Những ngày qua, câu chuyện xôn xao về luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" đã đặt ra nhiều băn khoăn về vấn đề nghiên cứu khoa học cũng như đào tạo tiến sĩ tại Việt Nam hiện nay.
Nhiều ý kiến cho rằng, đề tài trên không thể là một đề tài nghiên cứu khoa học, và dư luận cũng đặt ra câu hỏi: Quy trình nghiệm thu một đề tài khoa học, quy trình bảo vệ một luận án tiến sĩ được diễn ra như thế nào? Tại sao lại để lọt những đề tài "vô lý" như thế?.
Nhận xét về đề tài "Nghiên cứu phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức TP Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh tại Viện Khoa học Thể dục thể thao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, GS.TS Phạm Tất Dong, nguyên Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam thẳng thắn cho rằng, đây là một đề tài ấm ớ.
Từ luận án tiến sĩ trên, GS.TS Phạm Tất Dong chỉ ra hàng loạt các luận án tiến sĩ khác mà theo chuyên gia này là chưa đạt. Ví dụ như các đề án: Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lãnh đạo công tác quốc phòng địa phương từ năm 2005 đến năm 2015; hay Đảng bộ tỉnh Lào Cai lãnh đạo đào tạo nguồn nhân lực từ năm 2001 đến năm 2010; Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lãnh đạo thực hiện chính sách dân tộc từ năm 2003 đến năm 2015; Đảng bộ tỉnh Yên Bái lãnh đạo phát triển kinh tế lâm nghiệp từ năm 2001 đến năm 2015…
Đáng chú ý những đề tài này có tên gọi và cách thức, nội dung na ná nhau. GS.TS Phạm Tất Dong nhận định, những đề tài như thế này không thể gọi là công trình khoa học mà chỉ như một báo cáo tổng kết của một ngành, một địa phương.
Theo tìm hiểu, ngoài luận án "tiến sĩ cầu lông" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh, tại chuyên trang Luận văn - Luận án của Bộ GDĐT có tới gần 10 nghiên cứu sinh bảo vệ thành công luận án tiến sĩ liên quan đến môn cầu lông ở các cơ sở đào tạo trên cả nước.
Thậm chí, một số đề tài có tiêu đề gần giống nhau như: "Nghiên cứu xây dựng chương trình và tổ chức tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho học sinh trung học phổ thông thành phố Tuyên Quang" của tác giả Nguyễn Mỹ Việt; đề tài "Nghiên cứu xây dựng chương trình tập luyện ngoại khóa môn cầu lông cho sinh viên Đại học khối các trường kỹ thuật thành phố Thái Nguyên" của tác giả Nguyễn Trường Giang...
Trong khi đó, thống kê những luận án tiến sĩ do Viện Khoa học thể dục thể thao hướng dẫn và nghiệm thu trong 3 năm qua (từ 2020 đến nay) trên web Luận văn - Luận án của Bộ GD&ĐT cho thấy, nhiều nghiên cứu tương tự đề tài "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh.
Ba năm qua, Viện Khoa học Thể dục thể thao nghiệm thu tổng số 22 luận án tiến sĩ, trong đó 21 đề tài thuộc chuyên ngành Giáo dục học, 1 đề tài thuộc lĩnh vực thể dục thể thao.
"Hóa ra, ngoài tiến sĩ về phát triển cầu lông thì còn nhiều tiến sĩ khác về yoga, bóng rổ, cử tạ.... Chuyện nghiên cứu khoa học thật mà như đùa", TS Nguyễn Văn Tuấn, Đại học Quốc gia Hà Nội thốt lên khi xem bảng thống kê trên.
Ông Tuấn đánh giá, một số đề tài nghiên cứu trên quy mô hẹp, chưa đủ tầm luận án tiến sĩ, giống với báo cáo, tham luận hoặc cùng lắm là luận văn thạc sĩ.
Hầu hết các đề tài chỉ khảo sát một địa phương, một khía cạnh rất nhỏ trong các bộ môn thể thao như: "Nghiên cứu hiệu quả của bài tập Hatha Yoga đối với sức khỏe người cao tuổi nữ tại thành phố Hà Nội", "Nghiên cứu phát triển thể chất cho trẻ mẫu giáo 5 - 6 tuổi tỉnh Đồng Tháp"... Hay những đề tài chỉ khảo sát ở một trường đại học: "Nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả công tác Giáo dục Thể chất cho Đại học Bách Khoa Hà Nội", "Nghiên cứu xây dựng nội dung hoạt động Câu lạc bộ thể thao giải trí cho sinh viên Đại học Lâm nghiệp".... Rất hiếm đề tài của nghiên cứu sinh tại Viện này khảo sát trên phạm vi rộng khu vực phía Bắc, Nam hay toàn quốc.
"Mục đích của nghiên cứu là chỉ ra được thực trạng, hạn chế và đưa ra giải pháp cải tiến mang tính vi mô và vĩ mô, tác động lớn đến cộng đồng hoặc cả xã hội. Trong khi đó, đề tài trên nói đến việc phát triển một góc độ, bài tập, động tác trong các môn thể thao là quá nhỏ, không có tính đóng góp mới cho xã hội hay cộng đồng khoa học vì rất nhiều người trước đó từng nghiên cứu.
Xét cả về tính học thuật hay thực tiễn, nhiều đề tài trong giai đoạn từ 2020 đến nay chưa đạt yêu cầu. Không biết lý do vì sao mà người hướng dẫn nghiên cứu lại đồng ý và hội đồng thẩm định lại thông qua những đề tài như vậy", TS Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh.
Liên quan đến sự việc trên, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học khẳng định: "Với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành".
"Việc đánh giá chất lượng luận án, hàm lượng khoa học của từng luận án là minh bạch, rõ ràng và trước hết là trách nhiệm của cơ sở đào tạo, của người hướng dẫn, của đơn vị chuyên môn và của các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất. Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo", bà Thủy nói.