Đặc biệt, một số bệnh nhân chủ quan chỉ nghĩ dị ứng thông thường nên bệnh chuyển nặng, cảnh báo nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được điều trị kịp thời.
Bệnh giun sán lại nghĩ da liễu
Có mặt tại Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa từ những ngày cuối tháng 11 đến nay, chúng tôi ghi nhận được cảnh bệnh nhân tấp nập đến khám, xét nghiệm và điều trị bệnh giun sán chó, mèo. Từ người già đến trẻ em đều trong tình trạng lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Nh. (Nha Trang, Khánh Hòa) bất ngờ cho biết: Lúc đầu thấy ngứa ngáy khó chịu. Tưởng bị mề đay hay con gì đốt nên cứ để liều vậy thôi. Sau đó, triệu trứng nặng dần lên, thấy choáng đầu nên đi xét nghiệm thì có kết quả dương tính với bệnh giun đũa chó.
Cũng theo bà Nh., gia đình bà nhiều năm nay nuôi hàng chục con chó cảnh các loại, thường xuyên để vật nuôi này lên giường, bàn, ghế và khi đi ngủ còn ẵm theo. Em Nguyễn Đức Th. ở TP. Nha Trang thấy gia đình nuôi nhiều chó, mèo cũng thường xuyên ôm đi chơi, thậm chí cho vật nuôi lên giường ngủ cùng. Cứ vậy nhiều ngày cho đến khi Th. thấy ngứa râm ran, đau ê ẩm, nôn nao trong người nên đi xét nghiệm thì đã nhiễm bệnh.
Nhiều bệnh nhân khác có kết quả dương tính sán dây chó và giun đũa chó đều nhận định rằng: Do không cảnh giác và không thường xuyên đưa vật nuôi đi khám, khi nhiễm bệnh nặng rồi mới biết. Một số người không tiếp xúc nhiều với các loại vật nuôi này nhưng vẫn nhiễm bệnh vì có thói quen ăn nhiều rau sống, đồ sống.
Gia tăng mạnh, cần cẩn trọng
Theo báo cáo của Bệnh viện Nhiệt đới Khánh Hòa, bệnh giun đũa chó, mèo (còn có tên Toxocara) và sán dây chó (còn có tên Echinococcus Granulosus) liên tục gia tăng, đặc biệt là các tháng gần cuối năm.
Từ đầu năm đến ngày 15/11, đã có 2.893 có dấu hiệu nhiễm bệnh giun đũa chó, mèo phải đến bệnh viện để xét nghiệm. Kết quả có đến 1.466 bệnh nhân dương tính (đã nhiễm). Có 36 người có biểu hiện nhiễm bệnh sán dây chó, kết quả xét nghiệm, thăm khám cho thấy có 8 người bị dương tính với sán dây chó trong khi năm 2018 không có ai bị dương tính với bệnh này.
Nếu tháng 2 chỉ có 85 bệnh nhân dương tính với giun đũa chó, mèo thì tháng 9 là 164 ca, tháng 10 tăng lên 186 ca. Đặc biệt, số người ở thành thị (TP. Nha Trang) chiếm đến 46,9% tổng số lượt người đi khám, xét nghiệm tại cơ sở y tế.
Đánh giá từ bệnh viện cho thấy, tiêu chuẩn khám, chẩn đoán xác định ca bệnh dựa vào: Yếu tố dịch tễ và bệnh sử liên quan; Biểu hiện lâm sàng. Xét nghiệm chẩn đoán: Công thức máu; Soi phân tìm ấu trùng hoặc trứng giun, sán. Huyết thanh chẩn đoán ELISA.
Theo các chuyên gia y tế, ấu trùng giun đũa chó khi vào cơ thể xuyên qua thành ruột và xâm nhập máu, biểu hiện ngứa hay không phụ thuộc vào cơ địa mỗi người. Mỗi loại giun đũa hoặc sán dây đều có cách điều trị khác nhau, phát hiện càng sớm điều trị càng thuận lợi. Điều trị phải đúng thuốc, đủ liều, bệnh mới có thể dứt.
Để hạn chế việc nhiễm bệnh, nên ăn chín, uống sôi. Rửa tay khi tiếp xúc với vật bẩn, không cho trẻ nhỏ tiếp xúc bùn đất, cát. Quản lý, xử lý chất thải vật nuôi khoa học, không gây vương vãi ra môi trường xung quanh. Khi nuôi thú cưng cần thường xuyên cho uống thuốc trị giun, sán, đồng thời hạn chế tối đa việc cho trẻ nhỏ tiếp xúc với chó, mèo.