24 tuổi thực sự đáng báo động, là một thách thức rất lớn đối với mục tiêu Chấm dứt bệnh AIDS tại Việt Nam vào năm 2030. Nếu chúng ta kiểm soát được dịch trong độ tuổi này ở thì hiện tại thì chúng ta sẽ kiểm soát được dịch bệnh HIV trong tương lai. Nếu ngược lại, những thế hệ tiếp theo sẽ phải gánh chịu những hậu quả", Ths.BS Hoàng Nam Thái nói.
Hiến kế để ngăn chặn gia tăng HIV trong giới trẻ
Việc cung cấp thông tin, kiến thức về HIV cho giới trẻ ngay từ khi nhóm đối tượng này đang còn ngồi trên ghế nhà trường là rất quan trọng. Theo TS.BS Hoàng Nam Thái, nên cung cấp thông tin 1 cách đầy đủ rằng hiện tại đã có dịch vụ dự phòng, điều trị HIV rất tốt. Khi sử dụng dịch vụ đó, không chỉ dự phòng HIV cho bản thân và ngăn chặn được sự lan truyền HIV cho cộng đồng. Hiện tại đã có những thuốc điều trị HIV rất hiệu quả.
"Dự phòng chủ động và bảo vệ bản thân và cộng đồng không bị nhiễm HIV tốt hơn rất nhiều so với việc sống chung với HIV'', Ths.BS Hoàng Nam Thái nhấn mạnh.
Nếu nói HIV như một vấn đề sức khỏe riêng rẽ không đủ hấp dẫn, thu hút sự chú ý của giới trẻ. Cần lồng ghép chủ đề HIV vào các vấn đề giới trẻ quan tâm như tình yêu, sức khỏe tình dục… mới thu hút được giới trẻ tham gia.
Ths.BS Hoàng Nam Thái cho rằng, khi có bất cứ hành vi nguy cơ nào, thanh niên, vị thành niên nên tìm đến xét nghiệm HIV để biết tình trạng của mình. Nếu được phát hiện HIV sẽ được điều trị ARV sớm và đủ liệu trình, từ đó kiểm soát nồng độ virus ở mức dưới ngưỡng phát hiện thì người bệnh sẽ sống, sinh hoạt hoàn toàn bình thường và không có nguy cơ lây bệnh ra cộng đồng. Nếu xét nghiệm HIV âm tính, vị thành niên có thể được sử dụng điều trị dự phòng chủ động PrEP để bảo vệ họ không mắc HIV trong tương lai.
Đối với nhóm nam quan hệ đồng giới (MSM) việc thu hút họ tiếp cận và sử dụng dịch vụ khó hơn rất nhiều so với nhóm đối tượng khác. Các cơ sở y tế, điểm tư vấn dịch vụ không chỉ cần đa dạng loại hình xét nghiệm, mà có thể cung cấp dịch vụ từ xa, dịch vụ lưu động để những đối tượng trẻ, đang trong độ tuổi lao động có thể dễ dàng tiếp cận mọi lúc, mọi nơi.
Bên cạnh đó, cần đáp ứng nhu cầu đa dạng của thanh thiếu niên, người lao động trẻ, họ là những đối tượng khác nhau, kể cả người chuyển giới, đồng tính… Việc kết hợp cung cấp thông tin về HIV với những thông tin về giới, sức khỏe sinh sản sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu của giới trẻ.
"Cần có sự phối hợp liên ngành để đưa được thông tin, kiến thức về HIV đến các đối tượng trẻ. Đó là sự phối hợp giữa ngành y tế, giáo dục và ngành lao động xã hội trong việc bảo vệ trẻ em để đưa được thông tin kiến thức, dự phòng, điều trị HIV đến các học sinh từ THCS đến THPT. Có thể lồng ghép kiến thức HIV vào chương trình giáo dục giới tính, giáo dục sức khỏe sinh sản. Từ đó học sinh sẽ được tiếp cận sớm về HIV để chủ động dự phòng cho phù hợp", Ths.BS Hoàng Nam Thái nói.
Ngoài ra cần có sự hợp tác, phối hợp của các chủ doanh nghiệp, những người tạo ra các nền tảng mạng xã hội, các ứng dụng (app) để đưa tới người dùng những thông điệp truyền thông về HIV, để từ đó người trẻ sẽ có thông tin tốt hơn.