Giật mình với cách bảo vệ một công trình thủy lợi

23-03-2017 19:41 | Xã hội

SKĐS - Vụ việc 3 thanh niên say rượu vào mở van xả lũ ở tỉnh Phú Yên không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp mà còn đe dọa tính mạng của rất nhiều người dân.

Vụ việc 3 thanh niên say rượu vào mở van xả lũ ở tỉnh Phú Yên không chỉ gây thiệt hại nghiêm trọng cho ngành nông nghiệp mà còn đe dọa tính mạng của rất nhiều người dân. Từ vụ việc này đặt ra một vấn đề tại các công trình thủy lợi, các đập xả lũ cần có lực lượng bảo vệ riêng biệt.

Hiện cả nước có hơn 1.700 hồ chứa thủy lợi và 330 hồ thủy điện đang vận hành, với sự tham gia của nhiều chủ đầu tư thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các tập đoàn: Điện lực (EVN), Dầu khí (PVN), Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), cùng nhiều doanh nghiệp tư nhân khác, với trữ lượng nước chứa nhiều tỷ mét khối phục vụ chạy máy phát điện và cung cấp nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Để điều tiết hợp lý lượng nước trong các hồ đập, ngoài việc xây dựng quy trình vận hành khoa học thì việc bảo vệ an toàn cho các công trình cũng không thể xem nhẹ, nhất là đối với các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vừa và nhỏ.

Nguyên tắc muốn xả nước, theo thông lệ vào mùa tưới tiêu thì có lệnh của giám đốc công ty, còn mùa lũ thì phải có lệnh của trưởng ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh hoặc chủ tịch UBND tỉnh thì mới được vận hành xả nước từ đập tràn. Đồng thời, khi xả nước xuống hạ du phải thông báo trước ít nhất 5 tiếng để cho dân nắm được thông tin. Bởi đằng sau hồ chứa là cả sự sống, nhà cửa, hoa màu của nhân dân cho nên công tác bảo vệ van xả nước trong hồ chứa phải được an toàn tuyệt đối và thực hiện theo quy trình. Trên thực tế, quy trình vận hành van xả nước dù được thực hiện chặt chẽ nhưng mỗi hồ chỉ có 1-2 nhân viên trực kỹ thuật chứ không có lực lượng bảo vệ riêng biệt, canh trực tiếp để bảo vệ van xả nước trừ khi có lụt bão. Vì vậy, lực lượng tại chỗ không thể đảm bảo an toàn khi có đối tượng từ bên ngoài cố ý muốn phá hoại.

Qua vụ việc ở Phú Yên, đã đến lúc phải nhìn lại công tác kiểm tra, bảo vệ các công trình thủy điện, thủy lợi, về năng lực quản lý, vận hành, an toàn kỹ thuật..., sớm đưa ra những quy định cụ thể, chi tiết các chế tài quản lý, bảo vệ hướng dẫn thực hiện, tránh bị xâm phạm. Bởi nếu các dự án, công trình đó không sớm được phát hiện, xử lý để bảo đảm an toàn thì nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản là rất lớn. Muốn vậy, cần rà soát các quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn về vận hành điều tiết, bảo trì công trình hồ đập thủy lợi, thủy điện để thường xuyên duy tu bảo dưỡng. Củng cố lực lượng quản lý chuyên trách cũng như năng lực của chủ đập, tăng cường công tác giám sát, quản lý. Khi phát hiện người lạ mặt vào khu vực quản lý hồ, phải nhanh chóng báo cho công an địa phương, đề phòng tình huống bất ngờ xảy ra.


Mạnh Khôi
Ý kiến của bạn