Giáo viên phân công phụ huynh trực nhật: Trưởng phòng GD&ĐT nói gì?

26-09-2024 10:33 | Xã hội
google news

SKĐS - Mới đây, một phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm viết đơn phản ánh gửi tới báo chí về việc giáo viên chủ nhiệm lớp phân công phụ huynh tới trực nhật lớp vào 17h hàng ngày.

Giáo viên phân công phụ huynh "sau 17h mang chổi đến trực nhật lớp"

Cụ thể, phụ huynh Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (huyện Thanh Trì, Hà Nội) phản ánh: "Giáo viên cho biết học sinh lớp 1 khó khăn trong việc dọn vệ sinh lớp nên một số lớp đã chi 500.000 đồng/tháng để thuê lao công của nhà trường dọn dẹp. Nếu lớp không thuê, cô giáo sẽ phân công phụ huynh tới trực nhật.

Hơn nữa, tôi cho rằng việc trực nhật lớp học bao gồm quét lớp hay giặt giẻ lau bảng, tưới cây, quét hành lang... học sinh hoàn toàn có thể làm để rèn tính tự giác, kỷ luật và có trách nhiệm với cộng đồng. Tôi không đồng tình việc thuê người làm việc này thay các con".

Ngoài ra, phụ huynh này cũng bức xúc nêu, ngay từ đầu năm học, khi đăng ký lớp cho con, nhà trường đã đưa ra các lựa chọn như: lớp có điều hòa và không có điều hòa. Tuy nhiên, dù đã đăng ký cho con học lớp có điều hòa thì vào đầu năm học, phụ huynh lại được nhà trường thông báo khối lớp 1 ủng hộ 10 bộ điều hòa mới, dự kiến mỗi học sinh đóng 300.000 đồng.

Bên cạnh đó, trong cuộc họp, phụ huynh được phổ biến việc tặng nhà trường sân cỏ nhân tạo vào học kỳ 2, với số tiền dự kiến 100.000 đồng/học sinh. Đây là khoản tiền xã hội hóa trên tinh thần tự nguyện, không thể cào bằng với từng học sinh.

Giáo viên phân công phụ huynh trực nhật: Trưởng phòng GD&ĐT nói gì?- Ảnh 1.

Tin nhắn giáo viên chủ nhiệm yêu cầu phụ huynh đến trường trực nhật.

"Xác minh, xử lý kịp thời, không bao che"

Liên quan đến việc mỗi lớp phải đóng 500.000 đồng mỗi tháng để thuê người quét dọn lớp, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm khẳng định, quan điểm của nhà trường việc trực nhật là trách nhiệm của học sinh, tuyệt đối không có việc yêu cầu phụ huynh đến lớp trực nhật thay con em: "Chúng tôi sẽ tìm hiểu xem lớp nào yêu cầu phụ huynh phải trực nhật lúc 17h".

Theo bà Hà, nhà trường chỉ thuê đơn vị dọn vệ sinh ở các khu vực chung ngoài lớp học và phụ huynh "không phải đóng 1 đồng nào" và cũng chưa từng yêu cầu phụ huynh phải đến trực nhật hay phải đóng tiền hàng tháng vệ sinh trường lớp. "Những năm học trước, một số phụ huynh có ý kiến học sinh còn nhỏ chưa thể trực nhật nên ban phụ huynh mỗi lớp chi 500.000 đồng/tháng thuê người dọn vệ sinh lớp. Đây là thỏa thuận của phụ huynh với người dọn vệ sinh chứ không phải chủ trương của nhà trường. Chúng tôi sẽ yêu cầu làm tường trình và nhắc nhở giáo viên. Từ năm học này, tôi cũng yêu cầu 100% các khối lớp phải để học sinh tự trực nhật, không được thuê người làm".

Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm khẳng định, đến thời điểm này, trường vẫn đang trong quá trình lấy ý kiến, chưa có bất kỳ khoản thu nào được triển khai.

Về phản ánh các năm học trước nhà trường cũng huy động phụ huynh đóng góp xã hội hóa các hạng mục như tường rào, lan can… ghế giáo viên, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm khẳng định nhà trường không nhận tiền từ phụ huynh học sinh.

Giáo viên phân công phụ huynh trực nhật: Trưởng phòng GD&ĐT nói gì?- Ảnh 2.

Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm (huyện Thanh Trì, Hà Nội).

Về vấn đề phản ánh của phụ huynh Trường Tiểu học Ngô Thì Nhậm, trao đổi với PV Báo Sức khỏe và Đời sống, ông Phạm Văn Ngát - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết: "Chúng tôi đã nắm bắt thông tin phản ánh của phụ huynh và đã tiến hành xác minh làm rõ. Nội dung dự thảo của cha mẹ học sinh và các lớp để xin ý kiến nhà trường trong cuộc họp đầu năm hiện đang bàn bạc, nhà trường và các lớp chưa thu nộp tiền".

Theo ông Ngát, nếu phụ huynh nào chưa đồng tình có thể thẳng thắn trình bày mọi việc với giáo viên chủ nhiệm, nhà trường. Nếu nhà trường cố tình không lắng nghe ý kiến của cha mẹ học sinh và vẫn làm sai thì phải chịu trách nhiệm.

"Quan điểm của Phòng GD&ĐT là các trường được thu những gì theo quy định, những khoản nào được phép kêu gọi xã hội hóa cũng cần thực hiện theo đúng quy định, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh và cả các lực lượng ngoài nhà trường. Xã hội hóa không có nghĩa cứ nhắm vào cha mẹ học sinh, ngoài ra vẫn có rất nhiều các nhà hảo tâm, doanh nghiệp… Khi tài trợ không có bất cứ điều kiện nào liên quan đến giáo dục. Tinh thần của Phòng GD&ĐT huyện Thanh Trì là xác minh, xử lý kịp thời, không bao che".

Đề nghị miễn học phí cho học sinh vùng bị ảnh hưởng bão lũĐề nghị miễn học phí cho học sinh vùng bị ảnh hưởng bão lũ

SKĐS - Để chia sẻ khó khăn với người dân sau bão Yagi, Bộ GD&ĐT đề nghị không thu học phí đối với trẻ em mầm non, học sinh phổ thông.


Đỗ Vi
Ý kiến của bạn