Giật mình khi nghe con nói: Con yêu bố/mẹ

30-06-2016 07:41 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Tôi thích một câu danh ngôn : Để tả miếng beefsteak không nhất thiết phải nhảy vào chảo mỡ đang sôi. Tôi đã dùng câu đó để trả lời những tò mò về các câu chuyện tình yêu hay chỉ đơn giản là những bài Thì thầm bên gối có vẻ hơi … phá cách. Từ thực tế của mình, tôi thấy đúng là không cần tự mình trải nghiệm vẫn có thể viết ra những điều thuyết phục người khác, với điều kiện mình có kiến thức nghiêm túc.

Bởi thế, tôi hoàn toàn không nghi ngờ gì khi được biết rằng Trần Hùng John là một thanh niên chưa vợ nhưng đã viết cả một cuốn sách không hề mỏng về cách nuôi dạy con. Cuốn sách nhỏ xinh, bìa thiết kế trang nhã, văn minh – gây thiện cảm ngay từ cái nhìn đầu tiên.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, giám đốc NXB Phụ nữ, đơn vị in cuốn sách của Hùng đã chia sẻ tại cuộc ra mắt sách : Ban đầu chúng tôi muốn đặt Hùng viết về tuổi thơ lớn lên giữa hai nền giáo dục. Chúng tôi nghĩ đó là thế mạnh của Hùng, bởi vì cậu ấy thuộc thế hệ thứ ba người Mỹ gốc Việt, được sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Năm 2010, Hùng đã về Việt Nam và  chỉ sau một khóa học tiếng Việt, đã quyết định thực hiện một chuyến đi dọc theo đất nước mà không mang theo bất cứ khoản tiền nào, với mục đích trải nghiệm cuộc sống với người dân thường, tìm về cội nguồn của mình để đi đến một quyết định trọng đại nhất trong đời mình là gắn bó lâu dài với đất nước. Thế nhưng Hùng lại chuyển cho chúng tôi bản thảo này. Khi mới đọc, chúng tôi thấy “ồ toàn là những điều đã nghe, đã biết”. Nhưng đọc đến lần thứ ba thì chúng tôi đã bị thuyết phục. Cuốn sách thật sự là một cuộc cách mạng trong giáo dục con cái. Toàn những điều tưởng như cũ, nhàm. Nhưng để thực hiện ? Cũng khó đấy.

Các diễn giả và tác giả Trần Hùng John (thứ 2 từ trái qua) trong lễ ra mắt sách Cây to bắt đầu từ mầm nhỏ

Tác giả cuốn sách- Trần Hùng John là một đại diện của thế hệ 8X, một chàng trai nói tiếng Việt còn chưa sõi hẳn nhưng viết thì trơn tru, không bị … Mỹ hóa.  Hãy bỏ đi những thói quen xấu mà chính cha mẹ của các bạn đã truyền lại cho các bạn, hãy cởi mở hơn để đón nhận những thay đổi – Hùng nói vậy về mục đích của cuốn sách.

Chẳng hạn như, khi về Việt Nam, Hùng đã làm một trắc nghiệm với vài trăm bạn trẻ. Các bạn đó được đề nghị gọi điện cho bố/ mẹ mình và nói : Con yêu bố/mẹ. Câu trả lời của “phía bên kia” đa số là : Con bị ốm à ? / Con cần tiền à ?... Hầu như không có ai đáp lại là : Ừ, bố/ mẹ cũng yêu con lắm.

Hùng cũng nhớ lại, lần đầu tiên cậu hôn lên trán bà ngoại của mình, bà “giật nảy người lên”.

Người Việt chúng ta vẫn dạy nhau rằng nên yêu thương và quan tâm đến người khác nhưng yêu thương bằng “công cụ” nào ? Nào có mấy ai được chỉ dẫn tận tình. Này đấy, chỉ nguyên việc bày tỏ tình cảm bằng lời nói còn xa lạ với chúng ta đến vậy cơ mà. Chúng ta quả là dè sẻn trong cách biểu lộ tình yêu thương ngay cả với những người thân yêu, gần gũi nhất.

Hùng John hài hước : Bố mẹ Việt có thể cãi nhau trước mặt con nhưng lại hầu như không thể hôn nhau trước mặt chúng.

Chính vì thế mà giáo dục giới tính dường như cũng là một kỹ năng yếu của bố mẹ Việt, dù rằng ngày nay xã hội đã cởi mở hơn rất nhiều. Những khuyên giải của bố mẹ hoặc là làm con mình trở nên sợ hãi tình dục, hoặc là rơi vào cảm giác chơi vơi bởi không biết nên hành động đến đâu là … vừa. Hùng đưa ra một cách giải quyết, đơn giản nhưng chắc chắn là không dễ thực hiện ngay : Trò chuyện với con thường xuyên về “chuyện ấy”. Đó là biện pháp hàng đầu để giáo dục giới tính và tình dục. Điều đó cũng là tư tưởng thống nhất, xuyên suốt cả cuốn sách. Bố mẹ và con cái cần xây dựng một thói quen hội thoại lâu dài, bền vững.

Đọc cả cuốn sách, nhận ra triết lý của tác giả giản dị lắm. Đó là khả năng giao tiếp giữa người với người, mà chủ thể ở đây được khoanh vùng ở hai từ khóa Bố Mẹ / Con cái. Cái điều thuộc về bản năng bẩm sinh của con người nhưng để nâng lên thành kỹ năng và đem lại kết quả như mong muốn táo bạo của người viết “bắt đầu một cuộc cách mạng hóa trong cách cha mẹ nuôi dạy con, để giúp làm thay đổi theo hướng tích cực hơn mối quan hệ giữa cha mẹ-con cái tại Việt Nam”, chẳng phải là câu chuyện của một thế hệ.


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn